Tiêm vắc xin COVID-19 cho các tình nguyện viên tại Hà Nội sáng 26-2 - Ảnh: NAM TRẦN
Trong ngày đầu tiên đã có 73 tình nguyện viên (35 người tại Hà Nội, 38 người tại Long An) được tiêm thử nghiệm.
Ở giai đoạn 2, vắc xin được tiêm với 3 mức liều: 25mcg, 50mcg và 75mcg. Tổng cộng sẽ có tất cả 560 người được phân ngẫu nhiên vào 4 nhóm, gồm 480 người chia làm 3 nhóm tiêm vắc xin liều 25mcg, 50mcg, 75mcg và nhóm 80 người tiêm giả dược.
Số tuổi tình nguyện viên tham gia cũng được phân tầng thành 2 nhóm từ 18-60 tuổi và trên 60 tuổi. Những tình nguyện viên này sẽ được tiêm bắp 2 liều vắc xin hoặc giả dược với khoảng cách giữa hai liều là 28 ngày.
Thời gian mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày, để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 12 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, có mặt tại điểm tiêm thử nghiệm ở Hà Nội thăm hỏi, động viên các cán bộ y tế và các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin.
Ông Đam cho biết cơ quan chức năng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vắc xin, giai đoạn 1 đã tiến hành nhanh hơn dự kiến, giai đoạn 2 cũng sẽ tiến hành nhanh để có thể chuyển sang giai đoạn 3 sau khoảng 35 ngày tới.
Ông Đỗ Quyết - giám đốc Học viện Quân y, đơn vị phụ trách thử nghiệm giai đoạn khu vực phía Bắc - cho biết người thử nghiệm sẽ tham gia theo nhóm 7 người, trong đó có 2 người tiêm liều 25mcg, 2 người tiêm liều 50mcg, 2 người 75mcg, 1 người tiêm giả dược để đánh giá hiệu quả.
Ở giai đoạn 1, hiệu quả tiêm ngừa cho thấy vắc xin có hiệu quả sinh miễn dịch với virus gây bệnh chủng cũ và chủng biến thể Anh. Giai đoạn này sẽ thử nghiệm với chủng Nam Phi.
Giáo viên Trần Thị Nhung (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), một tình nguyện viên, đã tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 cũng có mặt cùng những người bạn tham gia thử nghiệm giai đoạn 2.
Cô Nhung cho biết sau khi được tiêm thử nghiệm giai đoạn 1, cô không gặp bất kỳ phản ứng phụ nào kể cả những phản ứng tại chỗ tiêm, thậm chí cô còn ăn nhiều hơn trước.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho các tình nguyện viên tại Long An sáng 26-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại Long An, ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Bộ Y tế - cho biết Bến Lức được chọn để thử nghiệm giai đoạn 2 vì nơi đây có hệ thống cơ sở hạ tầng y tế tốt, gần TP.HCM nên thuận lợi trong việc chuyển vắc xin đúng tiêu chuẩn và đây cũng là vùng đã từng được Bộ Y tế chọn thử nghiệm rất nhiều chương trình y tế lớn.
"Sau kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu, vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn và cho kết quả đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể chống virus corona cao trên 60 người tình nguyện. Chỉ có một số tác dụng phụ được ghi nhận như đau bắp vai sau khi tiêm, nóng sốt… nhưng tất cả đều nằm trong dự kiến" - ông Quang nói thêm.
Buổi đầu tiên giai đoạn 2 tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức có 38 tình nguyện viên được tiêm.
Những người này được tuyển chọn từ gần 800 đơn tình nguyện tham gia chương trình thử nghiệm và đã được Viện Pasteur TP.HCM tuyển chọn kỹ càng. Từ 7h sáng, các tình nguyện viên đã có mặt và hào hứng tham gia đợt thử nghiệm này.
"Tôi được nhân viên trạm y tế xã Thanh Phú gọi đi tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax. Cũng đã được khuyến cáo về tác dụng phụ nhưng hiện tiêm xong tôi chưa thấy mình có biểu hiện gì khác lạ cả" - ông D., một tình nguyện viên, chia sẻ sau khi được tiêm vắc xin.
20 tỉ đồng hỗ trợ nghiên cứu vắc xin Covivac
Hôm nay 27-2 sẽ có 20 tỉ đồng được một tập đoàn của Việt Nam trao cho Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang, đơn vị đang thử nghiệm vắc xin Covivac trên người.
Hiện có 3 vắc xin nội địa được phát triển nhanh để đảm bảo nhu cầu vắc xin COVID-19 cho Việt Nam. Ngoài Nanocovax, Covivac, trong tháng này vắc xin thứ ba sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận