20/08/2011 08:15 GMT+7

Dạy làm người hay dạy chữ trước?

H.HƯƠNG - T.GIANG
H.HƯƠNG - T.GIANG

TT - Tại hội thảo “Triết lý giáo dục VN” do Viện Khoa học giáo dục VN và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 19-8, nhiều đại biểu cho rằng cần chú trọng giáo dục “làm người” trước cho học sinh và xem đó như là định hướng, triết lý giáo dục đúng đắn...

YMIPIHze.jpgPhóng to
Triết lý giáo dục tại Trường THPT tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM): Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để hoàn thiện mình - Ảnh: Như Hùng
Dqf1T5QK.jpgPhóng to

Triết lý giáo dục Việt Nam như thế nào để phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập? Có phải giáo dục Việt Nam đang tồn tại quá nhiều bất cập vì thiếu triết lý? Tất cả những vấn đề trên đã được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo về “Triết lý giáo dục Việt Nam” do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức tại TP.HCM sáng 19-8.

Là người phát biểu đầu tiên tại hội thảo, GS Đoàn Văn Điện (Trường trung học Việt Thanh) cho biết rất tâm đắc với câu “Dạy làm người trước khi dạy chữ”, trong đó giáo viên chú tâm vào việc làm thế nào giúp thế hệ trẻ nên người, tránh khỏi những tiêu cực xã hội, giành giật các em đang bị lôi kéo vào con đường hư hỏng. Vì khi các em đã nên người rồi thì học hành rất tốt.

Lúng túng trong định hướng?

Trong khi đó, ông Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lại cho rằng: “Nhiều người thường đề cập việc phải xem lại triết lý giáo dục Việt Nam. Thậm chí có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có triết lý giáo dục. Thật ra, triết lý dạy làm người đã trở thành nền tảng sâu sắc, lâu đời trong đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam.

Vấn đề triết lý giáo dục được đề cập bức xúc vào lúc này, theo tôi, là do xuất hiện sự lúng túng trong định hướng phát triển của ngành giáo dục trước những đổi thay quá lớn của xã hội”.

Theo ông Minh, sự lúng túng này thể hiện ở ba mặt. Về mặt nhận thức, sự am hiểu về triết lý giáo dục dạy làm người đang còn nhiều giới hạn trong hệ thống quản lý của ngành (như chế độ thi cử, đánh giá; chế độ, chính sách cho giáo viên, cán bộ quản lý và công tác đào tạo sư phạm). Về tổ chức thực hiện thì chậm đổi mới.

Cơ chế tổ chức còn quá bảo thủ, nặng nề: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” nhưng cơ chế tổ chức giáo dục dạy làm người hiện nay đang bị khép kín, chưa phối hợp một cách hữu cơ, có tính luật pháp trong xã hội. Cơ chế xã hội đổi mới, hệ thống giá trị xã hội đang thay đổi rất mạnh mẽ, nhà trường không theo kịp nên lúng túng, có khi bất lực.

Về lãnh đạo điều hành, chưa có bộ máy tương xứng để thực thi triết lý giáo dục hiệu quả.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phan Thanh Bình (giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Chúng ta đang phê phán giá trị cũ nhưng đến bây giờ vẫn chưa có giá trị mới. Triết lý chính là dạy các em tự học làm người: người công dân và người trí thức.

Nhưng để thực hiện, lãnh đạo ngành phải quyết liệt, tạo điều kiện để làm cho bằng được. Tức là người làm giáo dục cần phải kiên định, đôi khi cái “lứa” chúng ta đang “nuôi” chưa ra trường đã phải thay đổi chiến lược rồi”.

Ông Huỳnh Công Minh đúc kết: “Triết lý giáo dục của chúng ta là dạy làm người, chúng ta không hiểu thấu đáo nó nên đã làm trật hướng. Để làm tốt được điều đó, chúng ta phải chăm lo cho đời sống của giáo viên trước đã”.

Khai sáng con người

Theo GS.TSKH Thái Duy Tuyên, từ ngày đổi mới, nền kinh tế xã hội của đất nước vận hành theo cơ chế thị trường nhưng với giáo dục, cơ chế bao cấp, quan liêu còn rất nặng nề. Đây là hiện tượng không hợp quy luật, là nguyên nhân sâu xa và nguồn gốc trực tiếp làm chất lượng giáo dục yếu kém.

Mục tiêu của chúng ta là đào tạo những con người phát triển toàn diện, năng động, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hồng vừa chuyên nhưng đánh giá kết quả, thành tích thi đua, khen thưởng lại dựa vào tỉ lệ lên lớp, kết quả thi tốt nghiệp, thi đại học... mà những kết quả này phần lớn chỉ dựa vào một số môn thi.

Để giải quyết các vấn đề giáo dục hiện nay, trước hết phải tập trung giải quyết các vấn đề: đổi mới tư duy về cơ chế hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với cơ chế vận hành chung của xã hội; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, thi cử để điều chỉnh kết quả giáo dục theo mục tiêu đặt ra.

Trong khi đó, TS Ngô Minh Oanh - viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) - cho rằng: “Trước khi xác định triết lý giáo dục chúng ta phải xác định được “Chuẩn con người Việt Nam thế kỷ 21” với những định hướng giá trị phù hợp.

Đấy là con người vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa có những phẩm chất đặc trưng của con người Việt Nam (yêu nước, cần cù, nhân ái), vừa có những phẩm chất của công dân quốc tế (trình độ văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp cao, lối sống, tác phong công nghiệp, có khả năng hội nhập quốc tế...).

Từ chuẩn mực đó, chúng ta xây dựng hệ thống quan điểm, định hướng cho việc tổ chức một nền giáo dục mở: đa dạng hóa loại hình trường lớp đảm bảo cho mọi công dân được học suốt đời; giao quyền chủ động cho các trường trong nhiệm vụ đào tạo, chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở định hướng chung của Nhà nước”.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nêu ý kiến: “Chúng ta đừng nên tự áp đặt cho mình tham vọng là đào tạo học sinh thành một người toàn diện. Đây là tham vọng phi thực tế và hão huyền.

Giáo dục không có phép mầu nhiệm nào để thay thế con người - chủ thể của phát triển - trong việc tự đào tạo mình suốt đời bởi quy tắc 25/75 (nhà trường chỉ cung cấp 25% hiểu biết cần thiết cho con người, 75% còn lại anh ta phải tự tìm kiếm, học hỏi trong đời sống thực tế, phải tự đào tạo”. Tuy nhiên, có một mục tiêu mà giáo dục không được xa rời, phải thực hiện cho bằng được đó là mục tiêu khai sáng con người.

Ông Hùng cho rằng: “Giáo dục phải cung cấp cả “bản đồ” và “la bàn” cho người học. Người học được khai sáng sẽ là một người chủ động, biết cách nắm lấy kiến thức, biết cách ứng xử với các tình huống trong thực tế. Đó là triết lý giáo dục mà chúng ta cần phải theo đuổi”.

Phải có chuẩn đại học

Bộ GD-ĐT nên giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường, thay đổi chính sách về thu nhập để người giảng viên toàn tâm toàn ý giảng dạy, nghiên cứu, liên kết với doanh nghiệp đào tạo - nghiên cứu - thực hành...

Read this on Tuoitrenews.vn

Tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức Việt kiều tham gia các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam... là những kiến nghị của nhiều trí thức Việt kiều tại hội nghị góp ý, hiến kế thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH-CĐ trên địa bàn TP.HCM do Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM - CLB khoa học kỹ thuật người VN ở nước ngoài tổ chức sáng 19-8.

Theo các đại biểu, việc mở rộng quy mô đào tạo trường mới quá nhanh, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được chuyên môn, thương mại hóa giáo dục... là những nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục ĐH-CĐ tại TP.HCM nói riêng và VN nói chung còn thấp và tụt hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

GS.TS Đặng Lương Mô - kiều bào Nhật, cố vấn ĐH Quốc gia TP.HCM - đưa ra một ví dụ cụ thể về chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào tạo: một doanh nghiệp tuyển dụng kế toán viên và có 17 hồ sơ dự tuyển, trong đó có một người tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên sau khi đọc xong đề thi, 13 người đã bỏ về, ba người khác bỏ về sau 30 phút. Chỉ còn người tốt nghiệp ĐH làm bài nhưng kết quả thì “khiến thầy giáo phải xấu hổ”!

Từ thực tế này, GS Mô so sánh: “Ở Nhật Bản, người ta không thấy các khái niệm ĐH tầm cỡ quốc tế, tầm cỡ khu vực - điều mà chúng ta nghe rất nhiều ở VN. Tuy nhiên, các trường ĐH của họ luôn có mặt trong các trường tốp đầu thế giới”.

Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đăng Hưng - Trường ĐH Liège (Bỉ) - khẳng định giảng viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc chứ không phải như nhiều tiến sĩ “rởm” hiện nay. Cần bãi bỏ chế độ học hàm không có chức năng giảng dạy thực thụ.

Còn TS Nguyễn Xuân Danh - kiều bào Đức - cho rằng việc bổ nhiệm giáo sư nên theo thông lệ quốc tế. Mỗi giáo sư là một tướng lĩnh đầu ngành, có trách nhiệm phát triển cả ngành khoa học.

GS.TS Đặng Lương Mô thì đề xuất: “Cần có các tiêu chuẩn tối thiểu đối với một ĐH (như Nhật Bản) để đảm bảo chất lượng ĐH về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giảng dạy. Đạt được hai tiêu chuẩn đó thì những ĐH “tầm cỡ thế giới, khu vực” sẽ “tự nhiên thành”!”.

MINH GIẢNG

H.HƯƠNG - T.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên