Phóng to |
Nhiều bạn học sinh đến nhà Vinh học nhảy - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG |
Lớp học đó là của Nguyễn Thanh Vinh (28 tuổi) ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định). Chiều nào cũng thế, sau buổi học ở trường, rất đông học sinh cấp II, cấp III lại tập trung về một góc sân nhà Vinh để học nhảy.
Từ nhỏ, đôi chân Vinh không tự đi được đến trường. Mẹ, bạn bè và chiếc xe lăn đã đưa Vinh vượt hết lớp 12. Lúc còn đi học, những tiết mục văn nghệ của lớp đều do Vinh đảm nhiệm. Vinh thường tự đạo diễn chương trình và tập cho các bạn từ những bài hát, múa, kịch và cả những vũ điệu. Vinh trở thành thủ lĩnh của lớp, của trường mỗi khi tổ chức văn nghệ. Những tiết mục Vinh dàn dựng bao giờ cũng gây ấn tượng, thu hút.
Ông Nguyễn Công Thành, cha của Vinh, là thương binh hạng I, bị mù hai mắt do mảnh đạn. Nghe Vinh dạy nhảy ai cũng ngỡ ngàng, nhiều người hiếu kỳ tìm đến xem Vinh dạy bằng cách nào mà thu hút đông học sinh như vậy. Rồi ai cũng nể phục về sự làm việc nghiêm túc và sáng tạo của Vinh.
Nhìn Vinh ngồi trên xe lăn dạy nhảy bằng khẩu lệnh và đôi tay mới thấy hết niềm đam mê cháy bỏng, chiếc xe lăn cũng rung lắc theo nhịp điệu. Để truyền đạt nhanh cho học viên mới, Vinh chọn người học có bước nhảy đẹp, có năng khiếu đã nhảy được để huấn luyện rồi hướng dẫn lại.
Bạn Trần Thị Thanh Trúc, một học sinh lớp 9 của Trường THCS Bồng Sơn, theo học nhảy ở đây, cho biết: “Tuy không nhảy làm mẫu được nhưng anh Vinh hướng dẫn bằng tay, bằng lời nói, nếu có động tác khó anh ấy ra quán Internet mở mạng chỉ cho vài người về truyền đạt lại. Có động tác tự sáng tác thì anh diễn tả bằng lời, chúng em làm theo, nếu chưa đúng theo ý thì anh chỉnh sửa”.
Lớp học nhảy của Vinh miễn phí, Vinh chỉ dạy vì đam mê và để cho cuộc đời mình vui hơn. Lúc đầu không có chỗ dạy, Vinh tận dụng phòng tiếp khách của gia đình. Sau đó, mẹ cho ít tiền mua ximăng về lát mảnh sân ở sau vườn. Một khoảnh sân nhỏ nhưng là sân chơi thu hút rất nhiều bạn trẻ. Bạn Tống Lê Nhất, học lớp 11, cho biết: “Em thích đến đây học nhảy mỗi lúc rảnh. Ở đây ít có sân chơi cho lứa tuổi chúng em nên lớp của anh Vinh rất nhiều bạn thích đến học”.
Vinh tâm sự: “Thấy nhu cầu học nhảy của các em nên mình dạy vừa để đáp ứng sở thích của các em, vừa thỏa niềm đam mê của mình. Mình muốn hướng các em tới đam mê lành mạnh và động viên nhau trong học tập”.
Ngày nào nhà Vinh cũng rộn ràng bước nhảy dù chưa bao giờ Vinh tự đi được trên đôi chân của mình. “Đem lại niềm vui cho người khác cũng là đem lại niềm vui cho chính mình” - Vinh tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận