19/07/2014 02:50 GMT+7

Dạy sử, địa cho con trẻ khó không?

TRÍ NHIÊN
TRÍ NHIÊN

TT - Tiếp theo câu chuyện Học lịch sử dễ dàng đăng trên Tuổi Trẻ ngày 12-7, một phụ huynh đã gửi về Tổ ấm những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình giúp con học các môn sử, địa một cách nhẹ nhàng mà dễ “thấm”.

- Ủa, mẹ, mình có đường Lê Thái Tổ không?

- Có đường Lê Lợi rồi, Lê Thái Tổ chi nữa con.

- Ủa, chứ sao có Đinh Bộ Lĩnh rồi còn Đinh Tiên Hoàng nữa mẹ?

- Đâu, làm gì có, chỉ có Đinh Tiên Hoàng thôi chứ?

- Mẹ không nhớ hả, ngày nào mà mình chẳng đi qua Đinh Bộ Lĩnh, cái đường hay kẹt xe đó. Còn Đinh Tiên Hoàng thì ở trên Q.1 đó.

- ...

- Vậy có đường Lý Công Uẩn không mẹ?

- Lý Thái Tổ ở Q.10, vậy có Lý Công Uẩn không?

Tôi đã đặt tiếp câu hỏi như vậy và phải tự đi tìm để trả lời cho cậu con trai 9 tuổi của mình.

Mẹ con tôi đã bắt đầu những bài học lịch sử đơn giản như vậy từ những tên đường. Mỗi ngày, trong hành trình đưa con đi học, mẹ con tôi đã qua rất nhiều đoạn đường, vậy là học theo chương trình “Dân ta biết sử ta” từng một thời được triển khai rất hiệu quả tại TP.HCM, tôi dạy cho con về lịch sử.

Đinh Bộ Lĩnh là ai, vì sao từ Đinh Bộ Lĩnh sau đó lại có tên là Đinh Tiên Hoàng; rồi Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Huệ - Quang Trung; rồi Lạc Long Quân - Âu Cơ... Tên đường thì lộn xộn, không theo trình tự thời gian lịch sử, nhưng đến đường mang tên vị anh hùng dân tộc nào, tôi lại sơ lược tiểu sử, triều đại hay thời kỳ. Và khi con đã thuộc hết tên những vị anh hùng dân tộc cùng với sự kiện lịch sử, tôi bắt đầu sắp xếp lại cho con theo trình tự thời gian qua các triều đại của dân tộc. Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn và cả những sự kiện trong khoảng thời gian dân tộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Con có được cái “xương sống” lịch sử cơ bản nhất thì sau này việc mở rộng, đào sâu hơn các câu chuyện lịch sử đã khiến con tôi cảm thấy thích thú một cách rất tự nhiên.

Với môn địa lý cũng vậy, tôi bắt đầu bằng... biển số xe các tỉnh! TP.HCM tập trung hầu như gần hết các địa phương trong cả nước, vì thế mà biển số xe gần như có đầy đủ. Tôi bắt đầu cho con hình dung các địa phương trên bản đồ đất nước thông qua biển số xe và thông qua quê quán của mình, của người thân, bạn bè. Quê ngoại con ư, ở Khánh Hòa, biển số 79; quê nội mình là Đà Nẵng, biển số 43... Cứ dài dài theo con đường hình chữ S, con tôi nắm được cơ bản các tỉnh thành.

Để từ đó, khi vào lớp 4 chính thức học môn sử, địa, con tôi không hề ngỡ ngàng mà tỏ vẻ thích thú trước những bài học lịch sử, địa lý mà cô giáo dạy trên lớp. Chưa kể, mỗi khi đưa con đi đến đâu, tôi cũng đều giảng giải cho con phong tục, tập quán cũng như vùng đất, lịch sử, con người nơi ấy để con hiểu rõ hơn, thêm yêu những môn học này hơn.

Tôi rút ra rằng cho con trẻ học sử, địa không hề khó và nặng nề. Cứ từ những bài học thực tế, con trẻ sẽ dần lớn lên, mang theo những kiến thức đã học được vào đời một cách thật nhẹ nhàng, thoải mái.

TRÍ NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên