Tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2014 ở Hàn Quốc, Công đã gây tiếng vang với chiếc HCV, phá kỷ lục thế giới hạng cân 49kg với thành tích 181,5kg, trọng lượng gấp gần bốn lần cơ thể mình.
Hành trang vào đời: đôi tay và nghị lực
Đôi chân Công teo tóp vì di chứng mẹ bị sốt xuất huyết lúc mang thai. Mặc cảm, Công thường nhốt mình trong nhà. Nhưng nhà nghèo, cha mẹ làm nông cực khổ nuôi năm anh em buộc Công phải liều và năm 19 tuổi, anh một mình vào Sài Gòn mưu sinh.
Trong túi có đúng 1 triệu đồng, lưng đeo balô với vài bộ quần áo, Công đón xe đò từ Hà Tĩnh vào TP.HCM mang theo khao khát có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Công nhớ lại: “Ba mẹ bán hai con heo được 1 triệu đồng cho tôi làm lộ phí. Tôi lên đường mà thật lòng chưa nghĩ sẽ làm gì. Tiền xe hết 300.000 đồng, chỉ một tuần sau tôi thấm thía gánh nặng cơm áo gạo tiền và lao vào cuộc mưu sinh bằng đủ thứ nghề”.
Đầu tiên, Công thi đậu ngành điện tử Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2. Chưa nhập học, anh xin chà nhám cho xưởng gỗ để có chỗ ở gần trường tiện đi học. May mắn được ông chủ thương cho ngày chỉ làm 4-5 tiếng rồi nghỉ để đi học nhưng vẫn được trả lương 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Công phải làm thêm ở cơ sở điện tử để có thêm kiến thức. Anh còn tranh thủ bán vé số lúc rảnh, gò lưng đánh máy kiếm tiền với cái giá chỉ 200 đồng/trang.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, nghị lực trong cuộc sống được Công mang vào tình yêu để chinh phục trái tim cô thợ may Chu Thị Tám (quê Nghệ An, vào TP.HCM lập nghiệp) cùng những lực cản từ gia đình nhà gái để đến với nhau xây dựng gia đình.
Dù vậy, trên đường đời Công vẫn gặp chướng ngại lớn trong hành trình xin việc là sự thiếu tin tưởng của mọi người xung quanh. Công nói: “Tôi đi xin việc, người ta chưa hỏi kiến thức mà chỉ nhìn rồi lắc đầu chỉ vì tôi khuyết tật. Nhưng rồi một người bạn mở xưởng sửa chữa, lắp ráp điện tử đã tạo cho tôi cơ hội và tôi đã gắn bó với nghề làm ampli, loa”.
Giờ đây, Công đã thuần thục với nghề làm ampli, loa và mỗi tháng có thể sản xuất hơn trăm cái. Nhờ vậy mà lo được cho vợ con cuộc sống ổn định. Đôi tay anh săn chắc, những ngón tay to đậm nhưng vô cùng uyển chuyển, khéo léo khi vẽ bo mạch đòi hỏi sự tinh xảo. Công nói: “Tôi làm điện tử vì cuộc sống nhưng đam mê của tôi là cử tạ”.
Ngày vinh quang
Đó hẳn là ngày Công bước lên bục cao nhất Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2014 và phá luôn kỷ lục thế giới hạng cân 49kg nam với thành tích 181,5kg. Công nhớ lại: “Vợ tôi kể rằng cả xóm tụ về nhà tôi ngồi xem bên chiếc tivi. Họ đã la toáng lên khi thấy tôi đoạt ngôi vô địch”.
Thành tích này cũng khép lại năm thi đấu thành công cho Công với HCV Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, HCB Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới, HCV Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2014... Và những chiếc huy chương lấp lánh này đã mang về cho Công tròm trèm 300 triệu đồng tiền thưởng để hoàn tất ước mơ mua đất xây nhà. Hiện anh đã mua được mảnh đất gần 100m2 tại khu dân cư Mỹ Hạnh (Long An) và đang cất nhà.
Thành công là vậy nhưng ngày Công đến với cử tạ thật tình cờ. Chuỗi ngày không việc, không định hướng tương lai, năm 2005 Công theo nhóm bạn chơi cử tạ để thư giãn. Chỉ những bài nâng tạ cơ bản lúc đầu cũng khiến anh đau cả mình mẩy. Tuy nhiên, Công lại có năng khiếu vượt trội bạn bè nên được HLV Nguyễn Hồng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Tân Bình (TP.HCM), phát hiện trong một đợt “tuyển quân” cho thể thao người khuyết tật.
Chỉ sau vài tháng tập, Công đoạt HCB Giải vô địch quốc gia 2005, tiếp đó là chiếc HCV phá kỷ lục Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và HCV Giải vô địch châu Á 2007... Đó là năm Công sẽ mãi không quên trong đời bởi món tiền thưởng “khổng lồ” đối với mình là 52 triệu đồng. Bằng giọng đầy hãnh diện, Công cho biết đã gửi phần lớn tiền thưởng về để cha mẹ ở quê xây lại nhà cửa - nỗi khát khao từ lâu của cha mẹ nhưng anh em Công chưa làm được.
Sự nghiệp đang thăng hoa, Công bất ngờ bị tai nạn giao thông trong một ngày mưa gió năm 2009. Nước mưa ngập đường khiến anh vướng ổ gà té rách dây chằng vai, phải nghỉ tập ba năm trời. Nhưng một lần nữa Công đã thể hiện nghị lực phi thường khi trở lại với cử tạ năm 2013 và tiếp tục tỏa sáng.
Trở về sau thành công rực rỡ trên đất Hàn Quốc, Công trở lại với cuộc sống bình thường bên gia đình của một người thợ sửa chữa, lắp ráp thiết bị điện tử và là một ông bố gương mẫu hằng ngày đưa đón con đi học. Mỗi buổi chiều, anh vượt quãng đường gần 20km để đến Trung tâm Văn hóa thể thao Tân Bình tập luyện.
Với những gì đã làm được, Lê Văn Công là một nhà vô địch không chỉ trong những cú đẩy tạ mà còn ở ngoài cuộc sống đời thường.
Công được tài trợ 10 triệu đồng/tháng
Lê Văn Công cho biết kể từ tháng 1-2015, anh sẽ nhận được tài trợ 10 triệu đồng/tháng trong vòng 20 tháng từ Viện Vật lý y sinh học. Mục tiêu của viện này là giúp Công ổn định cuộc sống, an tâm hướng đến mục tiêu giành huy chương Paralympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil), điều mà thể thao VN chưa làm được.
Phó chủ tịch Hiệp hội Paralympic VN Phạm Ngọc Sơn cho biết: “Lê Văn Công là VĐV người khuyết tật đầu tiên có được nhà tài trợ của thể thao VN. Đó là phần thưởng xứng đáng bởi ngoài tài năng, Công còn là tấm gương vượt khó của thể thao người khuyết tật VN”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận