Bốn cây cầu nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để các dự án giao thông sớm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này
Với cầu Cổ Chiên (tổng mức đầu tư 2.308 tỉ đồng), ông Thể cho biết theo tiến độ sẽ xây xong ngày 1-8-2015, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo cố gắng khánh thành vào ngày 19-5-2015.
Sau khi xây xong, cầu Cổ Chiên sẽ cùng với cầu Hàm Luông và cầu Rạch Miễu nối thông tuyến quốc lộ 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ TP.HCM đến Trà Vinh, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa quốc lộ 60 và quốc lộ 1, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn trên quốc lộ 1.
Còn cầu Mỹ Lợi có tổng mức đầu tư 1.438 tỉ đồng. “Hai cây cầu Cổ Chiên và Mỹ Lợi được khánh thành trong năm nay sẽ tạo động lực phát triển rất lớn cho các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và toàn bộ các tỉnh ở khu vực bán đảo Cà Mau” - ông Thể nhận định.
Với hai cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, theo kế hoạch hoàn thành vào tháng 11-2017. Đến nay, cầu Cao Lãnh (bắc qua sông Tiền ở địa phận TP Đồng Tháp và huyện Lấp Vò, tổng mức đầu tư 3.037 tỉ đồng) đạt được 34% khối lượng, giải ngân được 30%.
Cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, thuộc địa phận huyện Lấp Vò, Đồng Tháp và Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ, tổng mức đầu tư 5.700 tỉ đồng) thực hiện được 31% khối lượng, giải ngân khoảng 28%.
Hai cầu này nhanh hơn 4-10% so với tiến độ. Bộ GTVT đang chỉ đạo đẩy nhanh để hai cầu vượt tiến độ sáu tháng, hoàn thành vào tháng 5-2017.
Hai cây cầu này có ý nghĩa rất đặc biệt vì góp phần hoàn thành trục giao thông chính ở miền Tây song song với quốc lộ 1 đi xuyên Đồng Tháp Mười và đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển mới cho vùng tứ giác Long Xuyên, tạo cơ hội cho các địa phương này thu hút đầu tư, phát triển.
Về đường cao tốc, hiện nay đã khởi động lại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Còn đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện nay Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu triển khai với hình thức BOT.
Bộ GTVT đang tính toán báo cáo Chính phủ cơ chế Nhà nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư để có thể khởi động tuyến này vào quý 3-2015.
Cùng với việc xây dựng đường cao tốc đến Cần Thơ, cần thiết xây thêm cầu Mỹ Thuận 2 để tăng năng lực kết nối từ TP.HCM về Cần Thơ. Chính phủ đang cho nghiên cứu dự án này và dự kiến thu xếp vốn ODA để làm.
Nếu cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành cùng trục đường cao tốc đến Cần Thơ vào cuối năm 2018, chắc chắn việc đi lại từ TP.HCM tới Cần Thơ sẽ rút ngắn thời gian, tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Thể cho biết có người đặt câu hỏi vì sao địa chất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phức tạp hơn khu vực khác nhưng nhiều dự án cầu đường vượt tiến độ? Theo ông Thể, để đạt được tiến độ tốt cần các yếu tố:
Thứ nhất, nhận thức của chính quyền địa phương và cả người dân đều thấy các công trình lớn không chỉ có ý nghĩa cho tỉnh mình mà còn cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho hộ cá thể đến các doanh nghiệp.
Do đó người dân và chính quyền có sự quan tâm đồng thuận hơn tới giải phóng mặt bằng.
Thứ hai, hiện nay Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện các công trình quyết liệt.
Các dự án phải rà soát lại kế hoạch, tiến độ thực hiện từng hạng mục và bám sát kế hoạch đó để chỉ đạo, vướng chỗ nào lãnh đạo bộ đến cùng địa phương tháo gỡ, nhất là về mặt bằng; lựa chọn giải pháp kỹ thuật rẻ nhất, dễ thi công nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng kỹ thuật, trong quá trình thi công các hạng mục cần nhiều thời gian thì phải tăng cường các giải pháp để rút ngắn thời gian.
Bên cạnh đó các nhà thầu, nhà đầu tư đồng thuận với chủ trương của Bộ GTVT là triển khai dự án nhanh để có thời gian làm các công trình khác.
Nhà thầu tập trung nhiều hơn thiết bị, xe máy thi công và cũng điều chỉnh về tư duy phải làm nhanh, làm tốt để khẳng định thương hiệu trong quá trình phát triển của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận