Ông Tạ Quang Ngọc |
“Sử dụng tàu vỏ thép cho nghề cá thì tính công nghiệp của nghề cá cao hơn. Nhưng đâu chỉ là con tàu, mà còn là con người |
- Sử dụng tàu vỏ thép cho nghề cá thì tính công nghiệp của nghề cá cao hơn. Nhưng đâu chỉ là con tàu, mà phải là con người. Ngư dân dùng tàu vỏ thép đi đánh cá phải khác với ngư dân dùng tàu gỗ. Phải có hai chân: lo con tàu cho dân và tổ chức các tàu đi đánh bắt như thế nào thì mới hiệu quả.
Nhưng tôi cảm nhận vế thứ hai làm chưa được: chưa lo tốt việc tổ chức sản xuất, rồi hôm nay là tàu hỏng, máy hỏng, ngày mai có thể phát sinh những chuyện khác. Luôn luôn phát sinh những vấn đề mới, muôn thuở không hết nếu cách thực hiện không bài bản, đặc biệt trong tổ chức sản xuất và khi đó thiệt hại có thể lớn hơn và nợ nhiều hơn.
* Như ông nói về câu chuyện tổ chức sản xuất của tàu vỏ thép còn rất yếu, cụ thể theo ông điểm nào cần khắc phục?
- Tàu vỏ thép là tàu to, tàu hiện đại thì cách tổ chức cho ngư dân sản xuất trên tàu phải khác.
Một trong những yếu tố dẫn đến thua lỗ của chương trình đánh bắt xa bờ trước đây là người chủ của con tàu chưa phải là chủ đích thực, giao vốn và giao tàu cho những hộ không có năng lực quản lý và khai thác.
Đại bộ phận ngư dân là sản xuất nhỏ, không thể đi lên nhanh được. Vì thế phải đi theo kiểu doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải liên kết với nhau.
Có ba loại hình cần phải nghiên cứu. Loại hình thứ nhất là từng ông một đơn chiếc, cấu kết với nhau bằng thị trường vãng lai.
Thứ hai là loại liên kết ngang cùng các điều kiện phụ trợ cộng với hạ tầng cơ sở.
Thứ ba là loại chồng lên nhau theo các chuỗi giá trị. Tất cả hợp với nhau lại thành tổ chức sản xuất trên biển, chứ không phải mấy nghiệp đoàn nằm trong công đoàn, không phải tổ giúp nhau khi bị đuổi thì chạy, khi bão đến thì tránh, khi thiếu dầu thì tương trợ lẫn nhau, khi nhiều cá thì sang mạn cho nhau.
Đó là những hình thức liên kết không có ràng buộc mang tính chất của tổ chức kinh tế. Cho nên khi có tàu vỏ thép mà không định hình được việc tổ chức sản xuất thì cũng là mạnh ai người ấy đánh (cá), khi gặp rủi ro thì tàu nhỏ rủi ro nhỏ, tàu to rủi ro to.
* Trong tình hình như vậy thì đâu là lối ra cho gần 1.000 tàu to mới hạ thủy?
- Lối ra chính là xây dựng lại hợp tác xã. Không có hợp tác xã nghề cá ở VN thì không bao giờ thành công được.
Khi liên kết với nhau theo dạng hợp tác xã, doanh nghiệp thì lúc đó mới có cơ cấu sản xuất trên biển. Nghề cá biển có ba cái vừa là thuận lợi nhưng cũng là rủi ro.
Thứ nhất là thị trường. Thứ hai là thiên tai. Thứ ba là thông tin. Ba vấn đề này nếu xâu chuỗi lại dưới hình thức hợp tác xã và nên có thí điểm ban đầu mới có thể làm hiệu quả.
* Ông có nói thời điểm này là cơ hội với nghề cá?
- Tại sao năm 2000 tàu cá lỗ nhiều như vậy? Ngoài những yếu kém đã nói, có một lý do đó là năm 1997 giá dầu là 3.200 đồng/lít nhưng tăng đột biến vào năm 2000-2001.
Giá dầu có lúc chiếm tới 60% giá thành mẻ lưới. Bây giờ giá dầu đang xuống mà chắc là từ đây đến năm 2020 không thể lên như trước đây.
Tranh thủ giai đoạn này, nếu nhà quản lý có trách nhiệm và bừng tỉnh thì hãy xem đó là một sự thuận lợi về cơ cấu giá thành để hạch toán nghề cá biển của đất nước.
Nếu tận dụng được 5 năm cơ hội cơ cấu lại thì nghề cá có cơ hội phát triển ở thời gian dài về sau, còn nếu chúng ta chịu thua hoặc thả nổi thì mãi mãi là chuyện rách đâu vá đó.
Có tàu là tốt, nhưng tổ chức sản xuất hiện nay chưa rõ, hình thức tổ chức sản xuất vẫn là mạnh tàu nào tàu ấy đi, có liên kết nhưng vai trò “bà đỡ” của Nhà nước chưa rõ và chưa tương xứng với số tiền bỏ ra đầu tư cho con tàu.
Công nghệ mới phải bắt nguồn từ cơ cấu lại sản xuất, không thể đi lên nghề cá hiện đại theo kiểu kinh tế hộ.
Vì vậy, phải thay đổi theo hướng liên kết các chủ tàu, tạo thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nghề cá, doanh nghiệp đó hoạt động trong thị trường theo chuỗi giá trị, theo khả năng khai thác và nguồn lực kinh tế, cùng hỗ trợ nhau đánh bắt, bảo quản cá, tiêu thụ sản phẩm, tránh thiên tai và các bất lợi trên biển khác.
Cái chúng ta thiếu là sự tự chủ của người dân và trách nhiệm của người quản lý. Nếu thay đổi được điều đó mới có một nghề cá hiện đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận