Dạy kinh tế trong trường phổ thông: Trọng kiến thức hay kỹ năng?

XÊ NHO 25/05/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Chương trình môn giáo dục kinh tế và pháp luật đặt ra những nỗi lo mới. Gọi là “kinh tế” nhưng chương trình dường như không tìm cách dạy các khái niệm kinh tế cơ bản làm nền tảng xây dựng các kỹ năng cho học sinh.

 
 Một số trang sách trong cuốn Giáo dục kinh tế và pháp luật, bộ Chân trời sáng tạo, bản “Sách đọc góp ý” đăng trên trang web chantroisangtao.vn

 

Khi được biết môn giáo dục công dân ở cấp trung học phổ thông được đổi thành môn giáo dục kinh tế và pháp luật theo chương trình phổ thông mới, tôi thật sự mừng cho các em vì nay không còn phải học những nội dung quá sức, quá tầm hiểu biết của mình.

Ví dụ, trong môn giáo dục công dân lớp 10 có dạy các khái niệm như “phủ định biện chứng và phủ định siêu hình”, trong đó “phủ định siêu hình” được định nghĩa “là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, cản trở hoặc xóa bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật”. Làm sao một em học sinh mới 15 tuổi hiểu được cái khái niệm này? Đổi sang dạy kinh tế bắt đầu từ lớp 10 năm học tới là hoàn toàn đúng đắn.

Khái niệm, khái niệm và khái niệm

Tuy nhiên, chương trình môn giáo dục kinh tế và pháp luật lại đặt ra những nỗi lo mới. Gọi là “kinh tế” nhưng chương trình dường như không tìm cách dạy các khái niệm kinh tế cơ bản làm nền tảng xây dựng các kỹ năng cho học sinh mà muốn giới thiệu về các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách chung chung. 

Như trong lớp 10, chương trình đặt ra yêu cầu cần đạt là “nêu được vai trò của các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội”, “nhận biết được vai trò của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế”…

Tôi thật sự không hiểu vì sao chương trình môn kinh tế lớp 10 yêu cầu “nêu được khái niệm thị trường, cơ chế thị trường”, “liệt kê được các loại thị trường và chức năng của thị trường”… Để làm gì với việc kể tên các loại thị trường như thế, như thị trường trong nước, thị trường thế giới, thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường tư liệu sản xuất…? 

Nói về cơ chế thị trường mà trước đó không dạy cho các em về cung cầu, về cạnh tranh làm khái niệm nền tảng thì liệu có ích gì khi mở đầu: “Cơ chế thị trường tự phát sinh, tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường. Ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hóa, ở đó có cơ chế thị trường hoạt động”.

Có thể khái quát rằng dạy môn kinh tế ở nước ta chỉ dừng lại ở khái niệm và xem các khái niệm này là kiến thức cần truyền đạt cho các em. Nếu có vận dụng thì cũng rất gượng ép vì thiếu công cụ, mặc dù ưu điểm của sách là đưa ra rất nhiều minh họa từ cuộc sống. 

Ở nhiều nền giáo dục khác, người ta cũng dạy khái niệm. Nhưng khác biệt lớn ở chỗ: từ các khái niệm này, họ biến chúng thành công cụ để giúp học sinh có được kỹ năng đưa ra các quyết định kinh tế đúng đắn.

Chẳng hạn, có sách giáo khoa giới thiệu sự khác nhau giữa hai khái niệm “lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh” để từ đó giúp học sinh hiểu vì sao Mỹ không sản xuất chiếc iPhone ngay tại Mỹ mà chuyển sang Trung Quốc hay Ấn Độ gia công; vì sao Việt Nam là nước trồng điều lại đi nhập hạt điều thô về chế biến để xuất khẩu... 

Sách giáo khoa ở nước ta, hãy lấy một ví dụ ngẫu nhiên, sẽ liệt kê đầy đủ vai trò của sản xuất kinh doanh (cung cấp các sản phẩm đầu vào cho quá trình sản xuất, cung cấp các hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế). 

Khoan bàn chuyện đúng sai, hãy tự đặt câu hỏi học sinh học xong nội dung này rồi làm gì nữa, nó có đi theo các em suốt cuộc đời được không?

Hiện nay đã có thể đọc sách giáo khoa môn giáo dục kinh tế và pháp luật của nhóm Chân trời sáng tạo biên soạn, Nhà xuất bản Giáo Dục in ấn và phát hành. Phần kinh tế bao gồm các chủ đề: Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế, Thị trường và cơ chế thị trường, Ngân sách nhà nước và thuế, Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh, Tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng, Lập kế hoạch tài chính cá nhân.

??

 

"Em hãy vẽ sơ đồ tư duy về chức năng của thị trường"

Nhìn chung, sách có nhiều ưu điểm nhưng vì phải bám sát chương trình nên nội dung mang tính chung chung chứ không giới thiệu các khái niệm cơ bản của kinh tế học như sách giáo khoa nước ngoài. 

Chẳng hạn trong bài học đầu tiên “Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế”, sách đưa ra 5 bức tranh vẽ cảnh nuôi cá, một gian hàng thủy sản, đầu bếp đang nấu ăn, các công nhân may mặc đang may quần áo và hình một cửa hàng quần áo. Sau đó, sách yêu cầu “nêu các hoạt động kinh tế được mô tả trong tranh và chia sẻ hiểu biết của em về các hoạt động kinh tế đó”. Không hiểu cái gì sẽ đọng lại sau tiết học với yêu cầu như thế? Các em là học sinh lớp 10, chứ đâu phải học sinh tiểu học.

Ngược lại, sách có nhiều chỗ cố ý làm phức tạp hóa. Các bạn thử đọc một đoạn trong sách về phân phối: “Phân phối là hoạt động phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành, các đơn vị sản xuất và phân chia sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Trao đổi là hoạt động nhà sản xuất đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng”. 

Tôi không hiểu vì sao lại giới thiệu cho học sinh những định nghĩa quá khó khăn, quá khác với các định nghĩa thông thường đến thế? Nên nhớ ở đây sách đang nói đến chuỗi hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng chứ không phải phân phối theo nghĩa phân bổ nguồn lực. Sách cũng có những yêu cầu rất mơ hồ kiểu đó, như “Em hãy vẽ sơ đồ tư duy về chức năng của thị trường”!

Ở chủ đề phải nói là được kỳ vọng có ích cho học sinh nhất là “lập kế hoạch tài chính cá nhân”, học sinh cũng sẽ chỉ được học về khái niệm, tầm quan trọng và các loại kế hoạch tài chính cá nhân, tức cũng chung chung theo kiểu từ chương, liệt kê kiến thức. Mở đầu bài là trò chơi: Em hãy thực hiện trò chơi “Chiếc hộp thông minh” theo yêu cầu: chia 1.000.000 đồng vào bốn chiếc hộp - gồm nhu cầu cá nhân, tiết kiệm, dự phòng và đầu tư sinh lời - sao cho hợp lý nhất. Có lẽ cả bài học xoay quanh chuyện chia như thế, được hiểu là lập kế hoạch tài chính cá nhân. 

Chính vì chung chung như vậy, nên đến phần “Vận dụng”, sách yêu cầu: Em hãy thiết kế câu khẩu hiệu tuyên truyền về việc kiểm soát tài chính cá nhân và sử dụng kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả! Học xong một bài quan trọng mà chỉ để vận dụng vào việc viết một câu khẩu hiệu thì uổng phí thời gian quá.

Hãy xem sách giáo khoa môn kinh tế ở nước ngoài dạy gì khi nói đến tài chính cá nhân! Cách tiếp cận của từng cuốn rất khác nhau, có cuốn bắt đầu bằng việc dạy học sinh cách mở tài khoản ngân hàng, sách cũ thì bày tiếp cách viết ngân phiếu, sách mới bày cài ứng dụng ngân hàng thông minh. 

Có cuốn nói về các cách tiết kiệm và đầu tư nhưng không nói chung chung kiểu viết khẩu hiệu tuyên truyền mà giới thiệu ngay khái niệm lãi đơn, lãi kép bằng những ví dụ rất ấn tượng với học sinh về sức mạnh của lãi kép khi tiết kiệm. 

Về đầu tư cũng vậy, họ sẽ nói sơ qua các công cụ đầu tư như mở tài khoản tiết kiệm, mua trái phiếu, mua cổ phiếu hay đầu tư vào các quỹ… Dĩ nhiên họ không bàn sâu nhưng sẽ nhấn mạnh đến sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro - lợi nhuận cao thì rủi ro cao theo - để học sinh khỏi bị cuốn vào các câu chuyện lừa đảo đầu tư.

Một số trang sách trong cuốn Giáo dục kinh tế và pháp luật, bộ Chân trời sáng tạo, bản “Sách đọc góp ý” đăng trên trang web chantroisangtao.vn

 

Trước chủ đề tài chính cá nhân, học sinh cuốn giáo dục kinh tế và pháp luật cũng được học về tín dụng nhưng hoàn toàn không có sự kết nối, dùng kiến thức và kỹ năng của bài trước áp dụng vào bài sau. Lẽ ra học sinh đã được biết về chuyện vay ngân hàng, lãi đơn lãi kép, mua trả góp qua thẻ tín dụng… để đến bài này áp dụng nó vào chuyện quản lý tài chính cá nhân.

Tôi cứ ước gì trong một xã hội ngày càng ít dùng tiền mặt như hiện nay, học sinh sẽ được học về các ứng dụng trên máy tính hay điện thoại di động giúp quản lý chi tiêu, cách bảo vệ tiền trong tài khoản, cách tính toán để biết chi phí thật sự của một lời mời mua trước trả sau… Ước mơ đó không được thực hiện trong cuốn sách giáo khoa này, vì sách chỉ biểu các em “sưu tầm một số quy tắc hoặc công cụ hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả”. Không rõ các em sẽ sưu tầm ở đâu? 

Học kinh tế là học về tình yêu, hôn nhân, gia đình?

Bên cạnh các môn lựa chọn, học sinh còn phải chọn thêm các chuyên đề học tập, xem như một cách hỗ trợ yêu cầu chuyên sâu một số môn nhất định. Vì thế, ngoài sách giáo khoa môn giáo dục kinh tế và pháp luật còn có chuyên đề học tập giáo dục kinh tế và pháp luật - một dạng như môn kinh tế và pháp luật nâng cao, dành cho em nào sau này muốn đi sâu hơn vào hai ngành này.

Thế nhưng chuyên đề học tập giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10 lại có ba chuyên đề, trong đó chuyên đề đầu tiên là về “tình yêu, hôn nhân và gia đình” - thiệt tình không dính líu gì đến kinh tế cả. Học sinh sẽ được học thế nào là tình yêu chân chính và một số điều cần tránh trong tình yêu. Chẳng hạn, sách của nhóm Chân trời sáng tạo mở đầu bằng cách yêu cầu các em nghe bài hát Yêu là “tha thu” của nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện rồi cho biết “Tình yêu của chàng trai và cô gái trong bài hát đã trải qua những giai đoạn nào? Chàng trai và cô gái đã làm gì để vun đắp cho tình yêu của mình?”.

Với học sinh, bàn chuyện yêu là hấp dẫn rồi, nhưng vấn đề liệu đây có phải là nội dung của môn kinh tế hay pháp luật chăng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận