15/11/2021 12:54 GMT+7

Dạy thêm, học thêm: Mất nhiều hơn được

LÊ LAM HỒNG
LÊ LAM HỒNG

TTO - Có giáo viên toán ra trường 20 năm, lương khoảng 8-9 triệu đồng/tháng nhưng dạy thêm (mở lớp tại nhà, dạy sáng, chiều, tối) thì cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/tháng.

Dạy thêm, học thêm: Mất nhiều hơn được - Ảnh 1.

Học sinh sau giờ học thêm tại một trung tâm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chuyện dạy thêm, học thêm đã nhiều lần đưa ra trước Quốc hội và đến nay cũng chưa giải quyết được vấn đề này một cách thấu đáo, đến nơi đến chốn...

Vậy gốc rễ của vấn đề dạy thêm, học thêm có từ đâu? Nhiều ý kiến đã đưa ra và chúng tôi không nhắc lại (như chương trình nặng, chạy theo điểm số, "thành tích" ảo, đời sống giáo viên khó khăn…) mà chỉ bàn đến cái "được" và "mất" trong việc dạy thêm, học thêm. 

Xin nói rõ là không phải môn nào cũng dạy thêm mà chỉ có các môn được mặc nhiên gọi là "môn chính" như toán, văn, vật lý, hóa học, sinh học, Anh văn; những bộ môn phục vụ cho con đường vào đại học sau này của các em.

Cái "được" ở đây là người dạy có được một khoản tiền cao gấp nhiều lần lương tháng. Có giáo viên toán ra trường 20 năm, lương khoảng 8-9 triệu đồng/tháng nhưng dạy thêm (mở lớp tại nhà, dạy sáng, chiều, tối) thì cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/tháng.

Tiếp đó, người học được bổ sung, bồi dưỡng và nâng cao, mở rộng kiến thức ngoài bài học ở lớp. Vì thời gian học ngắn (45 phút/tiết) thì giáo viên khó mà dạy hết được; chỉ dạy những kiến thức cơ bản theo đúng yêu cầu của chương trình. 

Nhưng bài thi vào đại học lại là dạng bài nâng cao. Chỉ có một số ít học sinh tự học tốt thì có thể tự tìm hiểu nhưng phần nhiều học sinh chưa có năng lực tự học, tự rèn nên phải nhờ đến sự chỉ dẫn của giáo viên trong các buổi học thêm.

Cái "mất" trước hết là mất thời gian nghỉ ngơi, nghiên cứu; tự học, tự nâng cao tay nghề của giáo viên. Thấy nhiều giáo viên vô lớp dạy uể oải, không còn chút "lửa" mà tôi chạnh lòng. Bao nhiêu tâm trí, công sức đều dành cho lớp dạy thêm; còn đâu ngọn lửa nhiệt tình dành cho dạy chính khóa.

Biết rằng "có thực mới vực được đạo" nhưng "thực" biết bao nhiêu là đủ, là tự bằng lòng? Sao thầy cô các môn không dạy thêm được họ vẫn "vực được đạo", vẫn dạy hết lòng?

Cái "mất" tiếp theo là do sự giao tiếp trong lớp học thêm, nhiều giáo viên phải dễ dãi, xuề xòa với học sinh; nếu nghiêm như dạy ở trường thì học sinh không đăng ký học. Từ đó, dẫn đến sự coi thường mối quan hệ thầy - trò; nó không còn thiêng liêng nữa mà chỉ là mối quan hệ "mua bán" sòng phẳng, ‘"tiền trao cháo múc"… 

Vị thế của người thầy trong mắt phụ huynh, học sinh bây giờ rất khác một phần là do việc dạy thêm mà ra! Cái "mất" nữa là tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục giữa học sinh với nhau. Em nào có điều kiện học thêm thì được đối xử khác và ngược lại, em nào do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đi học được thì bị "làm ngơ"!

Một cái "mất" nữa là thời gian học thêm quá nhiều, khiến học sinh mệt mỏi, không còn để tâm học các môn khác hoặc học chiếu lệ, sơ sài. Điểm thi tốt nghiệp môn lịch sử năm qua khá thấp là một minh chứng; bên cạnh chương trình, còn do nạn học thêm choán hết thì giờ học các môn khác của các em. 

Các em cũng "bắt bài" về "bệnh thành tích" nên dù học qua loa nhưng cuối năm điểm số vẫn cao. Vì nếu học sinh điểm thấp nhiều thì giáo viên không thể được xét các danh hiệu thi đua cuối năm học. Thành ra cuối năm, ở một số trường, luôn có hiện tượng "cấy điểm" ngay hàng thẳng lối để các em có một "học bạ đẹp"…

Dạy thêm học thêm: Không trị gốc mà cứ trị chứng Dạy thêm học thêm: Không trị gốc mà cứ trị chứng

TTO - Học thêm và dạy thêm là nhu cầu có thật, là quy luật cung - cầu hiển nhiên của hiện thực xã hội đã và đang diễn ra hằng giờ, hằng ngày. Thầy cô đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, để giảm bớt áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng.

LÊ LAM HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên