NSND Trung Kiên:
Trẻ con hát nhạc người lớn bị ảnh hưởng thanh đới
Trẻ con có cách học thanh nhạc của trẻ con, cũng phức tạp lắm chứ không đơn giản đâu.
Tất nhiên vẫn có cháu đáp ứng được các tác phẩm của người lớn, nhưng người hướng dẫn các cháu phải chọn lựa rất cẩn thận, và phải nương theo sức của các cháu.
Đặc biệt khi dùng các tác phẩm của người lớn cho trẻ em hát thì ngoài việc cân nhắc yếu tố thanh nhạc, phải cân nhắc về nội dung.
Vì lạm dụng các tác phẩm của người lớn cũng chẳng giúp gì về mặt giáo dục ý thức âm nhạc cho trẻ em.
Ngay cả chọn dân ca cũng phải cân nhắc. Không nên cho trẻ con hát Chầu Văn vì đây là thể loại âm nhạc khó, tiết tấu thay đổi, nhiều nốt cao.
Quan họ thì vừa sức với bọn trẻ, có nhiều bài quan họ dành cho trẻ em có lời rất hay.
Nhưng chọn gì thì chọn, căn bản phải giúp bọn trẻ cảm thấy được tôn trọng, bản thân chúng cảm thấy thích thú.
Các cuộc thi phong trào cũng nên khuyến khích sự yêu thích âm nhạc, tạo niềm phấn khởi, ham mê học tập ca hát của bọn trẻ.
Không nên gây sức ép thắng thua, đừng nên bắt trẻ con bắt chước người lớn, làm thế là rất kệch cỡm.
Tôi có cảm giác hiện nay chúng ta đang rất thiếu các ca khúc thiếu nhi, nên các chương trình mới yêu cầu các cháu hát ca khúc người lớn.
Biên đạo múa Trần Ly Ly:
Làm việc với trẻ phải nghĩ theo cách trẻ con
Khi làm Đồ Rê Mí, tôn chỉ của tôi là làm những gì liên quan đến trẻ con, cho thấy sự ngộ nghĩnh của trẻ con, cái tưởng tượng của trẻ, chứ không tập trung vào kĩ thuật.
Nhiều khi kĩ thuật quá, đòi hỏi nhiều hơn khả năng của trẻ, lại làm mất đi tính trẻ con của chúng.
Tôi rất hiểu làm game show là phải chạy cả một series nên những người dàn dựng bị sức ép rất lớn. Khi phải làm việc liên tục để đáp ứng các số phát sóng hàng tuần họ có thể bị cạn ý tưởng, dễ đi vào lối mòn.
Đôi khi họ đã phải dùng các bài nhảy của người lớn để biến tấu cho trẻ con nhảy. Cũng có khi người làm quen tư duy theo kiểu người lớn, nên nhiều khi bị sai hướng, gây phản cảm.
Thực ra dàn dựng tiết mục cho trẻ em rất khó, mình phải biết suy nghĩ theo cách của trẻ, chứ không phải tư duy theo cách của người lớn.
Ngày xưa khi tôi còn học ở nước ngoài, cô giáo tôi nói khi nào các em dạy được bọn trẻ con, tức là bọn em sẽ tốt nghiệp.
Cho trẻ tập theo vũ đạo của người lớn ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới cơ xương. Có nhiều đứa trẻ có khả năng đáp ứng được những động tác của người lớn, nhưng có đứa thì không. Khi tập mà chấn thương là phải dừng lại ngay.
Ngay cả chọn nhạc cũng phải có sự tinh tế. Nhiều khi các bạn dàn dựng game show chỉ để ý đến giai điệu hay, mà không để ý đó là ca khúc dành cho người lớn chẳng hạn, có thể sẽ gây bức xúc cho những phụ huynh xem chương trình.
Tóm lại là khi làm chương trình cho trẻ con phải hiểu tâm lý của chúng, không nên áp dụng suy nghĩ của người lớn, bản dựng của người lớn cho trẻ con.
Tiến sĩ Giáo dục Thụy Anh:
Cha mẹ là người đầu tiên bảo vệ con mình
Cùng với những quy định vừa được thông qua của Bộ thông tin và truyền thông về việc cảnh báo nội dung phù hợp hoặc không phù hợp trong các ấn phẩm xuất bản và văn hóa phẩm, ta có thể tránh cho con trẻ tiếp cận những thông tin tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, thậm chí là sự phát triển về tâm sinh lý và sự lệch lạc trong các khái niệm đạo đức của trẻ đang lớn.
Thế nhưng, vấn đề không chỉ nằm ở truyền thông hay đến từ xã hội bên ngoài.
Chính các bậc phụ huynh phải là những người có ý thức bảo vệ con mình đầu tiên.
Đó là việc lựa chọn thông tin để con tiếp cận, không lơ là, coi thường, tặc lưỡi khi trẻ ngồi cùng, xem tivi, đọc báo và thưởng thức các ấn phẩm văn hóa dường như... ngang hàng với người lớn.
Nhiều gia đình vẫn cho con cái xem chung các bộ phim tâm lý xã hội, yêu đương, phim ma, kinh dị, bạo lực, tiếng động quá lớn...
Các game show và các cuộc thi như Gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt nhí... nói chung là các cuộc thi thu hút được nhiều gia đình quan tâm. Các em đến với cuộc thi đầy háo hức.
Thắng thì vui mà thua thì nức nở khóc.
Cá nhân tôi cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà có môn học Tâm lý lứa tuổi. Trẻ con nên được tiếp cận các sản phẩm văn hóa hợp lý, đúng tuổi.
Bằng không, trẻ chưa đủ tuổi có thể hiểu sai thông điệp của chương trình, tạo tâm lý thích "được giống các bạn, được nổi tiếng", tâm lý "hơn thua", "cạnh tranh", lẫn lộn các giá trị, đánh giá sai lệch chính các khả năng riêng của mình...
Chính vì thế, thông thường, các game show cho trẻ phải có cố vấn tâm lý giáo dục đồng hành để phần nào kiểm soát các hệ luỵ.
Gia đình tôi ít xem game show, chỉ thi thoảng tình cờ xem được. Các bạn nhỏ đáng yêu phải chịu áp lực thi thố, bầu chọn, thua bạn bè và phải dừng cuộc chơi.
Ở một mức độ nào đó, đối với bạn, đây có thể là niềm thất vọng đầu tiên của cuộc đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận