20/06/2015 10:02 GMT+7

Đẩy lùi nạn nói tục: bắt đầu từ gia đình

TTO
TTO

TT - Sau khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài: “Hà Nội “tuyên chiến” với nói tục” và “Đẩy lùi nạn nói tục bằng quy tắc ứng xử”, những ngày qua đã có gần 100 ý kiến của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online bàn về vấn đề này.

Học sinh Hà Nội đánh nhau ngoài đường phố - Ảnh: Minh Trí

Từ thực tế những gì đã được chứng kiến, bạn đọc Nguyên Du viết: “Ra Hà Nội ba lần, tôi chứng kiến những lời lẽ thô tục mà nghe nổi cả da gà, đặc biệt nơi các bạn nữ. Một lần tôi ngồi xe 16 chỗ, xe chạy trên con đường hẹp, phía trước có các nữ sinh mặc áo dài chạy hàng ba. Chú phụ xe ló đầu ra nói: “Bé ơi đi gọn vào”. Một trong ba nữ sinh quay lại quăng một câu: “Cái Đ., đường của mày à”. Nghe giật mình”.

Bạn đọc nickname Duc Vũ Đình bổ sung: “Ở Hà Nội, người ta nói tục thường xuyên, tự nhiên ở mọi nơi, mọi lúc (cả lúc vui, buồn, lúc bình thường và khi giận dữ). Đối với họ, nói tục như một thói quen, một cách giao tiếp, một cách hành xử trong cuộc sống, mà ai không làm như thế sẽ cảm thấy bị lạc lõng...”.

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến việc này, bạn đọc Vũ Đình viết: “Thật ra, nói tục ở Hà Nội có từ lâu lắm rồi và càng ngày càng phát triển, nhưng đáng tiếc là xã hội không có giải pháp gì. Bây giờ chính quyền Hà Nội xây dựng và triển khai quy tắc ứng xử là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự giáo dục và nêu gương của người lớn”.

Thay đổi tư tưởng trong cung cách ứng xử để giải quyết được câu chuyện về văn hóa ứng xử của cũng là ý kiến của đa số bạn đọc gửi đến TTO. Theo bạn đọc, nếu những người ở trên gương mẫu thì tự nhiên những người ở dưới sẽ tự giác làm theo, để làm gương cho con trẻ thì trước tiên người lớn phải tự giáo dục mình.

Bạn đọc Đinh Thu Hà phân tích: “Người lớn cũng nói tục thì làm sao dạy trẻ con. Và trẻ con nói tục lớn lên thành người trưởng thành nói tục. Trong gia đình bố mẹ văng tục, ngoài xã hội bạn bè, người dưng, người quen cũng nói tục thì làm sao ai dạy ai bây giờ? Chỉ khi nào nói tục thấy ngượng mồm, thấy xấu hổ với bản thân, với người nghe và giật mình sợ con nghe thấy lây nhiễm, lúc đó lòng tự trọng sẽ có và sẽ ngưng nói bậy, chửi bậy. Còn không thì khó lắm!”.

Với cùng suy nghĩ như vậy, bạn đọc nickname Phiêu Diêu kết luận: “Cái tháp cao nào cũng phải bắt đầu từ mặt đất. Hãy bắt đầu từ gia đình, nhà trường rồi xã hội để đẩy lùi nạn nói tục”.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên