10/08/2015 00:10 GMT+7

​Đẩy mạnh mô hình bác sĩ gia đình để giảm tải bệnh viện

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Mô hình bác sĩ gia đình đã và đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới và đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Nếu như năm 1995 mới có 56 nước phát triển và áp dụng chương trình đào tạo y học gia đình, thì đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thực hiện mô hình này.

Tại Việt Nam, từ năm 1998, Dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình với sự tài trợ bởi quỹ China Mediacare Board of New York (CMB) đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Hiện nay, đã có rất nhiều trường đại học có chuyên ngành y học gia đình. Đặc biệt, bác sĩ gia đình đã được triển khai thành các mô hình phù hợp với điều kiện khám chữa bệnh tại Việt Nam như trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay nước ta có 6 tỉnh, thành phố có mô hình bác sĩ gia đình là TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang và Bình Dương với 240 phòng khám.

Trong năm 2014, các phòng khám này đã thực hiện khám, chữa bệnh cho 807.000 lượt bệnh nhân, thực hiện 12.000 ca thủ thuật, chuyển tuyến 14.400 ca, tư vấn 10.000 cuộc. Tại 158/240 phòng khám đã thực hiện quản lý sức khoẻ cho hơn 195.000 người bệnh và khám sàng lọc cho 500.000 lượt người.

hinh-8-1439191006.jpg

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, mô hình bác sĩ gia đình vẫn chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng; hoạt động còn tản mạn, hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; việc thành lập phòng khám gia đình còn chưa hấp dẫn với khối tư nhân, nên các phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân còn quá ít.

Đặc biệt, người dân chưa hiểu đầy đủ về phòng khám bác sĩ gia đình vì vẫn quan niệm bác sĩ gia đình chỉ là đến nhà thăm khám và chữa bệnh những bệnh đơn giản, thông thường.

Để triển khai phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam 2013-2020 có hiệu quả, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cần đẩy mạnh việc kiện toàn và thành lập phòng khám bác sĩ gia đình tại các tỉnh và thành phố trong cả nước; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực y học gia đình; xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình; xây dựng, ban hành mẫu bệnh án thống nhất, đặc biệt là xây dựng bệnh án điện tử y học gia đình và phần mềm tin học quản lí hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình.

Bên cạnh đó, để người dân hiểu được vai trò chức năng của bác sĩ gia đình cần phải tổ chức truyển thông về mô hình, đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ của các phòng khám bác sĩ gia đình.

Kinh nghiệm từ TP.HCM, một địa phương đã có 20/23 quận, huyện thành lập phòng khám bác sĩ gia đình với cơ cấu từ 1-4 bàn khám tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện và 136 phòng khám bác sĩ gia đình tại các trạm y tế phường, xã do bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách, thì cần đẩy mạnh phát triển thành lập phòng khám bác sĩ gia đình ở các phường, xã để cập nhật và theo dõi sát được sức khoẻ của người bệnh và các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, cần xem xét việc thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình sao cho phù hợp với điều kiện thu nhập hiện nay của người dân. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bác sĩ gia đình