05/03/2015 08:50 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đẩy mạnh bao phủ BHYT toàn dân

V.V.THÀNH - L.ANH - chinhphu.vn
V.V.THÀNH - L.ANH - chinhphu.vn

TT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về giảm quá tải bệnh viện - Ảnh: Chinhphu.vn

* Không chạy theo thành tích giảm quá tải

Sáng 4-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp để nghe Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật BHYT và “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”. Các phó thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành hữu quan tham dự.

Theo bà Tống Thị Song Hương - vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cần nhanh chóng thực hiện ba nhóm vấn đề: mở rộng diện bao phủ BHYT, nâng chất lượng khám chữa bệnh và đổi mới cơ chế tài chính để giảm chi khám chữa bệnh từ tiền túi người dân.

Phải quán triệt trong ngành là giảm quá tải phải đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đây là mục tiêu kép, nếu không đạt được thì giảm quá tải cũng không có ý nghĩa
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 71,6%

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất tiến bộ và rất nhân đạo để cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.

Trung ương đã có nghị quyết và có chỉ tiêu rõ ràng về tỉ lệ bao phủ BHYT cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2015 đạt tỉ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 phấn đấu đạt tỉ lệ 80%. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến hết năm 2014 tỉ lệ bao phủ đã đạt được 71,6% dân số (vượt mục tiêu đề án đề ra), đây là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tinh thần chung là đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa chủ trương thực hiện BHYT toàn dân. Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn để thực hiện cho được các mục tiêu, chỉ tiêu mà trung ương đã đề ra.

Ngay trong năm 2015, Quốc hội có nghị quyết là 75% thì phải phấn đấu đạt được chỉ tiêu này. Cùng với số lượng, cần phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia BHYT được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí của người bệnh giảm, đối tượng thụ hưởng rộng hơn.

Do bắt buộc thực hiện BHYT theo hộ gia đình đang gặp khó, nên bà Song Hương cho biết Chính phủ đã chấp thuận cho phép một số nhóm cụ thể tham gia BHYT theo hình thức từng thành viên gia đình.

Bao gồm người đã tham gia BHYT từ năm 2014 trở về trước, thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng tới năm 2015, người từ 70 tuổi trở lên hoặc có 30 năm tuổi Đảng trở lên, người được các quỹ hỗ trợ cấp thẻ BHYT... Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét có chính sách để quỹ BHYT chi trả phí khám chữa bệnh trong ngày nghỉ, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu khám chữa bệnh.

Bệnh viện cam kết tự chủ sẽ được vay ưu đãi

Chiều 4-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế nhằm đánh giá kết quả thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 và chỉ đạo các biện pháp tiếp tục thực hiện đề án này trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm căn bản tình trạng quá tải bệnh viện gắn với không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới. Thủ tướng lưu ý ngành không chạy theo thành tích giảm quá tải, không giảm quá tải hành chính.

Thủ tướng đề nghị trước hết Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thành xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đã được phê duyệt và bố trí vốn, trong đó có ba bệnh viện đã khởi công là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Bệnh viện Nhi TP.HCM cơ sở 2.

Thúc đẩy để sớm khởi công Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở TP.HCM. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế lên kế hoạch các bệnh viện cần xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 để Chính phủ tính toán bố trí nguồn vốn ngân sách, đồng thời có các cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư.

“Nếu chỉ chờ ngân sách thì không biết bao giờ mới xong và cũng sẽ khó có được bệnh viện chất lượng cao. Bệnh viện nào cam kết tự chủ Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi để đầu tư và cho phép điều chỉnh nhanh giá dịch vụ y tế” - Thủ tướng cam kết.

Một giải pháp mang tính quyết định được Thủ tướng nhấn mạnh là để vừa giảm quá tải bệnh viện, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới.

Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng vì mới chỉ có 38 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh.

“Tôi sẽ có chỉ thị để nhắc nhở về việc này. Đây là trách nhiệm, là yêu cầu bắt buộc. Không có lý do gì mà người dân không được tiếp cận những dịch vụ và kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao mà chúng ta đã có” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Sẽ chi trả phí khám chữa bệnh trái tuyến tại phòng khám tư

Không chi trả khám chữa bệnh trái tuyến tại các loại hình cơ sở y tế ngoài bệnh viện là vấn đề đang khiến nhiều người bệnh gặp khó, kể từ khi Luật BHYT mới bắt đầu có hiệu lực thực hiện (tháng 1-2015).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong giai đoạn VN đang thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, rất cần thu hút người dân tham gia BHYT. Việc hạn chế địa chỉ được chi trả phí khám chữa bệnh vô hình trung đã hạn chế gói quyền lợi mà người bệnh có thẻ được hưởng.

Vì vậy ngay trong tháng 3 này, Bộ Y tế sẽ hoàn tất thông tư sửa đổi một số chi tiết, trong đó cho phép chi trả khám chữa bệnh trái tuyến tại cơ sở y tế theo tuyến tương ứng, thay vì chỉ chi trả cho khám chữa bệnh tại bệnh viện như hiện nay.

 

V.V.THÀNH - L.ANH - chinhphu.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên