15/05/2016 11:28 GMT+7

Dạy phản biện cho học sinh cũng cần đúng cách

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO

TTO - Ở Việt Nam, rất hiếm khi học sinh phát biểu ý kiến, cảm nhận riêng. Nếu có thì những ý kiến đó cũng chỉ được nói ra rồi tan vào không khí, cả lớp lại quay về với nội dung bài học đã soạn sẵn bao năm.

Từ thực tế đó, tôi khá ngạc nhiên và vui mừng khi đọc bài báo “” trên Tuổi Trẻ. Học sinh được nói và được lắng nghe đã là một điều tuyệt vời, khuyến khích và dạy các em cách phản biện lại vấn đề thì lại càng hoàn hảo.

Tuy nhiên có hai vấn đề làm tôi băn khoăn:

Thứ nhất, tư duy phản biện khiến ta nhìn mọi vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, cũng là một phần nào mang đến tư duy độc lập. Dạy tư duy độc lập trước hết cần để người học được thật sự tự chủ.

Cụ thể là dạy về phản biện chỉ nên giới thiệu, hướng dẫn và cổ vũ các em phản biện chứ không phải tất cả các em đều cần đưa ra phản biện cho vấn đề được nêu. Biết đâu các em lại đồng ý với tiền đề được đưa ra thì sao?

Điều này tôi thấy ở rất nhiều môn học cũng như cách thức giảng dạy ở Việt Nam. Ví dụ như mỗi khi có cách làm nào mới thì gần như được áp dụng rập khuôn cho mọi học sinh, mọi lớp có học môn đó.

Có lúc tôi thấy môn học nào cũng cứ làm việc nhóm, cũng thuyết trình bằng Powerpoint mới đạt điểm cao. Nhiều khi không cần thiết cũng làm như vậy.

Thứ hai là nội dung của “môn học”. Tôi nghĩ rằng đã dạy thì cần phải đúng ngay từ đầu. Dạy cách tư duy càng là quan trọng, vì người học có thể áp dụng tư duy đó vào tất cả mọi mặt khác của đời sống.

Ở ví dụ được nêu trong bài Khi thầy dạy trò phản biện, khi Thầy Thế nói: “Tôi nghe người Việt chửi nhau ngoài chợ, nhiều người lớn và học sinh văng tục, chửi thề trên Facebook, tin nhắn... Phải chăng đó là tiếng Việt?”.

Học sinh “phản biện” rằng:

- “Ngôn ngữ nào cũng có những từ cao đẹp và những từ tầm thường. Bạn đang nghe những từ xấu xí...”.

- “Nước nào cũng có những người viết không đúng chính tả, ngữ pháp, chứ không riêng gì Việt Nam".

Hai câu này có thể đem làm ví dụ tiêu chuẩn cho cách nói ngụy biện "Ai chả vậy, anh cũng vậy, đâu chả vậy". Tranh luận với tư duy này rất dễ dẫn đến ngõ cụt và thường khi chủ nhân của chúng là những người bảo thủ vô cùng.

Nếu ý tưởng nào cũng được phản biện như hai ví dụ này, theo tôi nếu không giải thích thêm thì cuộc phản biện rất dễ dẫn đến ngõ cụt. Học sinh được trang bị "kỹ năng" kiểu này có thể dễ dàng “phản biện” lại mọi thứ mà các em nghe được, theo một cách rất “ngang” như vậy. Tư duy của các em không tiến bộ, không mở mang mà càng khép kín và cứng cáp, chai lì.

Tôi mong sao đó chỉ là hai ví dụ chua đầy đủ, trong số rất nhiều cách phản biện hay, đúng khác mà thầy và học trò đang trao đổi lẫn nhau.

Mong sao khi học sinh nói ra những câu ngụy biện như vậy, thầy sẽ ôn tồn giải thích rõ ràng cho chúng đó không phải là tư duy phản biện, mà là lối ngụy biện làm sai lạc chủ đề, không có lợi cho tư duy và tranh luận.

Như đầu bài tôi đã nói: dù gì đi nữa đây cũng là một cách làm đáng hoan nghênh và phát triển. Rất mong thầy sẽ tiếp tục cách dạy học sáng tạo, không chỉ mang đến kiến thức mà còn mở mang tư duy cho học sinh. Tôi mong mô hình này được học tập và nhân rộng.

Chúc thầy nhiều sức khỏe.

NGUYỄN HUỲNH NHẤT BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên