Tranh minh họa: DAD |
Đó là ý kiến của bạn đọc Dạ Hương (ndhuong@...) cho bài viết: .
Muốn chấm dứt việc học thêm: phải làm nghiêm túc, đồng bộ
Bạn đọc Dạ Hương chỉ ra một thực tế: Tại sao cũng làm nghề dạy học mà giáo viên thì bị cấm dạy thêm trong trường, còn ở ngoài thì dạy thoải mái. Như vậy là vô tình làm giàu cho người ngoài trường khi HS rủ nhau không học được trong trường thì ra ngoài học.
Bạn đọc Dạ Hương đề nghị: đã cấm dạy thêm học thêm thì cấm (hay hạn chế) các trung tâm luyện thi ngoài trường học luôn, như vậy mới có thể hạn chế chuyện dạy thêm học thêm được.
Để quy định về dạy thêm học thêm đi vào thực chất, một bạn đọc lấy tên là quidinhnuavoi (quidinhnuavoi@...) viết: Bộ/ sở ra qui định thì trường tìm cách đối phó thôi. Lòng vòng vẫn như cũ không thay đổi là mấy. Cách chắc ăn nhất đó là Bộ qui định mỗi học sinh chỉ được học 5 tiết/ngày nghĩa là chỉ học buổi sáng hoặc chiều. Như vậy trường sẽ hết cách ép học sinh kí giấy tự nguyện học vi đã hết 5 tiết qui định rồi.
Bạn đọc Huy (lebahuy1982@...) cho rằng: "Việc bắt học sinh học thêm hay phát đơn "tự nguyện" do chính nhà trường hay giáo viên soạn sẵn đứng đằng sau là một hành vi phản giáo dục, vô lương tâm của những người mà lẽ ra họ phải lấy đạo đức là nền tảng (vì dạy người mà)."
Bạn đọc Huy đề xuất giải pháp: Nhà nước yêu cầu các Nhà trường chuẩn hóa và tập trung duy nhất vào việc dạy chính khóa, nâng cao chất lượng, sự nhiệt tình với dạy chính khóa. Dạy chính khóa hời hợt vừa tốn thời gian của học sinh, thầy cô giáo, vừa lãng phí lương trả cho họ. Trong khi đó chính những thầy cô giáo lại tìm cách lấy tiền của cha mẹ học sinh một cách cưỡng ép. Các giáo viên nếu thiếu tiền thì Nhà nước phải tìm cách hỗ trợ họ.
Bạn đọc Duy Bao (duybao41@...) cho rằng: Chừng nào mà còn có chỗ cho học thêm thì không thể không đi học. Đã cấm là cấm triệt để thì mới không có kẽ hở để người ta lách. Đồng thời cần gắn trách nhiệm về chất lượng đào tạo đến nhà trường và đến từng giáo viên. Nếu nhiều học sinh học kém (điểm kém) thì thấy cô phụ trách môn phải chịu trách nhiệm, coi như "không hoàn thành nhiệm vụ" thì mới được. Cấm nửa vời thì không bao giờ được.
Dạy thêm, học thêm là "phạm tội" hay sao?
Ở chiều ngược lại, có những ý kiến cho rằng: việc học thêm, dạy thêm là một nhu cầu có thực.
Bạn đọc Đào Duy Khương (duykhuong43@...) phân tích: Phải đặt lại vấn đề. Như vậy hành vi dạy thêm và học thêm là "phạm tội" hay sao? "Quyền" học thêm và dạy thêm là của mỗi người - phải hình dung: có người "không có khả năng" tiếp thu tốt thì dù có học thêm bao nhiêu đi nữa thì cũng "khó" giỏi được!
+ Thử đặt vấn đề ngược lại: Trong 100 % học sinh không đi học thêm, có bao nhiêu % học sinh ở nhà tự học; bao nhiêu % học sinh tham gia các trò chơi vô bổ, tiêu cực làm giảm sút tinh thần; bao nhiêu % ra khỏi nhà đi chơi lêu lỏng, bị kẻ xấu lôi kéo hay lợi dụng? |
"Quản lý càng không thể "bao cấp" được - không thể đưa ra một hình thức "khuôn mẫu" để áp đặt tất cả cho mọi người, và trên hết quản lý không phải cứ là tìm ra những điều cấm (trong khi lại không cụ thể cách thức chỉ dẫn và phương pháp học tập). Tóm lại đừng để mọi người lầm tưởng hành vi học thêm của học sinh và dạy thêm của giáo viên là sai trái và dẫn đến xã hội "hiểu lầm"!" - bạn đọc Duy Khương viết.
Bạn đọc Kiên Nguyễn (kien1512nt@...) cùng quan điểm: Học thêm cũng là nguyện vọng chính đáng của một bộ phận phụ huynh và kể cả học sinh, để theo kịp kiến thức trên lớp hay chuẩn bị cho các dự định tương lai.
"Vấn đề là học thêm nên là một lựa chọn tự do. học sinh và phụ huynh có thể chọn những lớp học thêm tốt, có giờ linh hoạt phù hợp, có giáo viên uy tín được phụ huynh và học sinh tin tưởng. Việc một số trường, thầy cô có chất lượng giáo dục, giảng dạy kém lại bắt ép học sinh phụ huynh theo học mình, làm ảnh hưởng tới nguyện vọng học tập chính đáng của các học sinh phụ huynh kia, và ảnh hưởng cả nhưng thầy cô có tài có tâm khác."
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận