Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, 80% lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ ở thành phố được nhập từ các tỉnh lân cận. Do đó, công tác đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hóa này hiện nay gặp nhiều khó khăn, bởi phải qua rất nhiều khâu.
Chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông... cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời gian quan, TP.HCM đã triển khai thí điểm mô hình quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”.
Thông qua mô hình, đã cung cấp cho người tiêu dùng các thực phẩm được chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế, chế biến và phân phối khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.
Đến nay, có 31 cơ sở đã được thẩm định và cấp giấy, với tổng sản lượng hơn 45.000 tấn/năm và hơn 125,9 triệu quả trứng gia cầm/năm.
Để đẩy mạnh “Chuỗi thực phẩm an toàn”, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã khảo sát, hướng dẫn thêm 19 cơ sở tiềm năng để có thể đưa vào chuỗi.
Dự kiến trong năm 2015, tổng sản lượng thực phẩm an toàn đưa vào chuỗi an toàn là hơn 50.000 tấn/năm và 197 triệu quả trứng/năm.
Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai “Chuỗi thực phẩm an toàn”, Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, thành phố cũng đã ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành vùng Đông và Tây Nam Bộ (kể cả Lâm Đồng) phối hợp với nhau trong việc cùng quản lý và kiểm soát các mặt hàng rau quả, thịt và thủy sản từ nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển.
Nhờ đó, TP.HCM và các tỉnh phối hợp kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm với khoảng 71.500 tấn rau quả/tháng (chiếm 69% nhu cầu thành phố), 4.900 tấn thịt gà/tháng (chiếm 86,5% nhu cầu), gần 77 triệu trứng gia cầm/tháng (chiếm hơn 71% nhu cầu); tỷ lệ các mẫu rau quả vi phạm chỉ chiếm 5%-7%, với thịt là 1%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận