Mô hình sử dụng lửa giải thích sự hình thành sao băng - Ảnh: TƯỜNG HÂN |
Đó là một trong nhiều thí nghiệm đơn giản tạo hứng thú ở lớp học thiên văn tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM do CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) tổ chức.
Kiến thức ở mỗi buổi học đều được mô phỏng sinh động qua trò chơi, mô hình, phim ảnh, tin tức, từ nhật thực, nguyệt thực đến sao chổi, sao băng hay du hành vũ trụ. Từng tổ chức khóa học cho sinh viên trong năm 2016, HAAC tiếp tục xây dựng chương trình Astrokid dạy thiên văn cho trẻ từ 6-12 tuổi trong hè này.
Bầu trời là đề tài hấp dẫn khiến nhiều bé trai huyên thuyên trao đổi. Lớp học bắt đầu bằng chia sẻ của các bé về phi thuyền, thiên thạch, khủng long tuyệt chủng, vũ trụ song song... được thêu dệt từ truyện tranh và phim ảnh viễn tưởng. “Thầy giáo” phải giải thích, điều chỉnh suy nghĩ của các bé bằng hiểu biết hiện tại của con người về vũ trụ.
Ngồi thành vòng tròn, tám bạn nhỏ và hai “thầy cô” cắt vẽ mô hình sao chổi để tìm hiểu cấu tạo, quỹ đạo, vòng đời, giải thích các hiện tượng quang học cơ bản, lắp ráp kính thiên văn và thực hành tên lửa nước để quan sát, chinh phục bầu trời. Từng tổ chức hội trại thiên văn cho một số trường tiểu học, nhưng đây là lần đầu tiên CLB thiết kế thành chương trình giáo dục trải dài qua sáu buổi.
“Thiên văn kích thích trí tưởng tượng của mọi người. Từ thuở sơ khai, loài người đã tìm hiểu về bầu trời, những năm gần đây công nghệ cho phép người bình dân tiếp cận dễ hơn. Tôi cho con học thiên văn như một thú vui bên cạnh đọc sách, xem phim, khi lớn lên nếu các con đam mê sẽ tự tìm hiểu” - anh Nguyễn Bá Hải (phụ huynh có hai con tham gia lớp học) cho biết.
Giới thiệu kính thiên văn tự động cho các em - Ảnh: TƯỜNG HÂN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận