17/12/2017 09:25 GMT+7

Dạy tiếng Việt ở Đài Loan: 80.000 bạn trẻ khát khao tiếng mẹ đẻ

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TTO - Đó là con của những cô dâu Việt lấy chồng ở Đài Loan đang trong độ tuổi đến trường. Và sách giáo khoa để giảng dạy tiếng Việt cho học sinh ở Đài Loan cũng đã cơ bản hoàn tất.

Dạy tiếng Việt ở Đài Loan: 80.000 bạn trẻ khát khao tiếng mẹ đẻ - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Văn Đức, thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan trong giờ học tiếng Việt - Ảnh: HÀ BÌNH

Để "thế hệ thứ hai" này hiểu ngôn ngữ, văn hóa quê mẹ, những năm qua không ít lớp tiếng Việt đã được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều bà mẹ Việt vì không muốn con mình "mất gốc" đã tìm cách lên lớp dạy tiếng Việt cho con em mình.

Dạy tiếng Việt ở Đài Loan: 80.000 bạn trẻ khát khao tiếng mẹ đẻ - Ảnh 2.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam ngày càng nhiều. Ngược lại, Đài Loan hiện có 100.000 cô dâu từ Việt Nam nên cả hai có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều mặt. Trong đó, hợp tác giáo dục rất được coi trọng. Ngoài ra, việc cấp học bổng để thu hút du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam, không chỉ giúp du học sinh mà còn giúp sinh viên Đài Loan tiếp thu được tinh hoa từ những nền văn hóa khác để mở mang hơn tri thức của mình”.

Ông Trần Lương Cơ - lãnh đạo ngành giáo dục Đài Loan

"Ăn cơm", "mẹ ơi", "bác sĩ"...

Trường tiểu học Văn Đức nằm ở TP Tân Đài Bắc, cách TP Đài Bắc chừng 30 phút đi ôtô. Mặc dù đến năm 2018, Đài Loan mới chính thức đưa tiếng Việt vào dạy ở các trường phổ thông như là ngoại ngữ thứ hai cho học sinh lựa chọn, nhưng ở trường này lớp tiếng Việt đã duy trì được hơn sáu năm nay cho 45 học sinh có mẹ là người Việt. 

"Thứ bảy, chủ nhật chúng tôi còn mời phụ huynh gốc Việt mặc trang phục truyền thống, đến trường nấu món ăn Việt Nam để học sinh hiểu hơn về văn hóa Việt Nam nữa" - ông Từ Chính Thuận, hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Đức, nói với phóng viên Tuổi Trẻ.

Rồi ông Thuận đưa chúng tôi đến nhà triển lãm nằm trong khuôn viên trường. Từ xa, đập vào mắt là các chị mặc áo dài truyền thống Việt Nam màu xanh lá mạ. Cạnh đó là những hình ảnh, món ăn truyền thống của người Việt như múa rối, nữ sinh trong tà áo dài trắng, chả giò, vịnh Hạ Long... 

"Trường vừa tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam cho học sinh. Những hình ảnh này chúng tôi lên mạng tìm hiểu, tham khảo ý kiến của phụ huynh, giáo viên và đưa lên đây" - ông Thuận nói.

Cửa vào nhà triển lãm được thiết kế hình tròn như quả địa cầu với ngụ ý khi bước vào khu vực này là bước vào một thế giới đa văn hóa. Bên trong được trưng bày vài loại trái cây bằng nhựa như chôm chôm, măng cụt, vú sữa... 

Cạnh đó, tiếng của một cô giáo giảng bài bằng tiếng Trung vang lên, thỉnh thoảng xen vào những từ tiếng Việt. Khi cô giáo nói từ "bác sĩ", lập tức phía dưới hơn 20 học sinh cũng đồng thanh "bác sĩ". Khi cô nói từ "bạn tốt", "hớt tóc"... phía dưới cũng đồng thanh đọc theo. 

Đó là lớp tiếng Việt cho học sinh có mẹ là người Việt, do cô giáo Huỳnh Mỹ Mãn làm chủ nhiệm. Mãn là người Việt qua Đài Loan được 7 năm. Lớp học tiếp tục nhộn nhịp hơn khi cô giáo mời một bạn học sinh lên đọc lại hàng chữ tiếng Việt ghi trên bảng và được cô thưởng bằng những chiếc kẹo vì phát âm đúng.

Em Sưởng Nhi (lớp 3) kể bằng tiếng Trung rằng mọi người trong nhà ít khi dùng tiếng Việt, nên em cũng biết rất ít tiếng Việt. Hỏi biết nói từ tiếng Việt nào, Sưởng Nhi suy nghĩ một lát nói từ "ăn cơm" rồi im lặng. Còn em Vĩnh Trúc (lớp 2) khi được hỏi những từ tiếng Việt mình biết đã nói ngay "ăn cơm", "mẹ ơi", "bác sĩ", "con vịt". Một lúc sau Vĩnh Trúc lại nói thêm từ "áo khoác", "quả na".

Dạy tiếng Việt ở Đài Loan: 80.000 bạn trẻ khát khao tiếng mẹ đẻ - Ảnh 4.

Học sinh Trường tiểu học Văn Đức, TP Tân Đài Bắc, Đài Loan trong giờ học tiếng Việt - Ảnh: HÀ BÌNH

Đưa múa rối, Thạch Sanh vào bài học

Cô Huỳnh Mỹ Mãn kể cứ một tuần cô lại dành 45 phút để đến Trường tiểu học Văn Đức dạy tiếng Việt cho học sinh nơi đây. 

"Khó khăn lớn nhất trong chuyện dạy tiếng Việt cho học sinh là mỗi tuần chỉ có một tiết thôi. Vì thế khi đến lớp, tôi cố gắng tổ chức những trò chơi để các em có thể nhớ ngay những từ đã học. Tôi cũng đưa vào bài học những câu chuyện như Thạch Sanh, chú Cuội, múa rối... để học sinh hiểu thêm văn hóa Việt" - cô Mãn nói.

Theo cô Mãn, vì dạy theo kiểu tự phát nên toàn bộ giáo trình đều do chính cô lập nên. "Để các em dễ tiếp thu, tôi bỏ sẵn dấu vào các chữ để các em ghi nhớ mặt chữ. Chẳng hạn như chữ "cá" tôi sẽ viết ra luôn chữ "cá" chứ phiên âm ra và thêm dấu sắc các em sẽ không nhớ được" - cô Mãn chia sẻ.

Theo ông Từ Chính Thuận: "Việc dạy thêm tiếng Việt không chỉ giúp học sinh biết được ngôn ngữ, văn hóa quê hương mình mà còn giúp học sinh Đài Loan biết thêm về những nền văn hóa mới. Từ năm 2018, khi tiếng Việt được đưa vào dạy chính thức, trường tiếp tục và phát triển thêm những lớp học này mà thôi".

Tương tự, cô Tống Tú Trân - hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Tân Đài Bắc - cũng cho biết cô đã tự mời giáo viên đến trường dạy thêm tiếng Việt cho học sinh ở trường ba năm qua. "Chúng tôi nhận thấy Đài Loan ngày càng nhiều học sinh có mẹ đến từ các quốc gia khác nhưng chỉ dạy tiếng Trung cho các em là chưa thỏa đáng" - cô Tống Tú Trân nhấn mạnh về mục đích tổ chức các lớp dạy tiếng Việt của mình.

Dạy tiếng Việt ở Đài Loan: 80.000 bạn trẻ khát khao tiếng mẹ đẻ - Ảnh 5.

Thạc sĩ Nguyễn Liên Hương

“Ấn tượng của tôi là các học viên đến lớp rất chăm chỉ, nghiêm túc. Có người ở xa phải đi 3-4 giờ mới đến lớp, thậm chí nhiều cô phải nói với nhà chồng là đi chợ, đi giặt quần áo để đến lớp. Có cô đến lớp mang theo con. Khi con khóc quấy, các chị dỗ: “Để mẹ học, mẹ muốn làm giáo viên”

Thạc sĩ NGUYỄN LIÊN HƯƠNG (giảng viên khoa tiếng Việt, Đại học Đài Loan)

80.000 trẻ "thế hệ thứ hai"

Theo bà Âu Quý Hy - bí thư giáo dục Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM: hiện có hơn 100.000 cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan và "thế hệ thứ hai" mang hai dòng máu Việt - Đài theo thống kê là 80.000 người. 

"Cô dâu các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lấy chồng Đài Loan ngày càng tăng lên. Khi con của các cặp vợ chồng này ra đời, giáo dục phải thay đổi để phù hợp với hệ thống đa văn hóa, đa ngôn ngữ tại Đài Loan. Với việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy, chúng tôi hi vọng học sinh - con của các cô dâu Việt - có thể hòa nhập tốt hơn với môi trường giáo dục Đài Loan và bình đẳng như những đứa trẻ khác". 

Hiện nay việc biên soạn sách giáo khoa đã hoàn tất. Đài Loan đang chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện việc này.

Dạy tiếng Việt ở bậc phổ thông

"Kể từ năm học 2018, Đài Loan sẽ đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông ở vùng lãnh thổ này như là một ngoại ngữ thứ hai cho học sinh lựa chọn". Thông tin này được bà Âu Quý Hy xác nhận với Tuổi Trẻ.

Theo bà Hy, việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy cho học sinh sẽ bắt đầu từ lớp 3 của bậc tiểu học. "Hiện nay, sách giáo khoa để giảng dạy tiếng Việt cho học sinh ở Đài Loan đã cơ bản hoàn tất. Sách này do các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam, khoa Việt Nam học ở các trường đại học tại Đài Loan biên soạn. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy hợp tác, trao đổi giữa các trường sư phạm của Đài Loan và Việt Nam để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho việc giảng dạy này" - bà Hy nói.

Ngoài ra theo bà Hy: Cao Hùng và Tân Đài Bắc là hai TP có nhiều cô dâu Việt nhất, do đó sở giáo dục của hai TP này đang có chương trình tập huấn, nâng cao trình độ cho các cô dâu Việt để họ có thể làm giáo viên dạy tiếng Việt ở các trường phổ thông. "Giáo viên tiếng Việt có thể dạy nhiều trường lân cận nên nếu một trường chỉ có một học sinh chọn học tiếng Việt, trường cũng sẽ tổ chức dạy" - bà Hy nói.

1.000 "cô dâu Việt" học làm giáo viên

tieng viet Dai Loan

Cô Trần Thị Hoàng Phượng - giảng viên khoa tiếng Việt Trường ĐH Chính trị Đài Loan - trong giờ dạy tiếng Việt trực tuyến trên mạng - Ảnh: HÀ BÌNH

Theo bà Ngô Ý Trân - cán bộ Phòng giáo dục TP Tân Đài Bắc: hiện cơ quan này đang gấp rút đào tạo giáo viên để đưa tiếng Việt vào giảng dạy ở các trường phổ thông từ năm 2018. Số liệu thống kê cho thấy hiện có hơn 1.000 "cô dâu Việt" tại Đài Loan đăng ký lớp học làm giáo viên dạy tiếng Việt. Đây là chương trình của ngành giáo dục Đài Loan nhằm chuẩn bị đội ngũ giáo viên để đưa tiếng Việt vào giảng dạy như một ngoại ngữ thứ hai từ năm học 2018.

Theo bà Trân: "Chúng tôi nhận thấy các cô dâu Việt chính là nguồn cung ứng giáo viên rất tốt cho kế hoạch giảng dạy tiếng Việt ở các trường phổ thông. Chương trình đã và sẽ thông báo rộng rãi cho các cô dâu Việt tham gia. Các ứng viên trải qua khóa học trong 36 giờ rồi qua nhiều sàng lọc trước khi đứng lớp. Ngoài ra để đảm bảo đúng ngôn ngữ tiếng Việt, giáo trình biên soạn sẽ qua ba lần thẩm định ở khoa tiếng Việt, giáo viên dạy tiếng Việt tại Đài Loan".

Muốn dạy tiếng Việt ở Đài Loan phải làm sao?

Âu Quý Hy

Bà Âu Quý Hy

* Hiện tôi đang học năm cuối ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Cần Thơ, được biết Đài Loan cần tuyển giáo viên dạy tiếng Việt năm 2018. Vậy xin hỏi thông tin chi tiết về tuyển dụng, nộp hồ sơ... (Một bạn đọc)

- Bà Âu Quý Hy - bí thư giáo dục Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM: Các giáo viên muốn đến Đài Loan dạy tiếng Việt phải từ 20 tuổi trở lên và phù hợp một trong những điều kiện sau: "cô dâu" hoặc con em của "cô dâu" có mong muốn dạy ngôn ngữ tiếng Việt; sinh viên nước ngoài phải phù hợp với quy định làm việc của Đài Loan; sinh viên tốt nghiệp các ngành Đông Nam Á có mong muốn dạy ngôn ngữ tiếng Việt; có chứng nhận đứng lớp giảng dạy và chứng chỉ dạy ngoại ngữ...

Ứng viên đủ điều kiện sẽ đăng ký tham gia lớp tập huấn 36 giờ. Nếu đạt sẽ được cấp chứng chỉ "chuyên viên hỗ trợ giảng dạy ngôn ngữ cho cư dân mới" mới được đứng lớp. Ngoài ra, tuyển dụng sẽ căn cứ vào nhu cầu của các trường. Ứng viên có mong muốn và đủ điều kiện có thể nộp hồ sơ đến trường đó để tham gia xét tuyển.

Học tiếng Việt ở Mỹ, Úc

Cuối năm 2015, Trường mầm non Hoa Mai - trường mẫu giáo dạy tiếng Việt đầu tiên ở TP Seattle, bang Washington (Mỹ) - chính thức đi vào hoạt động. Một trong những tổ chức đóng góp tích cực cho sự ra đời của ngôi trường này là Hội Hữu nghị Việt Nam (VFA).

Theo báo The Seattle Globalist, từ năm 2009 đến 2011, VFA đã gặp gỡ nhiều gia đình người Việt ở Seattle để tìm hiểu về những mối băn khoăn của họ, và một trong những nỗi lo lớn nhất của các bậc cha mẹ là con cái họ sẽ mất đi ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực, Trường Hoa Mai ra đời, trở thành nơi trẻ em được học tiếng Việt.

Trong khi đó, tiếng Việt được xem là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 6 tại Úc. Theo thông báo của Đại học Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU), kể từ năm 2018, ANU sẽ bắt đầu chương trình dạy trực tuyến tiếng Việt, cùng với 5 ngôn ngữ châu Á khác (Hindi, Phạn, Tetum, Thái và Tây Tạng).

NGỌC ĐÔNG

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên