Ngày 25-3, sau ba ngày hai đêm đi lạc trên núi Chứa Chan ở xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc (Đồng Nai), anh thanh niên (áo đen) may mắn gặp người đi rừng dẫn xuống núi an toàn. Trước đó, hơn 100 cảnh sát phối hợp với ban quản lý khu di tích núi chia thành bốn nhóm tìm nạn nhân xuyên đêm - Ảnh: A LỘC
Anh BILL THOMAS (người Anh):
Ở Anh, trẻ 6 tuổi phải biết bơi
Câu chuyện tôi thường nghe về việc thiếu kỹ năng sống mà lâm vào vòng nguy hiểm hay rơi vào những người leo núi. Sau khi nghe những câu chuyện này, tùy trường hợp nạn nhân gặp sự cố mà lâm vào vòng nguy hiểm hay do chủ quan và thiếu kinh nghiệm mà gặp nguy hiểm thì mọi người có phản ứng khác nhau.
Khác với truyền thông và cách phản ứng của người Việt, thường thì dân nước tôi sẽ không cảm thấy tội nghiệp nạn nhân ngay lập tức mà ngược lại thường đổ lỗi cho sự thiếu cẩn trọng của họ, đặc biệt khi những người này thiếu kinh nghiệm.
Theo tôi, điều này rất quan trọng vì cho thấy rất rõ rằng việc bảo vệ bản thân và trang bị kỹ năng sống là trách nhiệm của mỗi người. Trước khi tham gia bất kỳ hoạt động nào, con người phải chủ động tìm hiểu và dung nạp cho mình những kỹ năng cần thiết.
Trên thực tế, từ việc leo núi, đạp xe đường trường, hay đi lặn đều là những môn thể thao nguy hiểm, nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt thì độ nguy hiểm được giảm thiểu đáng kể.
Gần đây, Việt Nam có vụ việc các nhà chức trách đã can thiệp, không cho phép một nhóm thanh niên đi dọn rác trên sông vì họ không đảm bảo an toàn được cho chính họ. Tôi cho rằng việc can thiệp này là cần thiết vì dù bạn có làm việc tốt vì cộng đồng mà không đảm bảo an toàn cho chính mình và các thành viên tham gia thì cũng không được phép làm.
Để người dân có được những kỹ năng sống, chính phủ cần chung tay với ngành giáo dục và cần phải biết đâu là những kỹ năng cơ bản và quan trọng để ưu tiên dạy trẻ. Ở Anh, việc đảm bảo trẻ em biết bơi là quy định của Bộ Giáo dục. Các trường học có quyền tự do quyết định khi nào bắt đầu dạy trẻ, dạy như thế nào và dạy bơi ở đâu, nhưng họ phải đảm bảo rằng một đứa trẻ 6 tuổi phải bơi được ít nhất 25m liên tục không nghỉ.
Một chương trình kỹ năng mềm khác mà chúng tôi phổ cập cho người dân là chương trình PSHE (personal, social and health education - giáo dục về cá nhân, xã hội, và sức khỏe).
Trong chương trình này, học sinh được dạy các kỹ năng cơ bản nhất để giữ cho mình an toàn, bao gồm việc làm sao qua đường an toàn, giáo dục giới tính, và hiện nay có thêm phần bảo vệ mình trên mạng Internet và mạng xã hội.
Đồng thời, các trường học có sẵn các hoạt động ngoại khóa như leo núi, cắm trại hay chèo thuyền để trẻ có được những kỹ năng cần thiết cho các môn thể thao này.
Anh LU LING KAI (người Đài Loan):
Một người bất cẩn, nhiều người tốn công sức
Gần đây ở Đài Loan có một người đi leo núi một mình và bị mắc kẹt giữa núi, mất phương hướng, phải gọi các nhà chức trách đến hỗ trợ giải cứu. Trực thăng cùng rất nhiều người cứu hộ đã phải bỏ không ít công sức để giải cứu anh này.
Lẽ tất nhiên, dù chỉ là một mạng sống, đội cứu hộ và các nhà chức trách vẫn phải cố gắng hết sức bất kể chi phí. Chỉ vì sự bất cẩn và liều lĩnh của một cá nhân mà bao nhiêu con người đã phải tốn thời gian, công sức, thậm chí cả đánh cược với mạng sống của mình để cứu người này.
Nói về kỹ năng sống, tôi nghĩ cũng cần dạy trẻ con và lưu ý người lớn về kỹ năng sinh tồn trong thế giới hiện đại. Thí dụ, cần phải dạy cho trẻ và người lớn tuổi biết các thủ thuật lừa đảo phổ biến trên các trang mạng. Con người cần phải hiểu rõ về tính bảo mật thông tin cá nhân và vấn đề bảo mật số thẻ ngân hàng; những thông tin cá nhân nào không được cung cấp cho các công ty trên mạng; không làm quen, kết thân với người lạ trên mạng xã hội...
Những kỹ năng và nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng cần được dạy cho trẻ ngay khi trẻ bắt đầu có ý thức, tức khoảng 2-3 tuổi. Chính vì vậy mà những kỹ năng này ở Đài Loan thường được phụ huynh dạy cho trẻ.
Khi trẻ đã lớn, phụ huynh nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là trại hè với sự kiểm soát của thầy cô, vì đây sẽ là cơ hội để trẻ được sống tập thể, học và luyện tập những kỹ năng cần thiết để có thể xoay xở trong tự nhiên.
Đến khách sạn, phải xem thang bộ ở đâu...
Tôi được biết đến các quy định về an toàn khi trúng tuyển vào vị trí cán bộ dự án của một tổ chức phi chính phủ quốc tế. Thủ tục hướng dẫn cho nhân viên mới có nội dung về đảm bảo an toàn khi đi công tác cho tổ chức. Cơ quan yêu cầu tôi phải học và thi đậu bài kiểm tra trực tuyến về an toàn. Chừng nào chưa có chứng nhận này nộp cho phòng nhân sự, tôi không được phép đi công tác nước ngoài.
Phải nói bài học đó ấn tượng đến nỗi tôi còn ghi nhớ mãi. Đầu tiên là trong một chuyến công tác đông người, nhân viên của tổ chức không được đăng ký bay cùng một chuyến bay mà phải chia thành nhiều tốp, đi nhiều chuyến bay khác nhau. Điều này phòng khi có tai nạn máy bay, thiệt hại nhân sự cho tổ chức sẽ được giảm bớt.
Khi nhận phòng khách sạn, không đi thẳng đến thang máy mà phải tìm hiểu ngay cầu thang bộ ở đâu. Vào phòng phải nhấc điện thoại lên nghe xem có tín hiệu không (để khi cần gọi lễ tân thì điện thoại sẵn sàng). Phải kiểm tra lối thoát hiểm nằm ở phía nào của căn phòng khi mở cửa ra, đếm số bước chân và thời gian đi đến đó để trong trường hợp hỏa hoạn khói lửa mù mịt, bạn vẫn có thể đến được lối thoát hiểm.
Khi bị cướp bóc, không tìm cách chống cự lại yêu cầu của bọn cướp, làm theo những gì cướp hoặc khủng bố yêu cầu để đảm bảo tính mạng của mình được an toàn...
Bài kiểm tra làm tôi cảm thấy rất tin tưởng và có niềm tin vào công ty vì có ấn tượng rất mạnh rằng công ty coi sự an toàn của người lao động là trên hết.
XUÂN MINH
Anh Michale (giáo viên, người Pháp):
Chuẩn bị kỹ, đi theo nhóm
Chuyến đi bộ đường dài gần nhất của tôi là từ Tà Năng đến Phan Dũng với một người bạn trong hai ngày. Đây được cho là một khu vực khá nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn không có người dẫn đường. Nhưng người đồng hành với tôi từng đi cung đường này. Chúng tôi có hai điện thoại với bản đồ ngoại tuyến, có đủ thức ăn, võng, nước và bình lọc để có thể lọc nước suối khi cần...
Để không xảy ra tai nạn nguy hiểm, đầu tiên mọi người phải tôn trọng các quy tắc an toàn. Ở châu Âu, có những khu vực cấm nhưng nhiều người vẫn cố tình đi trượt tuyết hoặc leo núi ở đó.
Thứ hai là phải luôn theo dõi tình hình thời tiết trước khi đi. Nếu có nguy cơ bão lớn ở điểm đến, tốt hơn hết bạn nên hủy chuyến đi. Thứ ba, khi đến những nơi hẻo lánh và hoang vắng, cần chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết như quần áo ấm, lều, máy định vị GPS, điện thoại với pin sạc dự phòng, nước, thức ăn và bình lọc nước vì có thể bạn phải cần đến khi hết nước mang theo.
Tôi nghĩ đi bộ đường dài một mình khá nguy hiểm. Nếu có thể hãy đi cùng một nhóm, với một người am hiểu địa hình hoặc người dẫn đường.
Ông L. Dennis Woolbright (người Mỹ):
Dạy kỹ năng cơ bản càng sớm càng tốt
Tôi luôn ngạc nhiên là ở Việt Nam có rất nhiều sông ngòi, kênh rạch, nhưng lại có quá nhiều trẻ em chưa bao giờ được học bơi!
Ở Mỹ có một tổ chức hướng đạo sinh tên là Boy Scouts of America, nơi mà các thành viên được học kỹ năng sinh tồn, tham dự những chuyến đi bộ đường dài và cắm trại.
Ở trường, học sinh được dạy CPR (hồi sức tim phổi cho người bị ngạt thở). Ngoài ra, các gia đình cũng thường đi cắm trại, đi săn và câu cá cùng nhau, qua đó củng cố thêm các kỹ năng sống.
Ở Mỹ, cảnh sát và lính cứu hỏa thường xuyên nói chuyện với trẻ em về việc nên làm gì trong các tình huống khẩn cấp. Chúng tôi cũng dạy trẻ biết gọi những số điện thoại khẩn cấp như cảnh sát, lính cứu hỏa.
Theo tôi, trẻ con nên được dạy các kỹ năng cơ bản như chạy, bơi và tự vệ càng sớm càng tốt. Người Nhật thường bắt đầu dạy bơi và tự vệ cho trẻ con từ 3 tuổi.
Anh AHMAD BASSIM (người Palestine, sinh viên):
Cẩn thận trước những quyết định
Ở nước tôi, các bạn trẻ bắt đầu chú ý những kỹ năng sống và đảm bảo an toàn một cách nghiêm túc ở giai đoạn 16-18 tuổi. Các kiến thức này bao gồm đọc hiểu và thực hành các hướng dẫn an toàn, học kỹ năng sơ cứu và chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Ở Palestine, trẻ em trưởng thành sớm trong nhận thức về sự an toàn. Nền văn hóa của chúng tôi dạy người trẻ phải mạnh mẽ và biết đối đầu với khó khăn thách thức khi còn nhỏ. Tôi sống ở nước ngoài từ khi 17 tuổi. Khi sống ở nước ngoài, ý thức về sự an toàn của tôi là vấn đề được đặt yêu cầu cao hơn. Tôi đã tìm hiểu về đất nước và nơi mình sống (con người, văn hóa, ngôn ngữ...), luôn cẩn thận trước những quyết định của mình, đặc biệt tránh xa chuyện nhậu nhẹt hay sử dụng ma túy...
H.VÂN - N.ĐÔNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận