Sinh viên ngành điều dưỡng Trường cao đẳng Viễn Đông học thực hành sau Tết - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là trăn trở của một số hiệu trưởng các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường nghề) sau tuần đầu tiên cho sinh viên trở lại học trực tiếp sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán.
Một thầy một trò cũng không thể đứng xa cả mét
Tiến sĩ Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông (TP.HCM), chia sẻ đặc trưng của giáo dục nghề nghiệp là nội dung thực hành chiếm đa số, thường đến 60-70% chương trình đào tạo.
Áp lực dạy thực hành trong tình hình mới rất lớn, đặc biệt khi dịch COVID-19 tại TP.HCM đang có dấu hiệu chuyển biến phức tạp. Dù đã có những kế hoạch hay tiêu chuẩn dạy thực hành nhưng khi triển khai thực tế có những tiêu chí không thể đáp ứng mà buộc phải linh hoạt.
Chẳng hạn, ông Hải cho rằng để đạt được tiêu chí giữ khoảng cách giữa các sinh viên khi thực hành rất khó. Mặc cho có chia nhỏ lớp học và tăng số lượng công cụ nhưng ít nhất cũng phải 3-5 em cùng thực hành trên một động cơ. Nhóm sinh viên này tiếp xúc gần, thậm chí rất gần với nhau, là không thể tránh khỏi.
Hay một số môn thực hành chỉ có một thầy đứng lớp. Nếu phân tán lớp ra quá nhỏ thành từng khu riêng biệt trong xưởng cũng khó để thầy giảng bài, sinh viên không thể theo dõi khi thầy thực hành mẫu trên máy.
"Chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp như khử khuẩn, khai báo y tế, đeo khẩu trang và đảm bảo phải tiêm vắc xin đầy đủ. Còn khoảng cách chỉ mang ý nghĩa tương đối. Đã dạy thực hành thì dù một thầy, một trò cũng không thể đứng cách xa cả mét", ông Hải nói.
Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện (Hà Nội), cho biết trường có nhiều nhà xưởng rộng, có xưởng lên tới hàng nghìn mét vuông nhưng không thể để cho sinh viên đứng rải rác khắp xưởng để thực hành.
Ông chia sẻ có những máy móc rất mắc tiền, như trong ngành cơ khí một số loại lên tới hàng tỉ đồng, không thể nào bố trí cho mỗi em một máy riêng để thực hành.
Tương tự với ngành ôtô, nội dung chẩn đoán lỗi trên ôtô phải thực hành trên một chiếc ôtô gần như mới hoàn toàn. Mỗi lớp khoảng 30 em cũng phải buộc lòng học chung xung quanh một chiếc ôtô ấy.
"Chuyện giữ khoảng cách chỉ có thể đảm bảo một cách tối đa nhất chứ không thể hoàn toàn được. Việc quản trị trường học trong bối cảnh dịch bệnh, nhà trường phải linh hoạt" - ông Ngọc nói.
Sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong tiết thực hành vào tháng 2-2022 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Khó tăng tiết thực hành
Thạc sĩ Võ Long Triều, hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cho biết từ đầu tuần này (21-2), trường bắt đầu cho sinh viên các khóa trở lại học tập trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến.
Tuy nhiên, trường vẫn duy trì cách dạy kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, những môn nào có thể dạy từ xa sẽ vẫn được triển khai online nhằm giảm áp lực.
Theo ông Triều, nhiều học phần thực hành đến nay đã trễ 8-10 tháng. Thậm chí với một số môn lý thuyết gắn liền với thực hành, trường cũng phải ngưng từ tháng 5-2021 đến nay.
Khi cho sinh viên trở lại trường, áp lực về tiến độ các môn thực hành là có nhưng khó lòng cho thêm số tiết thực hành mỗi tuần. Một phần vì không thể tăng quy mô phòng học và số lượng giáo viên, phần khác vì thời lượng học của sinh viên đã cố định, khó ép các em học thêm.
Do đó, thời gian tốt nghiệp của sinh viên cũng có thể sẽ kéo dài thêm, từ 2,5 năm lên khoảng 3 năm. "Trong dịp hè này, chúng tôi dự kiến tăng cường dạy một học kỳ hè, cũng có thể hoàn tất thêm được một số môn còn tồn đọng", ông Triều nói.
Tiến sĩ Trần Thanh Hải cũng cho biết trường sẽ phải sử dụng những tuần dự trữ ở cả 2 học kỳ, đồng thời sẽ "lấn" sang đợt nghỉ hè để bù lại tiến độ thực hành cho sinh viên. Còn hiện giờ, trường chỉ có thể tăng cường ôn lại một số lý thuyết quan trọng cần phải có khi học thực hành.
Đó là những phần sinh viên đã học online nhưng có thể trong khi học trực tuyến không nắm hết các ý. "Trường bố trí 1-3 buổi để ôn những kiến thức này, đặc biệt với các em hệ 9+ vì còn nhỏ tuổi", ông Hải nói.
Bên cạnh đó, một số trường vẫn tỏ ra thận trọng dù chương trình có phần "thúc hối". Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết trường sẽ lần lượt cho sinh viên các khóa trở lại tùy diễn biến dịch. Bắt đầu với sinh viên năm nhất, sau khi đã ổn định sẽ đến những năm tiếp theo.
Các môn thực hành sẽ được ưu tiên dạy trước, dựa vào tình hình cụ thể để mở rộng, đồng thời có sự xoay vòng giữa sinh viên các năm học. Khi tình hình ổn định, một số môn lý thuyết quan trọng cũng sẽ được dạy trực tiếp.
Nhu cầu thực tập tăng cao
Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc cho biết diễn biến dịch bệnh căng thẳng ở Hà Nội đã khiến nhu cầu tuyển thực tập sinh ở các công ty, doanh nghiệp rất lớn. Nhiều nhà máy "khát" lao động, đặc biệt là nhân lực trong những khâu làm việc trực tiếp.
Vì vậy, chuyện thực tập của sinh viên hiện vẫn được duy trì. Nhiều sinh viên được doanh nghiệp bố trí cả nơi ở. Thậm chí, nhiều đơn vị đã có những đãi ngộ rất tốt để giữ luôn sinh viên ngay sau khi ra trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận