TS Hoàng Ngọc Tân - trưởng bộ môn kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Lạc Hồng - cho biết có một số nguyên tắc khá đơn giản mà các học sinh mẫu giáo hoàn toàn có thể được dạy và thực hiện trong trường hợp không may bị bỏ quên trên xe ô tô, xe đưa đón.
1. Bấm còi xe
Với hầu hết các dòng xe hiện nay, dù đã tắt máy, rút chìa khóa, thậm chí chìa khóa để cách xe một khoảng rất xa, vẫn có thể bấm còi xe. Đó là bởi còi xe dùng nguồn điện kết nối trực tiếp với bình ắc quy. Ắc quy trong bình hoàn toàn có thể cung cấp nguồn điện cho còi bấm được nhiều giờ liên tục.
Do đó, các giáo viên, bảo mẫu hoặc phụ huynh nên chỉ cho trẻ biết vị trí của còi xe ô tô và cách bấm còi.
Trong trường hợp chẳng may bị bỏ lại trên xe mà không có các thiết bị liên lạc với bên ngoài, trẻ nên đến vị trí của còi xe, bấm còi liên tục để thu hút sự chú ý của người xung quanh. Đây là cách đơn giản và đỡ tốn sức nhất mà hầu như trẻ em nào cũng có thể thực hiện nếu được hướng dẫn từ trước.
2. Bấm đèn khẩn cấp
Tương tự còi, đèn khẩn cấp (đèn hazard) vẫn có thể hoạt động khi xe đã tắt điện và dù cho có bị khóa từ bên ngoài. Chỉ cần bấm nút, đèn báo khẩn cấp được lắp ở 2 góc phía trước và 2 góc phía sau xe ô tô sẽ chớp liên tục, ở một số xe còn kèm theo tiếng động, giúp thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.
Nút đèn hazard trên khung điều khiển xe ô tô rất dễ nhận biết với hình tam giác màu trắng trên nền đỏ. Giáo viên, phụ huynh rất dễ hướng dẫn các em vị trí của đèn này và cách bấm nút. Các em có thể kết hợp cùng lúc bật đèn hazard và bấm còi.
3. Tìm nút mở khóa ở ghế tài xế
Trong trường hợp xe đang đậu ở nơi gần như không có người xung quanh, trẻ em nên tìm đến các nút bên hông ghế tài xế. Ở đó, nhiều dòng xe hiện nay thường sẽ có 2 nút bấm có hình ổ khóa mở và ổ khóa đóng. Trẻ em chỉ cần bấm vào nút ổ khóa mở, sau đó kéo tay cầm cửa hướng ra ngoài và đẩy ra là mở được cửa.
Hiện nay, hầu hết các dòng xe đều có thể mở khóa từ bên trong. Một số dòng xe đời mới khi bấm nút mở khóa, cửa kính xe ô tô cũng đồng thời được hạ xuống, thêm một lối thoát cho các em.
Nút bấm ở ghế tài xế này thường dễ nhận dạng, trẻ có thể tập một hai lần là biết cách sử dụng. Ở một số xe, ghế phụ tài cũng có những nút tương tự.
Cẩn trọng với trẻ ngủ quên trên ô tô
3 cách thức thoát hiểm ở trên sẽ hiệu quả khi trẻ thức, tuy nhiên nguy hiểm nhất là trường hợp trẻ ngủ quên trên xe. Khi lượng oxy giảm còn nhiệt độ trên xe gia tăng nhanh chóng sẽ dễ làm trẻ khó thở, ngạt thở, thậm chí một số trường hợp có thể tử vong ngay trong giấc ngủ. Nếu ở trên những dòng xe có kích thước càng nhỏ thì nguy cơ ngạt thở khi bị bỏ quên trên xe càng cao.
Một số dòng xe điện đời mới hiện có cảm biến người ngồi. Cảm biến có thể nhận biết có người ngồi trên xe, cơ chế hoạt động cũng gần giống như cảm biến thắt dây an toàn. Khi cảm biến nhận thấy người còn ở trên xe, xe sẽ không thể khóa cửa. Tuy nhiên, tính năng này không có ở các dòng xe buýt, xe chở khách.
Vì vậy, vai trò quan sát của người lớn trước khi rời khỏi xe là rất quan trọng. Trong các xe đưa đón học sinh, các tài xế hoặc bảo mẫu đi cùng các em nên dành thêm khoảng vài phút kiểm tra thật kỹ các ghế ngồi cũng như đối chiếu lại số lượng các em trước và sau khi xuống xe để tránh trường hợp các em chưa xuống xe do ngủ quên.
Gần 1.000 trẻ thiệt mạng tại Mỹ
Dữ liệu từ Cơ quan an toàn quốc gia Mỹ cho thấy từ năm 1998 đến nay, đã có 971 trường hợp trẻ em bị bỏ quên trên xe ô tô tử vong do sốc nhiệt ở Mỹ. Trong số đó, có đến 505 trẻ em bị bỏ quên vô ý, 237 trẻ tự vào xe mà không có người lớn phát hiện và 200 trẻ bị để lại trong xe một cách cố ý.
Hằng năm, khoảng 37 trẻ em dưới 15 tuổi ở Mỹ tử vong do sốc nhiệt do bỏ quên ở xe ô tô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận