Nhà giáo, nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy (phải) - tác giả phương pháp dạy tiếng Việt từ nốt nhạc và GS Đinh Văn Đức - nguyên chủ nhiệm khoa tiếng Việt - Ảnh: THÀNH LONG
Năm ngoái rồi năm nay, câu chuyện dạy , dạy cách đánh vần bỗng trở nên ầm ĩ.
Nhiều chuyên gia dạy tiếng Việt cho người nước ngoài không khỏi ưu tư vì những tranh luận ấy có vẻ chẳng đi đến đâu mà nhiều người đã buông ra lời lẽ xúc phạm, miệt thị nhau nặng nề, "nghe mà thực sự đau lòng".
Nếu đưa cách dạy của tôi ra có khi cũng lại gây ồn ào. Nhưng quan trọng là người nước ngoài chỉ sau một thời gian ngắn đã nói tiếng Việt rất tốt. Nhà nghiên cứu
Nhà nghiên cứu HỒ HẢI THỤY
Đừng làm khổ tiếng Việt
Chẳng nói đâu xa, một vài tháng trước đây, đi đâu cũng thấy những tranh luận không ngớt về cách dạy theo ô vuông, hình tròn, dạy đánh vần từ Trường Thực nghiệm (Hà Nội), cách này khác với cách đánh vần "theo tiêu chuẩn" đã được dạy bao lâu nay.
Vậy mà trên Facebook của mình, PGS Nguyễn Thiện Nam lại chia sẻ một clip cho thấy để đọc được tiếng Việt hóa ra cũng chẳng cần "đánh vần", mà chỉ cần ghép vần đơn giản.
Đó là hình ảnh một học viên U60 - một giảng viên đại học nước ngoài - chưa hề biết tiếng Việt, nhưng chỉ sau ba tiếng đã có thể đọc văn bản tiếng Việt đơn giản. Trong clip, học viên hoàn toàn không cần thực hiện các bước đánh vần "kinh điển" như lâu nay.
PGS Nam giải thích thông thường nếu đánh vần chữ "bà", người học phải đọc một dòng: "bờ a ba huyền bà". Như vậy, để đọc chữ "bà" đơn giản này, bạn lại phải đọc chữ "bờ" khá khó đọc - nhất là với những người học mà bản ngữ không có nguyên âm giống "ơ", rồi sang "a", sang "ba", rồi sang "huyền" thì... méo hết cả mồm mới ra chữ "bà".
"Tại sao không chọn cách đọc đơn giản hơn: a -> ba - > bà? Học sinh cũng chưa cần phải nhớ tên mấy cái dấu đó vội, miễn là thấy dấu huyền này (`) ở trên chữ "ba" thì đọc là "bà", thấy dấu sắc kia (') ở trên chữ "ba" thì đọc là "bá"... Chơi chơi vậy mà hiệu quả nhưng vẫn bám vào trục nguyên âm, vần, phụ âm đầu, thanh điệu" - thầy Nam lý giải.
Các thầy giáo khoa tiếng Việt nhận hoa trong ngày kỷ niệm 50 năm thành lập khoa - Ảnh: Thành Long
Học tiếng Việt bằng... nốt nhạc
Nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy từng vận dụng thành công một phương thức dạy tiếng Việt "không giống ai". Thầy Thụy nói vui: "Nếu đưa cách dạy của tôi ra có khi cũng lại gây ồn ào. Nhưng quan trọng là người nước ngoài chỉ sau một thời gian ngắn đã nói tiếng Việt rất tốt".
Người học trò được "trải nghiệm" phương pháp đặc biệt này của thầy Thụy là một cán bộ ngoại giao - sau này từng làm phó đại sứ của Pháp tại Việt Nam.
Ban đầu, thầy đưa cho trò xem một bản ghi các nốt nhạc, mà lời nhạc chỉ toàn chữ "la". Thầy đọc bằng tiếng Việt "Trong đầm gì đẹp bằng sen", nhưng yêu cầu trò nhìn vào nốt nhạc và nhại lại thành "la là là lạ là la" với cách phát âm có dấu câu trùng với câu thầy đọc.
Chưa đầy một tuần, trò đã thuộc và ngân nga "la là là lạ là la..." ứng đầy đủ với bài ca dao thầy đọc mà anh cho đó là bài hát vì toàn là nốt nhạc: "Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng / Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Nghĩa là một tuần đầu, thầy trò chỉ hát "truyền khẩu" với nhau không để ý đến mặt chữ, nhất là không để ý đến 6 dấu thanh điệu vốn thường gây khốn khổ nặng nề cho người nước ngoài học tiếng Việt.
Sau một tuần, thầy trò mới đi vào học bình thường.
"Kết quả, sau ba tháng, anh ấy khoe người Việt nào nghe anh nói chuyện cũng khen là giọng "rất Hà Nội", không bị lơ lớ như Tây. Thật ra nhìn dấu câu thanh điệu của Việt Nam thì choáng váng, nhưng nếu bắt đầu bằng giai điệu như âm nhạc thì trên thế giới này ai không biết hát?
"Thí nghiệm" của tôi đã đánh chết bản năng chống trả các thanh điệu của những học viên vốn có ngôn ngữ mẹ đẻ không thanh điệu" - thầy Thụy nói.
PGS Nguyễn Thiện Nam (trái) cùng người học trò Đài Loan U60 biết tiếng Việt sau 3 giờ - Ảnh: PGS Nguyễn Thiện Nam cung cấp
Dạy tiếng Việt bằng... tiếng Khmer
Điều này làm nên những lớp học với giờ học lạ lùng: thầy Việt, trò Việt, cùng bày nhau cách dạy và học tiếng Việt, nhưng lại... không nói tiếng Việt.
Đó là khi PGS Nguyễn Thiện Nam vận dụng vốn tiếng Khmer sành sỏi của mình để thị phạm phương pháp dạy tiếng Việt. Trong 20 phút, ngôn ngữ duy nhất được sử dụng trong lớp là tiếng Khmer.
Thầy giáo không dịch, chỉ dùng cử chỉ, hành động (miệng, mắt, tay), nói to và chậm, viết bảng (phiên âm tiếng Khmer bằng tiếng Việt). Rồi sau đó cho học viên chia cặp hỏi nhau, thực hành luôn thứ ngôn ngữ mới tinh này.
Vậy mà chỉ sau 20 phút ấy, học viên từ chỗ không biết gì về tiếng Khmer đã có thể chào, hỏi, trả lời được về tên, tuổi và đếm được từ 1 đến 100.
Theo thầy Nam, đây là phương pháp trực tiếp kết hợp với phương pháp giao tiếp.
Nhưng sao không dùng tiếng Việt dạy cho tiện, mà phải... vòng qua tiếng Khmer?
"Đây là hình thức thị phạm về phương pháp dạy một ngoại ngữ mà không sử dụng tiếng mẹ đẻ. Ở đây là ví dụ dạy tiếng Khmer cho người Việt nhưng không dùng bất cứ từ tiếng Việt nào từ phút đầu tiên" - PGS Nam giải thích.
Nghiên cứu về tiếng Việt quá ít ỏi
"Những nghiên cứu về tiếng Việt đang còn quá ít ỏi. Mỗi khi học viên hỏi thầy điều gì đó, có khi mấy chục năm rồi mà vẫn "bí" vì vấn đề chưa được nghiên cứu, về nhà có tra hết tủ sách cũng chưa thấy có ai nói đến.
Có lần học viên hỏi tôi về những từ nào đi sau từ "tệ" và những từ nào đi sau từ "nạn"; lại có lần có học viên hỏi tôi về những từ ngữ có giá trị zêrô như kiểu "sự nghiệp giáo dục" chỉ dịch thành "education" (sự nghiệp=zêrô, nghĩa là không có giá trị gì khi phiên dịch) nhưng tôi không biết trả lời sao.
Trong khi đó người Anh nghiên cứu rất kỹ ngôn ngữ của họ. Vì vậy khi dạy tiếng Anh ít khi tôi bị bí, bởi tra cứu tài liệu tham khảo là ra do vấn đề nào của tiếng Anh cũng được nghiên cứu qua rồi".
Nhà nghiên cứu, nhà giáo HỒ HẢI THỤY
Kỳ tới: Đem tiếng Việt đi muôn phương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận