Ảnh minh họa. Nguồn: thehealthsite.com
Bạn thường xuyên bị đầy hơi? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầy hơi, từ những nguyên nhân lành tính như việc không dung nạp lactose cho đến những nguyên nhân nguy hiểm hơn như ung thư.
Nhưng, làm thế nào để biết được tình trạng đầy hơi của bạn chỉ là một điều phiền toái nhỏ hay đó là dấu hiệu của một vấn đề đáng lo ngại hơn?
Dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng
Sụt cân là một trong những dấu hiệu chính của việc đầy hơi nghiêm trọng. Nếu bạn thấy mình bị sụt cân mà không phải là do thay đổi chế độ ăn hoặc do luyện tập, đó có thể là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là khi bạn sụt nhiều hơn 10% cân nặng của bạn. Sụt cân có thể gây ra do các khối u đè nén lên ruột và làm bạn cảm thấy no dù mới chỉ ăn một chút thức ăn hoặc do các chất tiết ra từ khối u đã ức chế cảm giác thèm ăn của bạn.
Cổ trướng là sự hình thành dịch bất thường ở bụng hoặc ở vùng chậu và tình trạng này có thể gây ra chướng bụng, đầy hơi, tăng cân và tăng số đo vòng 2 một cách nhanh chóng. Cổ trướng thường có nguyên nhân là do các bệnh về gan nhưng ung thư là nguyên nhân của khoảng 10% số trường hợp cổ trướng. Một lượng lớn dịch tích tụ có thể làm bạn trông như người mang thai vài tháng. Sự phối hợp giữa đầy hơi chướng bụng và vàng da, có thể là dấu hiệu của ung thư lan đến gan, mặc dù tình trạng này cũng có thể là một dạng lành tính của viêm gan.
Đau bụng dữ dội và đầy hơi xảy ra một cách bất ngờ và nếu kèm theo buồn nôn và nôn mửa thì đó có thể là dấu hiệu của tắc ruột do các mô sẹo hoặc do các khối u chèn ép thành ruột. Trong các trường hợp này, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay để tránh các biến chứng như thủng ruột và có thể dẫn đến tử vong.
Tắc ruột có thể gây đau dữ dội vì vùng ruột ở phía trên vị trí tắc nghẽn bị kéo dãn ra và chứa đầy thức ăn và dịch tiêu hóa. Cơn đau có thể rất dữ dội và xảy ra theo từng đợt nhất là khi ruột co bóp và cố tống thức ăn qua vùng bị tắc.
Có máu trong phân hoặc chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo sau khi đã mãn kinh có thể có liên quan đến tình trạng đầy hơi nặng. Tình trạng này thường không nghiêm trọng nếu đó là do bệnh trĩ, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, u xơ tử cung, teo nội mạc tử cung.
Nhưng tình trạng chảy máu nên được theo dõi cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu của ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng và ung thư tử cung.
Sốt đi kèm với đầy hơi chướng bụng thường có nguyên nhân là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm. Cần có thêm các xét nghiệm cần thiết để loại trừ các nguyên nhân nhiễm trùng ở vùng chậu, hệ tiết niệu hoặc tiêu hóa.
9 nguyên nhân của tình trạng đầy hơi nặng bạn nên biết
1. Ung thư buồng trứng
Đây không phải là nguyên nhân phổ biến nhất nhưng lại là nguyên nhân nguy hiểm nhất. Tuy ung thư buồng trứng chỉ là loại ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ, nhưng nó gây ra nhiều trường hợp tử vong hơn bất cứ loại ung thư nào ở cơ quan sinh sản, đặc biệt là ở phụ nữ trên 50 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm chưa bao giờ có con hoặc sinh con muộn, béo phì, tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng, một số bất thường về gen và điều trị thay thế hormone trong thời gian dài.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm đầy hơi chướng bụng kéo dài, cảm thấy no nhanh hơn và đau ở vùng chậu.
Nên làm gì?
Kiểm tra vùng chậu kỹ lưỡng hoặc siêu âm thông qua âm đạo là cách tốt nhất để chẩn đoán ung thư buồng trứng. Xét nghiệm máu CA- 125 không phải là test sàng lọc lý tưởng nhưng có thể giúp ích để trong quá trình điều trị sau chẩn đoán.
2. Ung thư tử cung
Ngoài việc bị đầy hơi, ung thư tử cung còn gây ra tình trạng chảy máu âm đạo bất thường, chảy dịch bất thường ở âm đạo, đau vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu.
Nhưng điều quan trọng mà bạn nên biết là, đôi khi, đầy hơi chướng bụng hoặc thay đổi về các thói quen đường ruột (bị táo bón) có thể là dấu hiệu duy nhất của ung thư tử cung. Các yếu tố nguy cơ quan trọng bao gồm sử dụng tamoxifen, uống viên uống estrogen không chứa progesteron, xạ trị, tiền sử gia đình bị ung thư tử cung hoặc tiền sử gia đình bị mắc một loại ung thư đại trực tràng di truyền tên là hội chứng Lynch.
Nên làm gì?
Sự phối hợp của các triệu chứng trên, đặc biệt là khi bạn có tiền sử gia đình hoặc có thêm các yếu tố nguy cơ, có thể đưa đến một chẩn đoán nghiêm trọng như ung thư tử cung. Để đưa ra được chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần tiến hành kiểm tra vùng chậu và làm các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ. Tuy đây là một loại ung thư nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện sớm, thì bệnh hoàn toàn có thể được điều trị và chữa khỏi.
3. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng có thể làm tắc nghẽn ruột, gây ra tình trạng đầy hơi nghiêm trọng. Nếu vùng bị ung thư nằm ở phần cuối đại tràng (như nằm ở đại tràng sigma và trực tràng), bạn sẽ thường xuyên bị chảy máu và táo bón ngày càng nặng. Với các tình trạng ung thư ở khu vực cao hơn, đầy hơi chướng bụng có thể là dấu hiệu duy nhất. Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân phổ biến đứng hàng thứ 2 trong việc gây ra các trường hợp tử vong ở những người không hút thuốc tại Mỹ.
Nên làm gì?
Ung thư đại trực tràng có thể phòng tránh được bằng việc thay đổi lối sống và thường xuyên soi đại tràng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi chuyển sang chế độ ăn có nguồn gốc thực vật và giàu dinh dưỡng, nguy cơ ung thư đại trực tràng sẽ chỉ còn một nửa. Nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ cao mắc các triệu chứng này, bạn nên đi soi đại tràng.
4. Ung thư tụy
Ung thư tụy khá nguy hiểm vì tỷ lệ sống rất thấp. Đầy hơi chướng bụng kết hợp với vàng da, sụt cân, mất cảm giác thèm ăn và đau phần trên bụng, lan ra sau lưng là các dấu hiệu đáng lo ngại của ung thư tụy. Bệnh tiểu đường mới xuất hiện, cùng với đầy hơi chướng bụng, sụt cân và đau bụng, cũng có thể là dấu hiệu của ung thư tụy.
Nên làm gì?
Ung thư tụy không phải là nguyên nhân phổ biến gây đầy hơi. Nhưng nếu bạn mắc loại ung thư này, chẩn đoán sớm là chìa khóa để đảm bảo một kết quả điều trị tốt. Nếu bạn có các triệu chứng trên, bạn nên đi khám ngay để được lượng giá kịp thời.
5. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường không có triệu chứng sớm hoặc ít khi gây ra các triệu chứng như đầy hơi chướng bụng, khó tiêu và cảm giác no ở vùng bụng trên. Cũng như ung thư tụy, ung thư dạ dày chỉ được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn sau, và thường gây ra các triệu chứng như sụt cân, buồn nôn và đau bụng.
Nên làm gì?
Nhiễm vi khuẩn H.Pylori là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến ung thư dạ dày. Do vậy, nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ ung thư dạ dày, bạn nên kiểm tra vi khuẩn H.Pylori. Nitrat và nitrit có trong thịt hun khói và thịt chế biến sẵn cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày. Ở một số ít trường hợp, ung thư dạ dày là do gen.
6. Bệnh về gan
Các bệnh về gan thường là lành tính. Nhưng các tình trạng ung thư của các cơ quan khác có thể sẽ di căn đến gan. Khi các tế bào ung thư xâm nhập vào dòng máu, chúng thậm chí sẽ được lọc qua gan. Đầy hơi chướng bụng đi kèm với cổ trướng và vàng da có thể là dấu hiệu của ung thư di căn đến gan hoặc ung thư gan ở những người có tiền sử viêm gan hoặc uống nhiều rượu bia.
Nên làm gì?
Nếu bạn nghĩ rằng mình mắc các bệnh về gan, hãy đi khám ngay lập tức, tiền hành siêu âm gan và ổ bụng, xét nghiệm máu để lượng giá chức năng gan.
Một số bệnh về gan có thể sẽ được điều trị bằng việc thay đổi chế độ ăn: Ăn nhiều rau có lá xanh, các loại đậu và các loại thực vật khác, hạn chế ăn protein động vật và các thực phẩm giàu tinh bột, nhiều đường.
Một số trường hợp có thể sẽ cần phải dùng thuốc theo đơn.
7. Viêm túi thừa
Viêm túi thừa là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm dạng ổ gà phát triển bên trong ruột gọi là túi thừa. Viêm túi thừa thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi và thường đi kèm với đau bụng, căng tức bụng, giảm cảm giác ngon miệng, sốt và táo bón hoặc tiêu chảy.
Nên làm gì?
Viêm túi thừa có thể được điều trị bằng rất nhiều cách như: Để ruột nghỉ ngơi (không ăn hoặc uống gì), ăn chế độ ăn lỏng, dùng kháng sinh (nếu đau dữ dội, sốt hoặc tăng tế bào bạch cầu) và dùng thuốc gây tê (để kiểm soát cơn đau). Các trường hợp nặng hơn sẽ cần phải dẫn dịch thoát khỏi các ổ áp xe hoặc phẫu thuật để loại bỏ vùng bị ảnh hưởng.
Phân của bạn càng nằm trong túi thừa lâu, bạn càng có nguy cơ bị viêm túi thừa. Do vậy, táo bón là tình trạng nên tránh. Khi tình trạng viêm túi thừa đã qua, chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp bạn tránh được các biến chứng sau này.
8. Viêm vùng chậu
Thường xảy ra khi niêm mạc tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng bị nhiễm trùng, thường là do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hoặc bệnh lậu. Viêm vùng chậu có thể xảy ra trong quá trình mang thai, nạo phá thai hoặc sảy thai hoặc xảy ra khi đặt vòng tránh thai. Đầy hơi chướng bụng cùng với sốt, đau và căng tức vùng chậu, chảy dịch âm đạo là các dấu hiệu chỉ báo tình trạng viêm vùng chậu.
Nên làm gì?
Khám cẩn thận vùng chậu và điều trị kháng sinh là rất cần thiết để điều trị viêm vùng chậu. Nếu không điều trị, viêm vùng chậu có thể dẫn đến vô sinh và chửa ngoài tử cung.
Nếu bạn bị đầy hơi chướng bụng, chảy máu hoặc chảy dịch từ âm đạo, đau lưng dưới hoặc đau vùng chậu, và có thể bạn đang mang thai, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để loại trừ các nguyên nhân viêm vùng chậu.
9. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thường là ruột non hoặc ruột già. Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu sớm đến khi chẩn đoán có thể là vài năm, và đầy hơi chướng bụng là một trong số các dấu hiệu sớm.
Bệnh Crohn có thể gây hẹp ruột non và dẫn đến tắc nghẽn ruột, dẫn đến đầy hơi chướng bụng nghiêm trọng, sụt cân, buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn. Tiêu chảy lẫn máu cũng là một triệu chứng tiêu biểu khi bệnh Crohn xảy ra ở đại tràng.
Có thể sẽ có nhiều triệu chứng khác nằm ngoài đường tiêu hóa, bao gồm loét miệng, đau khớp, tổn thương da và viêm ở mắt.
Nên làm gì?
Chẩn đoán bệnh Crohn thường rất khó. Chụp X quang và thậm chí là soi đại tràng cũng không thể chỉ ra được tình trạng viêm. Bạn có thể phải tiến hành các chẩn đoán hình ảnh phức tạp hơn, như chụp CAT, chụp cộng hưởng từ,…
Thay đổi chế độ ăn, sử dụng thực phẩm chức năng và dùng thuốc theo đơn đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm và đầy hơi chướng bụng trong bệnh Crohn.
Tin tốt là đa số những người bị đầy hơi chướng bụng không bị ung thư, nhiễm trùng hoặc bị viêm. Nếu bạn không chắc tình trạng đầy hơi chướng bụng của mình có nguy hiểm hay không, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận