Một buổi thực hành điện lạnh của học sinh Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: Như Hùng |
Trong công văn, Bộ GD-ĐT thừa nhận thực tế hiện nay giáo dục là lĩnh vực duy nhất có hai bộ quản lý nhà nước nên dẫn đến tình trạng phân tán, chia cắt: Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dạy nghề.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Sự không thống nhất này đã làm mất đi tính hệ thống, dẫn tới nhiều loại văn bằng, chứng chỉ thiếu tính tiêu chuẩn, nhiều cơ chế chính sách chồng chéo trong cùng hệ thống giáo dục quốc dân, khó khăn cho việc xây dựng xã hội học tập; cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực mất cân đối; khó khăn cho việc quy hoạch tổng thể và gây lãng phí lớn”.
Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, các chính sách, chiến lược phát triển giáo dục, điều hành giáo dục không thống nhất, cùng với việc hình thành hai bộ máy hành chính cồng kềnh cùng quản lý giáo dục, đào tạo là hoàn toàn không phù hợp với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối quản lý.
Trước việc Chính phủ chưa giao cụ thể cho cơ quan nào quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp, nhưng trong dự thảo nghị định Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo quy định rõ “Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương”, Bộ GD-ĐT đã nêu ra nhiều luận điểm khẳng định quy định như vậy là chưa phù hợp. Xét về chủ trương và cơ sở pháp lý, Bộ GD-ĐT cho rằng quy định về cơ quan quản lý nhà nước như dự thảo quy định là không phù hợp với tinh thần nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, quy định của hiến pháp, Luật giáo dục...
Theo Bộ GD-ĐT, việc đề xuất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tạo sự phân tán, chia cắt giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH (do ngành LĐ-TB&XH không thể can thiệp vào nhà trường phổ thông để làm công tác giáo dục hướng nghiệp như sở GD-ĐT hiện nay quản lý).
Bộ GD-ĐT còn viện dẫn mô hình quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy giáo dục nghề nghiệp luôn gắn với nhà trường, học sinh, sinh viên. Theo đó, “ở hầu hết các quốc gia phát triển và ASEAN, Trung Quốc, Úc, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đều là bộ giáo dục, còn nhiệm vụ đào tạo nghề mang tính ngắn hạn có thể do bộ ngành khác”.
Bộ GD-ĐT cũng góp ý: nghị định quy định một số điều Luật giáo dục nghề nghiệp là văn bản quy phạm pháp luật, có tác động lớn và có thể làm thay đổi hệ thống giáo dục quốc dân nên cần được lấy ý kiến đóng góp không chỉ ở các bộ, ngành mà còn từ các đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản như UBND tỉnh, các sở GD-ĐT, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường CĐ, trường ĐH có đào tạo trình độ CĐ.
Bộ GD-ĐT đề nghị ban soạn thảo phải xây dựng đề án đánh giá tác động của chính sách pháp luật đối với đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, đồng thời xây dựng đề án liên quan đến việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cùng lộ trình thực hiện, làm cơ sở khoa học và thực tiễn trong triển khai. |
GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Khó chấp nhận 2 bộ lập 2 thông tư trùng đối tượng Thực tế, ngay trong quá trình soạn thảo luật đã có nhiều đại biểu ý kiến Luật giáo dục nghề nghiệp khi trình tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội là một luật mới, hoàn toàn không phải Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề như dự kiến trước đây, nên theo đúng quy trình, không thể thông qua ngay trong một kỳ họp. Lần giở lại sẽ thấy tại kỳ họp thứ bảy của Quốc hội, khi đưa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề ra xin ý kiến, thì các đại biểu thấy phạm vi điều chỉnh của luật hẹp quá, mới đề nghị mở rộng ra thành Luật giáo dục nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, sau kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra của Quốc hội phối hợp với ban soạn thảo xây dựng Luật giáo dục nghề nghiệp. Như vậy sau kỳ họp thứ 7, Luật giáo dục nghề nghiệp đã trở thành một luật được xây dựng mới chứ không còn là Luật sửa đổi, bổ sung nữa. Theo đúng quy trình, một luật mới muốn được thông qua phải trình tại hai kỳ họp Quốc hội. Kỳ đầu để các đại biểu phát biểu về các vấn đề liên quan đến chính sách, rồi kỳ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu để Quốc hội xem xét. Nhưng ở kỳ họp thứ 8 mới là lần đầu tiên trình dự án luật này ra Quốc hội mà lại yêu cầu “bấm nút” ngay là điều không bình thường. Tôi không hiểu vì sao phải vội vàng như vậy. Điều quan trọng không kém là khi xây dựng luật mới, muốn được Quốc hội thông qua phải có báo cáo đánh giá tác động và phải hỏi ý kiến chính những đối tượng chịu sự tác động của luật mới này. Luật mới ra đời thống nhất các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (vốn thuộc Bộ GD-ĐT) với các trường CĐ nghề, trung cấp nghề (vốn thuộc Bộ LĐ-TB&XH) thì phải đánh giá được tác động của nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến các trường, đến quản lý nhà nước. Thực tế có những trường ĐH có đào tạo CĐ, vậy chả lẽ bộ phận ĐH thì thuộc Bộ GD-ĐT, còn bộ phận CĐ lại thuộc quản lý của bộ khác? Luật giáo dục nghề nghiệp được thông qua trong tình huống bỏ lửng cơ quan quản lý nhà nước, giao Chính phủ quyết định, nhưng sau gần nửa năm luật thông qua vẫn chưa thống nhất được đầu mối ở đâu. Do điều này mới xảy ra chuyện là hai bộ xây dựng hai thông tư trùng đối tượng, cùng quy định điều kiện, thủ tục thành lập, sáp nhập, giải thể... trường CĐ. Đây là việc khó chấp nhận. Nhà nước là một, là thống nhất, Chính phủ là một, là thống nhất, tại sao lại sinh chuyện bộ nào biết bộ đấy? 2 bộ nên ngồi lại với nhau Theo một chuyên gia Bộ Tư pháp, việc hai bộ cùng xây dựng hai dự thảo thông tư quy định về một vấn đề, trong khi vấn đề này chưa được giao cụ thể cho bộ nào là không nên. “Thông tư mới chỉ là dự thảo nên Bộ Tư pháp chưa có ý kiến. Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua nhưng vẫn để ngỏ cơ quan quản lý nhà nước chung cho hệ thống các trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề... Vấn đề là Chính phủ chưa giao cho anh, nhưng anh lại đi ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề chưa được giao. Sau này nếu anh không được giao quản lý thì sẽ thế nào? Theo chuyên gia này, trong trường hợp nói trên cơ quan nào đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống các trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề... thì nên tiếp tục quản lý như cũ cho đến khi có quyết định mới. “Tuy nhiên, cách tốt nhất là các cơ quan có liên quan nên ngồi lại với nhau để bàn phương án giải quyết rồi kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ sớm có quyết định trước ngày luật có hiệu lực, chứ không nên giải quyết vấn đề theo cách mạnh ai nấy làm” - vị chuyên gia này cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận