16/03/2018 09:30 GMT+7

Dạy khoan dung từ nhà trường: nào cùng thắp lên những que diêm!

NGUYỄN THỊ MAI LOAN
NGUYỄN THỊ MAI LOAN

TTO - Trăn trở với câu hỏi "Chúng ta cần xây dựng văn hóa bao dung, nhưng phải làm gì để gieo hạt giống khoan dung trong gia đình, nhà trường và xã hội?", hai giáo viên dưới đây đã chia sẻ câu chuyện dạy khoan dung trong nhà trường.

Dạy khoan dung từ nhà trường: nào cùng thắp lên những que diêm! - Ảnh 1.

Một tiết học môn giáo dục công dân của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong tiết dạy văn của mình, tôi đưa ra đề tài thảo luận: "Ba mẹ, thầy cô có sai, có phạm lỗi hay không?". Bất ngờ là với đề tài tôi nghĩ khó chia sẻ này lại được các học sinh lớp 8 của tôi hào hứng thảo luận.

Nhiều em đã chia sẻ chuyện nhà của mình, trong đó có nhiều nỗi giận hờn với ba mẹ. Một em tâm sự: "Ba con quá đáng lắm cô. Hôm trước cô cho đề thuyết minh về danh lam thắng cảnh, con lên mạng tìm tư liệu nhưng ba con vừa thấy là đã la con đi học về cứ ôm cái điện thoại. Con có nói con đang làm bài văn nhưng ba la to hơn: "Đừng qua mặt ba, làm văn có liên quan gì đến cái điện thoại!"".

Có em học sinh kể: "Con thích trang trí bài viết trên giấy màu và vẽ tranh. Con xin tiền mua, mẹ la và nói sẽ gọi cho ban giám hiệu hỏi thử, trường lớp gì toàn đẻ ra mấy trò tốn tiền". Một học sinh khác nói như thì thào: "Con giận mẹ con lắm. Con để dành tiền lì xì mua hình diễn viên thần tượng nhưng mẹ con cứ đòi xé hình vì cho rằng con làm chuyện tốn tiền vô ích...".

“Mong cộng đồng chúng ta hãy bớt chê bai, chỉ trích. Mỗi người trong từng vị trí sống của mình tạo ra những điều tốt đẹp. Đó sẽ là những que diêm được nhẹ nhàng thắp lên và ánh sáng của yêu thương, bao dung sẽ dần dần lan tỏa.

Nguyễn Thị Mai Loan

Các học sinh khẳng định ba mẹ đã sai khi không thật sự tìm hiểu, lắng nghe và đồng cảm với con. Các em cũng nói ba mẹ cứ luôn cho rằng mình đã cực khổ vì con, mình hiểu biết hơn con và ba mẹ luôn đúng...

Khi cơn sóng lòng của các em lắng lại, tôi chia sẻ với các em về chuyện tôi cũng như ba mẹ các em, cứ luôn lo lắng con mình còn nhỏ dễ phạm sai lầm nên tôi cũng cấm đoán con nhiều thứ, theo dõi cả Facebook của con... 

Nhưng rồi tôi thấy cách làm đó chỉ đem lại ức chế trong gia đình nên thay đổi bằng cách làm bạn với con, lắng nghe con chia sẻ suy nghĩ của mình... Tôi cũng nói với các em là thử trao đổi với ba mẹ khi gặp trường hợp tương tự, kiểu như: "Mẹ thử một lần là con đi...". 

Sau chia sẻ, tôi hỏi: "Vậy các con có còn buồn, còn giận ba mẹ những chuyện như vậy không?". Hơn 80% học sinh trả lời là sau khi nghe cô phân tích, tụi con sẽ bỏ qua, sẽ cố gắng không buồn. Ngay cả em học sinh nói giận mẹ cũng tha thiết: "Con quyết định tha thứ cho mẹ con".

Tôi nghĩ trẻ em như tờ giấy. Ta vẽ lên đó bức hình đẹp, con yêu thích. Ta nói và làm điều hay, con làm theo. Cha mẹ, thầy cô nếu thực sự lắng nghe, con sẽ bộc bạch và sẽ nghe những phân tích đúng lý tình của người lớn. 

Chúng ta nên dạy con về lòng khoan dung, tha thứ bằng chính cách hành xử thực tế hằng ngày. Dạy con yêu thương, ta cũng yêu thương và bao dung với con và người khác, con sẽ nhìn theo để bước tới con đường sáng.

Kết thúc 2 tiết thảo luận, nhìn tà áo trắng hồn nhiên ùa ra phố, tôi ước mong và tin là sẽ thực hiện được: Sẽ bắt đầu mỗi buổi lên lớp với nụ cười tươi, kể một câu chuyện gương sống đẹp để tạo cho các học sinh của mình không gian trong lành của lòng khoan dung và thân thiện.

Nên người nhờ lòng khoan dung

Tôi nhớ khoảng 25 năm trước, giữa học kỳ I, thầy hiệu trưởng dắt vào lớp tôi một học sinh nam (lớp 5) và bảo đây là một học sinh mới chuyển từ trường khác đến.

Ngay buổi học đầu tiên, tôi đã biết em tên K., lớn hơn các bạn trong lớp đến 3 tuổi vì đi học trễ, ở lại lớp, nghỉ học và em đã mất căn bản kiến thức trầm trọng. Những ngày tiếp theo, em lộ ra không biết bao nhiêu tính xấu: không học bài, không làm bài, trốn học, giả chữ ký phụ huynh... và hút thuốc lá trong nhà vệ sinh.

Trao đổi nhiều với em, tôi phát hiện ra K. bị trường cũ cho thôi học vì nghỉ học quá nhiều, chứ không phải chuyển trường như thầy hiệu trưởng nói. Tôi đến gặp thầy hiệu trưởng, kể hết thói hư tật xấu của K.. Đợi tôi bình tĩnh, thầy nói nếu tôi dứt khoát không nhận dạy K. thì thầy sẽ trả hồ sơ cho gia đình.

Tôi đề nghị gặp phụ huynh của em. Mẹ em đến. Chị kể ba của K. đã bỏ hai mẹ con khi K. chưa vào lớp 1. Chị ở nhà thuê, đi làm mướn hết nơi này đến nơi khác, không có thời gian nhiều để chăm sóc dạy dỗ con.

Chị nói trong nước mắt: "Trường học là nơi tốt nhất để dạy cháu nên người. Bây giờ không thầy cô, trường lớp nào nhận thì tương lai cháu sẽ ra sao?".

Vậy là tôi bắt đầu vào "cuộc chiến" dạy dỗ K., với yêu cầu mẹ em dù bận rộn, mệt mỏi vẫn phải lưu tâm đến con và liên hệ thường xuyên với nhà trường.

Tôi làm một quyển sổ liên lạc, mỗi ngày em có đến lớp tôi ký tên và sau đó em đem về cho mẹ ký tên để biết những bài em cần học, cần làm ở nhà. Tôi phân công các bạn gần nhà đến rủ K. đi học mỗi ngày.

Hôm nào K. không đến trường cùng bạn là tôi phải đi tìm em ở các tiệm bida, banh bàn... và cả quán cà phê vỉa hè để đưa em về lớp. Tôi cũng dạy riêng em và phân công các bạn học giỏi trong lớp giúp em để bổ sung những kiến thức mà em hụt hẫng...

Tôi cứ miệt mài với K. như thế và em tiến bộ dần. Cuối năm học ấy, em đã đậu vào lớp 6. Hiện giờ, tôi được biết K. đã có vợ con và việc làm ổn định.

Tôi chợt nghĩ, nếu lúc ấy mẹ em tức giận vì có đứa con hư nên bỏ mặc em, thầy hiệu trưởng không nhận em vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường và tôi từ chối dạy em thì tương lai em ra sao? Chính lòng bao dung, độ lượng của mẹ em, của thầy hiệu trưởng đã lan tỏa đến tôi mà giờ đây em đã nên người.

LÊ PHƯƠNG TRÍ

NGUYỄN THỊ MAI LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên