Giáo viên Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) ôn tập trực tuyến cho học sinh chiều 18-3 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tình trạng chung ở nhiều địa phương là các trường thực hiện dạy học từ xa theo kiểu mạnh ai nấy làm và chủ yếu phát triển ở các trường tư thục. Một số trường công lập cũng có thực hiện nhưng gặp nhiều khó khăn.
Với 45 học sinh, một mình tôi không thể quản hết tình hình và cũng không thể kiểm tra học sinh có thực sự học hay không. Tôi biết có trường hợp học sinh có online nhưng không theo dõi bài giảng của thầy. Hoặc có em nhà có máy tính nối mạng nhưng không có micro để tương tác với thầy, không có camera…
thầy H. (giáo viên ở TP.HCM)
"Tôi không thể làm được!"
Đó là câu trả lời của một giáo viên Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM khi ban giám hiệu nhà trường gợi ý về việc dạy học trực tuyến (online).
"Cuối cùng cô ấy đã lên tiết và dạy rất khá. Kể ra như vậy để thấy rằng trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đối với giáo viên ở trường công lập không đồng đều. Thế nên họ rất ngại khi phải soạn bài rồi dạy online" - bà Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, cho biết.
Ngay từ đầu mùa dịch (tháng 2-2020), Trường THCS Minh Đức đã tập huấn cho giáo viên về việc dạy online và yêu cầu 100% giáo viên phải tham gia.
Sau đó, nhà trường khuyến khích thầy cô nào tự tin thì soạn giáo án trực tuyến rồi dạy thử, ban giám hiệu nhà trường sẽ dự giờ và góp ý.
"Thời gian đầu rất ít giáo viên tự nguyện giảng dạy theo cách này. Nhưng khi UBND TP.HCM có quyết định cho học sinh nghỉ học đến ngày 5-4, ban giám hiệu nhà trường đã quyết định dạy trực tuyến cho học sinh tất cả các khối 6, 7, 8, 9 từ ngày 16-3.
Không ngờ là các giáo viên rất nhiệt tình. Mùa dịch, các thầy cô có thể dạy ở nhà nhưng nhiều người vào trường dạy để có trục trặc gì thì được hỗ trợ ngay. Nhiều thầy cô không đứng lớp nhưng cũng vào dự giờ của đồng nghiệp để học hỏi kinh nghiệm" - bà An kể.
Thế nhưng trên thực tế không phải trường công lập nào cũng cương quyết thực hiện như Trường Minh Đức.
Thầy H., giáo viên vật lý lớp 10 ở TP.HCM, kể: "Trường chúng tôi chỉ động viên giáo viên lớp 12 dạy online, còn giáo viên khối lớp 10, 11 thì không đả động gì. Tuần đầu tiên rồi tuần thứ hai học sinh được nghỉ học, tôi chỉ giao bài qua email cho học sinh.
Nhưng rồi thấy thời gian nghỉ học kéo dài mãi mà không biết dịch bệnh bao giờ mới hết. Tôi sốt ruột, sợ học trò quên kiến thức nên soạn giáo án dạy trực tuyến. Tuy nhiên tôi hơi buồn khi chỉ có 60% học sinh đăng ký học. 40% còn lại trả lời rằng nhà không có máy tính nối mạng".
Thầy H. cho rằng việc dạy học online có hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức tự giác của học sinh.
Nếu như ở trường tư thục mỗi lớp chỉ có 20-30 học sinh, giờ dạy online ngoài giáo viên đứng lớp còn có 1-2 giáo viên khác hỗ trợ về việc điểm danh, giải quyết những tình huống phát sinh thì ở trường công lập như trường thầy H., mọi thứ đang "chống lại" thầy khi sĩ số thường đông gấp đôi và chỉ có giáo viên xoay xở với cả lớp.
Mới chỉ "quan sát, tìm hiểu"
Ở Hà Nội, sau Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, bắt đầu có những trường công lập triển khai việc dạy online theo đúng thời khóa biểu.
Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) trong suốt tháng đầu tiên học sinh nghỉ phòng dịch đã không thể triển khai được dạy học qua Internet. Nhưng từ ngày 20-3, trường bắt đầu dạy những tiết online đầu tiên.
"Chúng tôi không có hành lang pháp lý để triển khai tới khi Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị tăng cường dạy học qua Internet và truyền hình, công nhận kết quả dạy học bằng hình thức này thì chúng tôi như được "cởi trói". Tôi nghĩ cố gắng thì có thể thực hiện được.
Trường Yên Hòa ban đầu cũng không nghĩ tất cả giáo viên đều dạy online được, nhưng bây giờ tất cả sẵn sàng" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, cho biết.
Theo cô Nhiếp, khối 12 của trường vẫn học qua truyền hình. Ban giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch chi tiết yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải nắm lịch dạy học trên truyền hình để ngay sau đó trao đổi với học sinh trên nhóm lớp, giải đáp tất cả thắc mắc của học sinh và ra bài tập, chấm bài, chữa bài thông qua các group trên Zalo.
Riêng khối 10, 11, giáo viên đang tập huấn, dạy thử online cho nhau góp ý, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ thực hiện các tiết dạy online đầu tiên với lớp chủ nhiệm vào ngày 20-3, sau đó tất cả học sinh khối 10, 11 sẽ triển khai học online theo thời khóa biểu.
Những trường có tiềm lực để "bước qua khó khăn" hay có sự can đảm, quyết đoán của người đứng đầu như Trường Yên Hòa, Trường Nguyễn Tất Thành không nhiều.
Hiệu trưởng một trường công lập ở Hà Nội cho biết trường có đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức tập huấn cho giáo viên tiếp cận với các kênh dạy học online nhưng mới chỉ ở giai đoạn "quan sát, tìm hiểu".
"Để giáo viên dạy online được và quan trọng hơn là quản lý được việc dạy và học, kiểm soát 100% học sinh tham gia học nghiêm túc là khó khăn" - vị hiệu trưởng này cho biết.
Cụ thể trường của ông chỉ có 30-40% giáo viên trẻ có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thể hiện ở thiết kế bài giảng điện tử, các file trình chiếu.
Còn dạy học online với những người "giỏi ứng dụng công nghệ nhất trường" cũng là điều mới mẻ. Trên 60% giáo viên là những người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, nhưng việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học rất ít.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một số giáo viên tại Hải Phòng cũng cho biết mới chỉ dừng ở việc ôn tập, cung cấp video bài luyện tập cho học sinh mà chưa thể tổ chức được dạy học trực tuyến. Vấn đề không chỉ nằm ở việc thiếu trang thiết bị mà cả ở quản lý, điều hành việc dạy học trong tình thế mới.
Không thể buông hoàn toàn cho học sinh
Sau khi khởi động hệ thống dạy qua truyền hình với lớp 9, lớp 12, hiện Hà Nội đã triển khai thêm chương trình từ lớp 4 đến lớp 11. Tuy nhiên, việc dạy qua truyền hình sẽ khó hiệu quả nếu các nhà trường không có động thái quản lý, đánh giá được chất lượng tiếp thu kiến thức của học sinh."
Con được thông báo lịch học trên truyền hình thôi, chứ không thấy thầy cô trao đổi, kiểm tra gì thêm" - phụ huynh học sinh đang học lớp 12 ở Hà Nội sốt ruột. Một số hiệu trưởng cũng thừa nhận việc chỉ đạo kiểm soát học sinh học qua truyền hình đều mơ hồ.
Nhiều phụ huynh có con học tiểu học cho rằng hình thức "học từ xa" không thích hợp với học sinh tiểu học. Trẻ chỉ chịu ngồi học khi có cha mẹ kèm. Nhưng nhiều phụ huynh phải đi làm, không thể có thời gian ở nhà học cùng con.
Bi hài học online
Những ngày đầu, việc dạy học online nảy sinh rất nhiều vấn đề: dù là lớp học ảo nhưng các học sinh rất hân hoan khi gặp lại nhau. Các em vô tư nói chuyện riêng, gây mất trật tự lớp học. Có giáo viên lại chưa biết tắt micro của học sinh như thế nào.
Riêng giáo viên chủ nhiệm các lớp thì bị học trò gọi điện liên tục: "Cô ơi, con chưa vô được"; "Cô ơi, con bị văng ra rồi"; "Cô ơi, bây giờ con phải làm sao?"...
Thầy Nguyễn Đình Khoa, Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM), ôn tập trực tuyến môn văn cho học sinh lớp 12 sáng 13-3 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Về phía phụ huynh, cũng không phải 100% phụ huynh đồng tình, ủng hộ phương pháp dạy học online. Có người không muốn con em mình sử dụng máy tính khi không có người lớn ở nhà.
Phụ huynh phải đi làm, trong khi nhà trường chỉ lên tiết dạy trong giờ hành chính. Có người yêu cầu giáo viên phải cam kết học sinh có học online và phải học hiệu quả thì họ mới cho con em sử dụng máy tính khi họ không có mặt ở nhà.
Hiện trường chúng tôi mới chỉ có hơn 50% học sinh các khối lớp đăng ký học online.
Bà Trần Thúy An (hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, Q.1, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận