25/06/2014 05:20 GMT+7

Đầy rẫy phần mềm nghe lén

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Đó là khẳng định của ông Ngô Tuấn Anh, phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty CP Bkav. Theo ông Tuấn, Công ty Việt Hồng chỉ là một vụ riêng lẻ. Hiện việc kinh doanh các phần mềm gián điệp, nghe lén, theo dõi đang rất phức tạp.

7udQpj12.jpgPhóng to

Tìm hiểu trên Internet sẽ thấy có hàng loạt tổ chức, cá nhân chào bán các sản phẩm phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại một cách công khai. Đáng chú ý nhiều website còn đăng ký luôn tên miền dùng để mời chào như: thietbinghelen..., thietbitheodoi..., phanmemtheodoi..., theodoidienthoai..., đồng thời rao bán các phần mềm gián điệp phổ biến như spyphone, copyphone, pokerspyphone, spymobile, mobilephonespy...

Không thể phát hiện

Ngoài những đơn vị kinh doanh về phần mềm, thiết bị công nghệ số, hàng loạt công ty thám tử tư cũng không ngần ngại rao công khai trên trang chủ những phần mềm gián điệp, giám sát, theo dõi như spyphone, keylog...

Một website khác còn quảng cáo có phần mềm theo dõi cài đặt được trên tất cả dòng điện thoại thông minh... với nhiều kiểu hệ điều hành tương thích như Symbian, MeeGo, Android, iOS...

Khi liên lạc với đầu mối kinh doanh của website này, một nam thanh niên xưng tên S. cho hay phần mềm của S. có thể “bao trọn gói” các chức năng như ghi âm cuộc gọi đến - đi, nghe lén trực tiếp cuộc gọi hai bên, ghi lại video khi thực hiện cuộc gọi videocall, xem danh bạ, ảnh chụp, file dữ liệu, điều khiển từ xa bằng lệnh SMS... trên máy bị theo dõi. S. cũng khẳng định khi cài vào máy cần theo dõi, phần mềm sẽ hoàn toàn ẩn và không thể phát hiện. Nhân viên của S. sẽ bao cả việc cài đặt cho khách hàng với mức phí sử dụng 8 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, theo ông Lục Thanh Tuấn - giám đốc một siêu thị điện thoại di động khá quy mô trên phố Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), việc các điện thoại dù vô tình hay bị cố ý cài đặt các phần mềm gián điệp, theo dõi hiện nay là khá phổ biến.

Ngoài một số cá nhân tìm tới siêu thị bày tỏ muốn sở hữu một phần mềm dạng này, ông Tuấn cho hay thậm chí có không ít công ty về phần mềm còn trực tiếp tới siêu thị ông để chào hàng các hệ thống phần mềm gián điệp, theo dõi. “Họ đặt luôn vấn đề trả phí khá sòng phẳng hấp dẫn trên cơ sở số lượng mỗi lần khách hàng tải về, tuy nhiên tôi từ chối ngay từ đầu vì không muốn phiền phức cũng như dính dáng tới vi phạm pháp luật” - ông Tuấn chia sẻ.

Để đề phòng không bị cài đặt các phần mềm gián điệp, ông Tuấn Anh gợi ý người sử dụng nên hạn chế, không để người lạ dùng máy.

Thứ hai, chỉ nên cài đặt các ứng dụng từ những chợ và kho ứng dụng đáng tin cậy. Ngoài ra không bao giờ tải về các phần mềm không rõ nguồn gốc, không có bản quyền bởi có nhiều dạng thức tinh vi như hacker mạo danh các phần mềm hoặc các game nổi tiếng, sau đó tiêm mã độc. Khi người sử dụng tải về máy mã độc, lập tức nó sẽ phát tán và cài đặt phần mềm gián điệp trong máy.

Còn trong các trường hợp như máy bị tốn pin một cách bất thường, cước 3G tăng đột biến, máy bị nóng, chạy chậm... có thể kiểm tra thông qua việc quét vi rút. Nếu xác định chắc chắn bị cài phần mềm gián điệp cần phải chạy lại phần mềm toàn bộ máy để loại bỏ.

Kẽ hở pháp lý

Theo ông Ngô Tuấn Anh, trong số các phần mềm gián điệp hiện nay chỉ số ít là do một vài cá nhân, tổ chức tự phát triển, mà chủ yếu được mua lại rồi phát triển từ các phần mềm có sẵn, sau đó khai thác.

Về nguyên lý, không hề quá khó khăn với các lập trình viên, họ chỉ cần mang về các modul có sẵn chức năng ghi âm, chụp ảnh, thông tin định vị... sau đó phát triển thêm một ít và ghép nối lại thành hệ thống hoạt động đầy đủ. Đáng chú ý là các modul này được bán công khai và hoàn toàn hợp pháp. Đơn cử trong trường hợp Công ty Việt Hồng, phần mềm Ptracker được phát triển từ phần mềm gốc của Trung Quốc.

Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Lê Hồng Sơn, trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, thừa nhận các phần mềm gián điệp nghe lén, theo dõi hiện nay đầy rẫy nhưng rất khó để xử lý.

Theo ông Sơn, hiện nay tất cả dịch vụ kinh doanh phần mềm dù là phục vụ giải trí như game, nhạc số hay công việc như văn phòng, quản lý doanh nghiệp... đều được quy về một mối, đó là loại hình kinh doanh phần mềm. Tuy nhiên, đáng lo ngại là ngay cả các phần mềm gián điệp, nghe lén, theo dõi cũng vô tình bị quy về loại hình trên, do đó rất khó quản lý cũng như khó cấm.

“Khi mở một phong thư của người khác đã là vi phạm luật, thế nhưng kinh doanh phần mềm xâm phạm vào bí mật đời tư, quyền công dân lại bỏ ngỏ.

Đây chính là kẽ hở của luật hiện nay” - ông Sơn chỉ rõ. Theo ông Sơn, thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước cần phải ban hành quy định về giấy phép hoạt động đặc thù riêng cho lĩnh vực này. Các cơ quan được cấp phép sẽ được quản lý chặt, còn những tổ chức, cá nhân hoạt động không phép sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông Sơn cho hay sau trường hợp của Công ty Việt Hồng, hiện PC50 Hà Nội đang tiếp tục trinh sát để điều tra, phá án một số trường hợp vi phạm tương tự.

Vụ hơn 14.000 điện thoại ở VN bị nghe lén:

Chuyển cơ quan công an điều tra

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén, bà Phan Lan Tú, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội, khẳng định vi phạm của Công ty TNHH Việt Hồng có quy mô rất lớn. “Toàn bộ hồ sơ vụ việc hiện nay đã được chuyển giao cơ quan công an điều tra tiếp... Tuy nhiên, từ kết luận thanh tra có thể thấy những vi phạm của Công ty Việt Hồng là rất nghiêm trọng và nguy hiểm” - bà Tú nói.

Với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng như vậy thì phải chuyển sang để xử lý hình sự... Trước mắt, từ kết quả thanh tra có thể thấy máy chủ của công ty này nắm giữ rất nhiều dữ liệu. Hiện nay cả máy chủ đã được niêm phong để bên công an điều tra tiếp, tuy nhiên đã có một lượng dữ liệu trong máy chủ bị xóa trước đó” - bà Tú khẳng định.

XUÂN LONG

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên