13/06/2022 06:30 GMT+7

'Đây là nồi cá nóc anh em tôi đánh được từ vùng biển Hoàng Sa'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - "Đây là nồi cá nóc anh em tôi đánh được từ vùng biển Hoàng Sa, rất hiếm, thơm ngon và không có độc. Ở đâu đó họ nói lệnh cấm biển chứ anh em ngư dân tụi tôi chẳng quan tâm, biển mình mình cứ đi...".

Đây là nồi cá nóc anh em tôi đánh được từ vùng biển Hoàng Sa - Ảnh 1.

Ngư dân Trần Anh khoe những con cá tươi ngon được đưa về từ ngư trường chủ quyền Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Buổi sáng rực nắng, chiếc tàu cá 700CV số hiệu QNg-95487 của những ngư dân dũng cảm vùng ngư trường chủ quyền Hoàng Sa lướt sóng trở về bến bờ Tổ quốc.

"Chuyến này đi chúng tôi thu được 7 tấn hải sản, chủ yếu là cá thu. Dù lãi chẳng bao nhiêu nhưng một lần đưa được con cá từ vùng biển của cha ông về là một lần vui" - lão ngư Trần Anh, chủ tàu QNg-95487 đứng trên khoang thuyền, nói. Dưới chân ông, cơ man cá nằm lăn lóc tươi rói chuẩn bị được đưa lên bờ cảng Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Chuyến ra biển đặc biệt

Chuyến tàu đầy ắp cá thu tươi xanh mà ông Trần Anh cùng 8 bạn biển trở về cảng Tam Quang lần này trở nên đặc biệt hơn mọi thời khắc mà họ vươn khơi. Bởi trong suốt những ngày chong đèn thâu đêm thả lưới, neo câu ngoài biển từ đầu tháng 5 là quãng thời gian mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang áp đặt lệnh cấm biển bất hợp pháp.

Tam Quang nằm ở gần Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những cảng cá lớn nhất miền Trung, chuyên tiếp nhận các tàu đánh bắt xa bờ, trong đó đa số là ngư dân chuyên đánh cá ở Hoàng Sa. 

Tháng 5 trở đi là thời khắc biển êm, những lượn sóng nhẹ dìu những con tàu lặc lè cá từ biển cả trở về. Đều đặn mỗi ngày, cảng này đón vài ba chục tàu cá của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong đó rất nhiều ngư dân nổi tiếng can trường ở Lý Sơn đưa cá từ biển cả Hoàng Sa trở về.

Từ 9h - 11h là thời khắc chộn rộn nhất khi cả một vùng trời ở hướng biển được phả những cuộn khói đen đặc. Mỗi thời khắc tàu quay mũi hướng vào cảng là một khoảnh khắc nhiều cảm xúc. Bởi vợ con, người nhà của những ngư dân thêm một lần đón chồng, cha, anh em mình trở về trong bình an và bội thu cá.

Sau hai tiếng đứng hướng dẫn anh em đưa cá từ khoang tàu lên mạn thuyền để cân đếm, ngư dân Trần Anh hơi thấm mệt. 

"Cả nửa tháng nay lênh đênh trên biển, phần lớn phải thức đêm bủa lưới câu cá lớn làm tui mất ngủ. Giờ vô tới bờ an toàn, thấy cá xếp lớp tươi rói nằm giữa khoang được đưa lên mà phấn chấn lắm. Tui phải đi ngủ một giấc lấy lại sức đã" - ông Anh nói rồi chui qua chiếc cửa vào cabin tàu. 

Ngoài khoang tàu, một chiếc cân lớn được đặt ra, cô con gái của ông là Trần Thị Kim Thê ngồi đối diện chiếc cân điện tử, cầm bút thống kê số cá được hai người đàn ông khiêng vứt lên bàn cân.

Ông Huỳnh Ngọc Vũ - tài công tàu cá Qna91944 của xã Tam Quang, huyện Núi Thành - cầm nồi cá vàng ươm, bốc khói nghi ngút rồi mời bạn đi biển. 

"Đây là nồi cá nóc anh em tôi đánh được từ vùng biển Hoàng Sa, rất hiếm, thơm ngon và không có độc. Chúng tôi cáp đông rồi đem về bờ nấu, nhậu cùng nhau để thưởng cho mình một chuyến đi biển thành công. Ở đâu đó họ nói lệnh cấm biển chứ anh em ngư dân tụi tôi chẳng quan tâm, biển mình mình cứ đi, việc mình mình cứ làm" - ông Vũ nói rồi cười khà khà.

Đây là nồi cá nóc anh em tôi đánh được từ vùng biển Hoàng Sa - Ảnh 2.

Những mẻ cá lớn được đánh bắt từ vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc - Ảnh: B.D.

Những ngư dân can trường

Ngư dân Trần Anh dẫn chúng tôi vào khoang tàu và chỉ vị trí mà tàu cá của ông cùng bạn đã quần thảo suốt gần ba tuần ngoài vùng biển Hoàng Sa để đưa được những mẻ cá tươi xanh về đất liền.

"Tàu của chúng tôi xuất phát từ đất liền hướng vùng biển Hoàng Sa. Đây là vùng biển mà nhiều đời cha ông, anh em bạn biển Quảng Ngãi chúng tôi ra kiếm cá. Vùng này nước sâu, cá thu, cá nhồng nhiều vô kể. Chúng tôi giong thuyền rồi thay nhau thức luân phiên, ai mệt quá thì được thay ca để tập trung đánh bắt. Rất may là ra tới nơi thì có luồng cá ngay từ ngày neo thuyền đầu tiên, tới giữa tháng 5 thì cá đầy khoang, tàu chuyển mũi quay về đất liền" - ông Anh nói.

"Mấy năm nay ngư dân tụi tui có ai là không biết chuyện họ cấm biển. Nhưng tụi tui ra biển vì điều đầu tiên đó là mưu sinh, là cái nghề của cha ông, tổ tiên mình truyền lại. Thứ hai là sự hiện diện của mình ở đó cũng như việc nhà mình thì mình phải giữ, có tàu thuyền ra thì chủ quyền được giữ. Còn điều cuối cùng là chúng tôi không làm gì sai, biển của Việt Nam mình thì dân có quyền đánh bắt" - một ngư dân trên con tàu của ông Trần Anh, tâm sự.

Chúng tôi ngồi cùng những ngư dân can trường vùng biển Hoàng Sa. Ngư dân Huỳnh Trương - thuyền trưởng tàu cá Qna91144 ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành - cho biết chiếc tàu của ông đã ra biển hàng chục năm. 14 anh em trên tàu đều là người trong làng, nhìn nước biết con cá to hay nhỏ, bơi ở luồng nào. Họ ra Hoàng Sa từ ngày mới lớn lên và nay không một vùng biển nào ở ngoài đó mà họ chưa từng lặn xuống, chạm tay vào.

"Chuyến này tàu của anh em tôi chỉ thu được 3 tấn cá, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, tính ra ngang bằng tiền tổn phí (dầu, ăn uống, đá lạnh...). Dù thất thu nhưng tàu cứ đổ hết cá là lại quay đầu ra Hoàng Sa, làm ăn đánh bắt thì chuyến được bù chuyến mất, đó là điều bình thường. Cái quan trọng hơn là mình không sợ, không quan tâm chuyện họ cấm biển. Nghề của mình, biển của mình thì mình cứ đi đánh bắt thôi!" - ông Trương trải lòng.

Đây là nồi cá nóc anh em tôi đánh được từ vùng biển Hoàng Sa - Ảnh 3.

Tàu đánh cá từ Hoàng Sa cập cảng Tam Quang - Ảnh: B.D.

Động viên, trợ giúp ngư dân bám biển

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa gửi công văn yêu cầu các đơn vị thông báo cho ngư dân biết việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định việc cấm này là không có giá trị. Chủ tịch tỉnh yêu cầu các đơn vị tìm giải pháp bảo vệ, hỗ trợ, hướng dẫn và động viên ngư dân bám biển sản xuất trong vùng biển của Việt Nam.

Tại Quảng Ngãi, chính quyền và các tổ chức nghề cá cũng khuyến khích ngư dân bám biển. Để những chuyến ra khơi trở về bình an, ngư dân cũng được khuyến khích tổ chức thành các đội đánh bắt cá đi theo từng nhóm, mỗi tốp chừng 10 - 30 tàu thuyền. Không chỉ giúp đỡ nhau đối phó các tình huống ngoài khơi, các ngư dân còn thông báo cho nhau các luồng cá để cùng đánh bắt.

Trong khi đó, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh miền Trung đã được yêu cầu phối hợp giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển thông qua hệ thống giám sát tàu cá bằng vệ tinh, có biện pháp cảnh báo cho tàu cá khi cần thiết.

Từng bị bắt, đòi tiền chuộc

Ngư dân Trần Anh cho biết trong đời đi Hoàng Sa của mình ông cùng bạn tàu từng một số lần bị Trung Quốc bắt tàu, đòi tiền chuộc. "Ngày 4-5-2001, tui cùng anh em đang đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa thì tàu kiểm ngư Trung Quốc áp sát. Tui bị đưa về Hải Nam (Trung Quốc). Ban đầu họ đòi 5.000 USD tiền chuộc nhưng không ai có tiền đóng, họ giam lỏng, tới 23-10 tui được họ thả về, các anh em khác thì được cho ra trước" - ông Anh nói.

"Mấy năm nay chuyện tàu ngư dân mình ra đó bị quấy nhiễu đã trở thành điều rất bình thường nhưng gần như không ai bỏ biển. Họ đuổi thì mình chạy vòng quanh, tàu Trung Quốc lớn nên xoay xở khó, mình chạy vòng quanh họ đuổi không bắt được thì thôi. Nhưng cũng có nhiều lần mình bị đuổi, anh em cho tàu chạy về hướng có tàu kiểm ngư của mình đang đợi, ngư dân luôn được kiểm ngư tìm hết cách để bảo vệ. Nói chung trong tư duy tụi tui không có cái gì gọi là sợ hãi" - ông Anh nói thêm.

Hoàng Sa, những ngày không quên Hoàng Sa, những ngày không quên

TTO - "Ngay bây giờ, tôi muốn có vài tấn rau trái sạch để sấy thăng hoa và hút chân không gửi ra Trường Sa, nhà giàn Tổ quốc. Từng là lính biển, tôi thấm thía nỗi thèm rau trái, đồ tươi của chiến sĩ ngoài ấy!".

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên