Học sinh lớp 9 Trường THCS Chi Lăng, Q.4, TP.HCM nghe giáo viên thông tin về các biện pháp an toàn đi học trong mùa dịch - Ảnh: T.T.D.
Bộ GD-ĐT đưa vào nhiệm vụ năm học, yêu cầu các nhà trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng linh hoạt, áp dụng các hình thức tổ chức dạy học khác nhau để ứng phó với các tình huống khách quan khác nhau.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết Bộ GD-ĐT đang thực hiện tinh giản chương trình giáo dục phổ thông và công bố vào đầu năm học.
Nếu như việc tinh giản chương trình ở học kỳ 2 của năm học trước chỉ là giải pháp tình thế thì lần tinh giản này mang ý nghĩa khác. Chương trình tinh giản sẽ cắt giảm những nội dung trùng lặp giữa các môn học, cấp học để gọn nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, việc tinh giản, sắp xếp lại chương trình cũng hướng đến việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học.
* Ông có thể nêu ví dụ cụ thể?
- Ví dụ sắp xếp nội dung một số bài học trong sách giáo khoa (SGK) của môn học trong một chủ đề của chương trình hoặc xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp kiến thức của các môn học có liên quan. Việc này sẽ giảm bớt nội dung cần học trên lớp, tăng thời gian cho giáo viên tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt. Trong đó có cả việc kết hợp giữa dạy học qua Internet với dạy học trực tiếp, tăng cường hoạt động tự học, tự nghiên cứu thực hành của học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
* Thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã tính toán các phương án để không rơi vào bị động do dịch COVID-19 như ở học kỳ 2 của năm học trước chưa?
- Việc này sẽ nêu trong nội dung nhiệm vụ năm học mới. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể để các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục.
Dựa vào chương trình đã tinh giản, khung thời gian năm học, các trường xây dựng các phương án dạy học khác nhau cho mỗi bài học. Trong đó có phương án thực hiện trong điều kiện bình thường và phương án thực hiện trong điều kiện phải đề cao cảnh giác phòng chống dịch bệnh, phương án học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh...
* Như vậy, việc lựa chọn hình thức dạy học nào là do các trường chủ động? Việc này liệu có dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, chất lượng giáo dục không kiểm soát không?
- Tùy theo tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của cơ quan y tế, các địa phương sẽ có quyết định cụ thể về việc học sinh đi học hay nghỉ học. Trong tình huống học sinh có thể đến trường, các trường cần tiếp tục kết hợp việc dạy trực tuyến và trực tiếp. Trong đó, việc dạy trực tuyến có vai trò bổ trợ, tăng cường giao nhiệm vụ, kiểm soát học sinh tự học, tự thực hành, nghiên cứu tài liệu ở nhà nhằm giảm bớt thời gian trên lớp. Với cách đó, các trường có thêm thời gian để tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học.
Trong tình huống học sinh không đến trường do dịch, những nơi có điều kiện tốt thì tổ chức dạy học trực tuyến, nơi chưa có điều kiện thì dạy học qua truyền hình, hoặc ở các vùng khó khăn, có các hình thức giao nhiệm vụ, bài tập, tài liệu học tập cho học sinh.
* Học kỳ 2 năm học trước cũng đã áp dụng các hình thức dạy học này nhưng ở nhiều nơi chất lượng không tốt. Nếu không có giải pháp gì khắc phục các bất cập, hạn chế, Bộ GD-ĐT có thể đảm bảo duy trì được chất lượng giáo dục tối thiểu không, thưa ông?
- Tình huống dịch bệnh phức tạp khiến học sinh không thể đến trường là việc bất khả kháng. Thay vào việc ngừng dạy học kéo dài, cần phải có các hình thức dạy học từ xa để duy trì sự học.
Học kỳ 2 năm học trước, các nhà trường còn chưa chủ động, không có chuẩn bị trước. Các hình thức dạy học từ xa cũng chưa có hành lang pháp lý để triển khai sớm. Năm học mới này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường phải sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể triển khai phương án dạy học từ xa. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn các nhà trường trong việc dạy học từ xa, trong đó có dạy học qua Internet và dạy học qua truyền hình.
* Cụ thể hơn, ông có nhận xét gì về việc dạy học trực tuyến vừa qua và khắc phục thế nào?
- Từ thực tế đã triển khai cho thấy còn có việc chưa hiểu đúng về dạy học trực tuyến nên tập trung nhiều vào việc dạy học bằng hình thức tổ chức lớp học bằng các ứng dụng video trực tiếp. Có nghĩa thay vì thầy cô đứng trước học sinh dạy thì ngồi trước máy tính để dạy và học sinh ngồi trước máy tính để học theo bài dạy trực tiếp từ thầy cô qua video theo thời gian thực.
Đó là lý do chất lượng dạy học không bảo đảm, học sinh không tập trung, giáo viên khó khăn, mất nhiều thời gian quản lý lớp học và việc dạy học chưa hiệu quả. Chưa kể nơi này nơi khác điều kiện máy móc còn kém.
Để dạy học trực tuyến tốt, các nhà trường cần có kế hoạch chỉ đạo các tổ chuyên môn thảo luận, xây dựng giáo án dạy học trực tuyến theo các chủ đề. Trong đó, chú ý giao nhiệm vụ cho học sinh trước để nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện các yêu cầu của giáo viên trên các bài học trực tuyến được xây dựng trên mạng.
Việc tổ chức lớp học truyền hình được tổ chức chủ yếu dành cho việc trình bày, trao đổi, thảo luận của học sinh về những nội dung đã tự học trước đó. Giáo viên bao quát được tình hình tiếp thu bài học của học sinh qua tương tác và qua các sản phẩm, kết quả học sinh thực hiện.
Còn ở dạy học qua truyền hình cũng không phải "mở tivi lên ngồi xem". Các nhà trường phải chỉ đạo giáo viên nắm được thời khóa biểu dạy học qua truyền hình để giáo viên hướng dẫn học sinh đọc tài liệu trước, thực hiện trước các nhiệm vụ học tập. Sau giờ học, giáo viên phải có biện pháp kiểm tra học sinh.
Khắc phục các điểm yếu từ việc dạy học từ xa bằng cách chủ động xây dựng kế hoạch từ trước. Trong kế hoạch có phân công nhiệm vụ rõ ràng, yêu cầu cụ thể đối với các tổ bộ môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm...
Linh hoạt cách đánh giá học sinh
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung về đánh giá học sinh. Theo đó, các nhà trường có thể linh hoạt vận dụng các hình thức đánh giá thường xuyên khác nhau trong điều kiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình hoặc dạy học trực tiếp.
Bộ GD-ĐT cũng đang xin ý kiến về dự thảo thông tư ban hành quy chế dạy học trực tuyến. Đây là những cơ sở pháp lý để các nhà trường dựa vào, xây dựng kế hoạch giáo dục và triển khai thực hiện các phương án dạy học tùy theo tình huống khác nhau.
Ông NGYỄN XUÂN THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận