17/11/2018 10:59 GMT+7

Dạy tiếng Việt cho Tây - Kỳ 1: 6 cái khó của tiếng Việt

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là công việc khá đặc biệt. Thầy ta, trò Tây với muôn vàn câu chuyện thú vị trong hành trình đem tiếng Việt, văn hóa Việt Nam đến với người nước ngoài.

Dạy tiếng Việt cho Tây - Kỳ 1: 6 cái khó của tiếng Việt - Ảnh 1.

Các sinh viên nước ngoài trò chuyện với nhau trong giờ nghỉ giữa giờ học tiếng Việt tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đối với một người Anh muốn nói tiếng Việt có một vấn đề rất lớn: thanh điệu. Hay đúng hơn có sáu vấn đề, vì tiếng Việt có sáu thanh điệu.

Andrew Holt

Lượng người nước ngoài học tiếng Việt đang ngày một tăng, người học đến từ khắp nơi trên thế giới, từ các nước châu Âu, rồi Mỹ, Úc...

"Hôm nay, chúng ta học về câu so sánh trong tiếng Việt - tiếng thầy giáo trẻ vang lên - Bây giờ mỗi người tự đặt câu theo mẫu" - thầy yêu cầu. Phía dưới, người háo hức giơ tay, người mím môi căng thẳng. 

Nhưng dù tâm thế ra sao, khi đứng lên phát biểu, tiếng Việt từ những sinh viên nước ngoài phát ra vẫn lơ lớ, ngọng nghịu... "Bún chả ngon như bún bò Huế". "Tốt". "Giặt con chó khó hơn giặt con mèo". "Từ "giặt" không dùng được ở đây. "Tắm con chó khó hơn tắm con mèo"...

Lớp dành cho người mới học tiếng Việt luôn thử thách sự kiên nhẫn của cả thầy và trò ở khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Dạy tiếng Việt cho Tây - Kỳ 1: 6 cái khó của tiếng Việt - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tiếng Việt rất khó

"Vietnamese is very hard" (Tiếng Việt rất khó) là câu cửa miệng của đa số sinh viên nước ngoài khi dấn thân vào học tiếng Việt. Nhiều người đã "đầu hàng", bỏ cuộc sau vài tuần, thậm chí vài tháng theo đuổi. Nhưng cũng có không ít người đã chinh phục thành công tiếng Việt.

Ông Andrew Holt - nguyên bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, từng làm thầy giáo tiếng Việt sửng sốt vì cách dùng tiếng Việt rất "thần thái", cũng phải thừa nhận tiếng Việt "phát âm khó, rất khó". 

Trước khi được "tôi luyện" sáu tháng ở khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Andrew Holt đã làm quen với tiếng Việt nửa năm theo chương trình đào tạo ở Anh. Nhưng ông cũng thú nhận khi sang Việt Nam, ông gần như phải bắt đầu học lại.

"Đối với một người Anh muốn nói tiếng Việt có một vấn đề rất lớn: thanh điệu. Hay đúng hơn, có sáu vấn đề, vì có sáu thanh điệu" - Andrew Holt từng ví von về "nỗi khổ" của người nước ngoài học tiếng Việt như thế. Sau này, dù kiên trì học tập và tiến bộ từng ngày nhưng ông vẫn bất lực trước một thanh điệu "khó nhằn" bậc nhất: dấu hỏi.

Thực tế, vấn đề lớn nhất mà vị nguyên bí thư thứ nhất Đại sứ quán Anh gặp phải cũng là nỗi ám ảnh chung của nhiều người nước ngoài học tiếng Việt. "Dù thông minh, có kinh nghiệm học ngoại ngữ đến mấy nhưng khi "dính" vào tiếng Việt sáu dấu thì các ông bà ấy cũng phát âm sai" - thầy Đào Hùng, thầy giáo tiếng Việt của ông Andrew Holt, chia sẻ.

Buổi học tiếng Việt tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - Video: Dương Liễu

Phó tiến sĩ đầu tiên tại Việt Nam là người nước ngoài!

Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã trở thành nơi đầu tiên đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài một cách bài bản. Luận án phó tiến sĩ được bảo vệ đầu tiên tại Việt Nam không phải dành cho nghiên cứu sinh Việt Nam, mà dành cho một học viên nước ngoài. 

Năm 1978, một Đảng anh em ở Đông Nam Á nhờ Việt Nam hướng dẫn cho một nhân vật quan trọng của họ bảo vệ học vị phó tiến sĩ. Khi đó, người Việt Nam muốn làm nghiên cứu sinh đều phải ra nước ngoài học tập.

Chủ nhân của tấm bằng phó tiến sĩ ấy có tên Việt Nam là Trần Văn Ái - người đã tốt nghiệp đại học tại Liên Xô và là em trai của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Indonesia lúc đó. Thầy Mai Minh Tân được giao nhiệm vụ kề vai sát cánh với nghiên cứu sinh ấy hơn ba năm trời, từ lúc chọn đề tài cho đến khi hoàn thành nghiên cứu với lịch trình làm việc đều đặn, nghiêm túc ngày ba buổi: sáng, chiều, tối.

Luận án với đề tài nghiên cứu về ca dao, tục ngữ được bảo vệ thành công trước một hội đồng "khủng", toàn "cây đa cây đề" của làng văn: GS Đặng Thai Mai - chủ tịch hội đồng, GS Đinh Gia Khánh - phản biện, còn người hướng dẫn là GS Vũ Ngọc Phan. Khách tham dự cũng hoành tráng chưa từng có. 

Đích thân bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp - GS Nguyễn Đình Tứ - dự và phát biểu: Đây là thành công to lớn của sự nghiệp đào tạo Việt Nam, là "viên gạch đầu tiên, hòn đá tảng đầu tiên để sau này, khi đủ điều kiện, Việt Nam sẽ tự đào tạo các tiến sĩ cho mình, không còn phải nhờ đến các nước bạn...".

"Đại học khoa trưởng"

"Xin chào đại học khoa trưởng ạ. Chúng cháu là người Hàn Quốc (Hanseung và Minseo) ạ. Hôm nay chúng cháu đợi ở trường đại học nhưng mà thầy giáo không có ạ...". Đó là một phần tin nhắn gửi đến PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt. 

Dòng tin nhắn này của sinh viên được PGS Nam đưa lên Facebook, lập tức thu hút sự chú ý của mọi người. Người khen sinh viên Hàn viết tiếng Việt dễ thương, người nghi ngờ họ dùng công cụ dịch của Google.

"Không, đó là ngôn ngữ của các em. Bởi nếu nhờ công cụ dịch tự động của Google sẽ không có những từ cuối câu như "ạ", "cơ", việc xưng hô không mang dấu ấn kiểu Việt Nam như "cháu", "ạ"..." - PGS Nam cho biết.

62 năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài

avatar

PGS.TS Nguyễn Chí Hòa đang giảng dạy tiếng Việt cho các sinh viên nước ngoài theo học tiếng Việt tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Ảnh: Nguyễn Khánh

Năm 1956, tổ Việt ngữ trực thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được thành lập với nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho các học viên nước ngoài đến học theo hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và các nước.

Năm 1968, khoa tiếng Việt - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được thành lập trên cơ sở tổ Việt ngữ, khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước.

Trước nhu cầu phát triển mới, năm 1995, khoa tiếng Việt đã được đổi tên thành khoa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài và nay chính thức mang tên khoa Việt Nam học và tiếng Việt.

Mở lớp dạy tiếng Việt ở Algeria

TTO - Lớp mở trong khuôn viên sứ quán ở thủ đô Algiers cho con em bà con cộng đồng người Việt tại Algeria và một số võ sinh theo học các môn võ cổ truyền Việt Nam tại quốc gia Bắc Phi này.


Kỳ tới: Những tình huống dở khóc dở cười

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên