02/05/2013 08:02 GMT+7

Dạy sử bằng hiện vật sưu tầm

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Nhiều thế hệ học trò ở Trường THCS Phú Định (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã rất thích thú với những tiết học lịch sử của thầy giáo Lê Quốc Tường. Bởi giáo cụ thầy dạy là những hiện vật đồ đá của người Việt cổ mà thầy và trò đã tìm được ngay trên quê hương mình.

IuVVmc20.jpgPhóng to
Thầy giáo Lê Quốc Tường dạy lịch sử bằng hiện vật đồ đá - Ảnh: LAM GIANG
szsCVcFK.jpgPhóng to
Những hiện vật đồ đá của người Việt cổ được thầy giáo Lê Quốc Tường làm đồ dùng giảng dạy môn lịch sử - Ảnh: LAM GIANG

Năm 1985, thầy Tường tình cờ phát hiện một chiếc rìu đá cổ do người dân ở xã Phú Định cất giữ khi nghĩ đó là lưỡi tầm sét. Rồi liên tiếp sau đó nhiều hiện vật bằng đá khác được người dân tìm thấy ở Phú Định.

Sưu tầm đồ đá

Trước thực tế đó, thầy Tường tự đặt cho mình câu hỏi: tại sao học sinh chán học lịch sử? Sao mình dạy lịch sử mà lại để học sinh không biết gì về quê hương từng có nền văn hóa sâu đến như vậy? Thầy Tường bắt đầu công việc tìm kiếm đồ đá cổ làm giáo cụ dạy sử, cũng là để trả lời cho hai câu hỏi đó. Rồi thầy vận động thêm học sinh thực hiện “Chúng em làm khảo cổ học”. Việc đó trở thành niềm vui thích của rất nhiều lứa học trò ở Trường Phú Định. Đến giờ thì thầy Tường đã có bộ sưu tập với hơn 50 hiện vật đồ đá, gồm mảnh tước, bôn, lưỡi cuốc, lưỡi rìu vai vuông, phác vật rìu... có niên đại từ 6.000-3.500 năm trước Công nguyên, trong đó 2/3 là do học sinh tìm ra.

Khoảng năm 1988, khi đã có trong tay khá nhiều hiện vật các loại, mỗi khi lên lớp giảng bài thầy Tường đều mang theo năm, bảy hiện vật làm giáo cụ trực quan. Khi giảng về thời kỳ lịch sử của người nguyên thủy VN cho học sinh lớp 6, thầy Tường chỉ luôn cho các em thấy dụng cụ lao động, săn bắt của người nguyên thủy, và gợi mở cho các em những tưởng tượng thú vị về cuộc sống của người xưa... “Từ hiện vật đồ đá cụ thể ấy luôn tạo được sự hứng thú trên lớp cho các em. Đặc biệt là khi những hiện vật ấy lại có mặt và có xuất xứ từ chính quê hương của các em” - thầy Tường nói.

Bây giờ thầy Tường còn giữ được những rìu đá vai vuông, trên đó còn đậm nét chữ viết bằng mực tên học sinh tìm thấy. Mỗi hiện vật tìm thấy ở đâu, do học sinh nào tìm đều được thầy ghi chú cẩn thận. Theo thầy, điều đó vừa giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ sau này, vừa như một sự ghi công cho các em.

Niềm vui từ những tiết học sử

Tặng bảo tàng 28 hiện vật

Hiện thầy giáo Lê Quốc Tường đã tặng lại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình 28 hiện vật trong bộ sưu tập đồ đá của thầy. Theo bà Trần Thị Diệu Hồng - trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, bộ sưu tập đồ đá của thầy Tường có niên đại từ 6.000-3.500 năm trước Công nguyên. Đây là bộ sưu tập rất quý giá vì có những hiện vật từ trước tới nay chưa hề được tìm thấy ở Quảng Bình, đồng thời thầy Tường cũng mở ra cho các nhà khảo cổ học một vùng đất chưa từng được khai phá.

Em Hồ Thị Huệ, lớp 6A, nói: “Khi đến tiết học lịch sử là chúng em thích, vì thầy Tường hay nói thêm nhiều chuyện ngoài sách giáo khoa”. Em Nguyễn Văn Sáng, lớp 7B, có cách nghĩ khác nữa: “Học với đồ đá cổ thật của thầy Tường hay hơn là với đồ dùng bằng nhựa của nhà trường”. “Cụ non” hơn các bạn một chút, em Nguyễn Thị Hoài, lớp 7B, cho biết: “Học mà có vật chứng thì tốt nhất. Em thấy khi học rất vui, lại được thầy cho biết thêm nhiều thứ lắm, như đồ đá cổ mà các em tìm được là của ai mần ra, để mần chi... Nếu thầy không đưa đồ đá lên lớp dạy thì chúng em không biết được là ở nơi mình sống có nhiều đồ quý giá như rứa”.

Bao nhiêu năm làm thầy giáo dạy môn lịch sử, dù đã cho bao lứa học trò có được niềm vui học, nhưng thầy giáo Lê Quốc Tường vẫn không giấu nổi chút chạnh lòng. “Trong bối cảnh các môn học như sử, địa... vẫn bị coi là môn phụ, là nhàm chán, khô khan thì làm gì cho các em thích học là vui lắm rồi. Không uổng phí công sức mình và các em sưu tầm lưu giữ bộ đồ đá ấy” - thầy Tường thổ lộ.

Với thầy Tường, còn vui hơn nữa là có em sau khi biết người nguyên thủy sử dụng đồ vật bằng đá đó để làm gì, về nhà đã đẽo gọt đá làm rìu thử chặt cây, bổ quả... xem thế nào. Thầy Tường nói vui: “Đó cũng là một cách thực hành đáng yêu sau khi học. Như một sự trải nghiệm, giúp các em hiểu hơn về cách thức sử dụng công cụ lao động bằng đồ đá trong sinh sống của người VN ta thời xưa. Có đồ dùng thật như thế để giảng giải cho các em trên lớp, ngay bản thân tôi cũng thấy ham thích huống gì các em”.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Khoa khẳng định thầy Tường có cách dạy của mình với bộ đồ đá quý mà thầy sưu tầm được, làm cho học sinh ham học môn lịch sử hơn, các tiết học sử cũng có giá trị hơn nhiều vì có di vật thực tế để chứng minh... Từ hiệu ích đó mà nhà trường đang đề nghị thầy Tường làm đề tài sáng kiến kinh nghiệm nhằm để lại cho các thầy cô dạy sử sau này ở trường, cũng như hoàn chỉnh một báo cáo chuyên đề của ngành.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên