TTCT - Lần đầu tiên xảy ra việc trường học phải đóng cửa kéo dài là khởi nguồn cho một hình thức dạy học qua mạng Internet mở ra. Sự phức tạp của thực tiễn triển khai này đang bộc lộ nhiều bất ổn trong các nhà trường phổ thông. Học sinh Trường THPT Yên Hòa-Hà Nội trong ngày học trực tuyến đầu tiên theo thời khóa biểu. Ảnh: Vĩnh Hà Thiếu hành lang, nhiều trói buộc Từ tháng 2-2020, tất cả 63 tỉnh, thành đều cho học sinh (HS) nghỉ học vì dịch COVID-19. Trong đó có nhiều trường phổ thông thực sự “án binh bất động” hoặc việc nỗ lực chỉ dừng ở việc giáo viên (GV) liên lạc, giao bài tập, nhắc nhở học sinh tự nghiên cứu bài học trong sách giáo khoa. “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của trường là soạn bài giảng điện tử, sử dụng thiết bị trình chiếu, theo dõi học sinh qua các group của lớp tại Zalo, Facebook. Gần đây trường triển khai một số dự án học tập, trong đó có các sản phẩm của HS được ứng dụng công nghệ thông tin. Tất cả chỉ có thế” - hiệu trưởng một trường công lập tại Hà Nội thừa nhận. Đó cũng là thực trạng khá điển hình cho việc ứng dụng công nghệ thông tin ở nhiều trường công hiện nay. Nhiều trường công khi rà soát để đánh giá năng lực “dạy học trực tuyến” cho thấy đa số GV chưa từng làm quen với công nghệ dạy học online. Trong khi đó, nhiều trường tư ngay sau khi học sinh phải nghỉ học vì dịch đã hào hứng với việc dạy học online. Trường Wellspring (Hà Nội) đưa ra thời khóa biểu online cho cả 3 cấp học với các môn học trên các hệ thống online: Email, Google Classroom, Facebook Social Learning, Microsoft Office 365 Teams, Edmodo... Các nền tảng, công cụ này được sử dụng tùy tình hình thực tế cấp học và bộ môn. Theo lãnh đạo nhà trường, GV trường thường trực tiếp trao đổi với HS qua Messenger, Skype ngay trong điều kiện dạy học bình thường nên không bị bỡ ngỡ trước tình huống mới. Tuy nhiên, những trường có sẵn nền tảng và xây dựng được thói quen học tập online như một kênh bổ trợ thường xuyên không nhiều. Màn hình của một lớp học trực tuyến, thầy, cô giáo có thể nhìn thấy và tương tác với các học sinh của mình. Ảnh: Vĩnh Hà Tình thế mới và phản ứng chậm của Bộ GD-ĐT Các trường học tiếp tục nghỉ hết tháng 3-2020, một số địa phương có thể còn cho HS nghỉ sang tháng 4-2020. Đây là tình thế Bộ GD-ĐT chưa lường trước. Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh thời gian năm học và hiện thời điểm kết thúc năm học là 15-7, lịch mới dự kiến thi THPT quốc gia vào ngày 8 đến 11-8. Nhưng tới nay, nhiều mốc thời gian liên quan như việc thi chuyển cấp, đăng ký dự thi THPT quốc gia vẫn không được xác lập do không chắc chắn khi nào HS trở lại trường. Tình thế này buộc Bộ GD-DT phải đề nghị các sở GD-ĐT tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, qua truyền hình, cho phép các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế công nhận kết quả dạy học qua hình thức trên. Trước đó, Bộ GD-ĐT khẳng định “dạy học trực tuyến không thay thế dạy trực tiếp” và các trường phải có kế hoạch dạy bù khi HS trở lại trường, tiếp nối với nội dung chương trình trước khi HS nghỉ. Một cách khéo léo để rút lại văn bản “cấm thu học phí” trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội hướng dẫn các trường tư có thể thu phí học trực tuyến dựa trên thỏa thuận với phụ huynh, nhưng không vượt mức học phí thỏa thuận thu trong năm học. Nhưng sự hồ hởi của nhiều trường học lần nữa chạm vào khó khăn, đặc biệt là thiếu bàn tay của “tổng đạo diễn” (hiệu trưởng) trong việc thiết lập các quy định kiểm soát việc dạy và học chặt chẽ, theo đúng thời khóa biểu bình thường. Khái niệm “dạy trực tuyến” đang diễn ra ở những mức độ, hình vẻ khác nhau, thậm chí bị hiểu không đúng. Tại Hà Nội, trong lúc Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành triển khai đến môn cuối cùng là thể dục theo hình thức dạy trực tuyến thì ở vài trường khác GV thiết kế video bài tập, gửi cho HS qua Zalo hoặc group trên Facebook, được gọi là “dạy trực tuyến”. Có những trường chỉ kết nối với HS qua các phần mềm quản lý dạy học để giao bài, giải đáp thắc mắc, đưa lên các bài giảng thu sẵn để HS tự tìm hiểu cũng gọi là “dạy trực tuyến”. Thực tế cần có kế hoạch bài bản, giải pháp kiểm soát được HS học tập, đánh giá HS qua kiểm tra, bài thu hoạch nhưng khả năng quản lý, kiểm soát này đang rất yếu. Đó là lý do một số giám đốc sở GD-ĐT lúng túng, né tránh khẳng định việc “có công nhận kết quả dạy qua Internet hay truyền hình không”. Bộ GD-ĐT khẳng định “có thể công nhận” nhưng đã đẩy trách nhiệm này cho các nhà trường cho đến khi thực tế phát sinh nhiều vấn đề bức xúc thì Bộ GD-ĐT mới tính đến việc ban hành quy định về dạy học qua Internet và truyền hình, làm căn cứ pháp lý để công nhận kết quả dạy học theo hình thức này. Giao diện bài giảng trong tiết học trực tuyến môn toán của thầy Nguyễn Thế Mạnh, giáo viên trường THPT Yên Hòa-Hà Nội. Ảnh Vĩnh Hà Hiệu quả đến đâu? Ở TP.HCM, khá nhiều GV chọn công cụ dạy trực tuyến là phần mềm Zoom nhưng thầy Võ Kim Bảo - GV môn văn Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 - cho rằng: “Zoom có nhiều ưu điểm là cho sử dụng miễn phí, HS và GV có thể tương tác trong giờ học. Nhưng một số nhược điểm: tối đa chỉ dạy được 30 HS trong 40 phút. Do đó, tôi chọn cách giảng bài - ghi hình rồi post trên YouTube hoặc livestream trên Facebook”. Thầy Bảo đúc kết: “Hiệu quả của việc dạy qua mạng không như mong muốn vì lứa tuổi HS THCS ý thức tự học chưa cao, kỹ năng học qua mạng của các em chưa có. Với môn văn thì bản thân tôi không hài lòng với bài dạy qua mạng. Bởi GV đứng trên bục giảng, ở dưới có HS, được tương tác với các em qua ánh mắt, lời nói thì tôi sẽ giảng bài có cảm xúc hơn”. Ở Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng, cho biết: “GV trường tôi soạn giáo án theo chủ đề, khi giảng bài thì có người ghi hình - dựng phim sao cho mỗi bài dạy chỉ trong 20-22 phút. Trong đó hình ảnh, lời giảng phải rõ ràng, dễ hiểu. Các bài dạy sẽ post lên trang fanpage của hiệu trưởng cho HS xem”. Nhưng theo thầy Phú: “Mặc dù GV chủ nhiệm các lớp đã nhắn tin, gọi điện cho từng HS nhưng số lượng HS xem bài không cao. Thế nên nhà trường coi việc dạy từ xa là một hoạt động giáo dục trong mùa dịch bệnh - HS có cái để học mà thôi. Chúng ta chưa xây dựng được một xã hội học tập có ứng dụng công nghệ thông tin nên khó đạt được hiệu quả như mong muốn”. Đề cập đến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM trong văn bản hướng dẫn về việc dạy học từ xa trong mùa dịch: “Khi HS đi học trở lại, trường xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn GV tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học”. Tuy nhiên theo nhiều trường, mục tiêu trên không khả thi, bởi việc dạy học từ xa không huy động được 100% HS tham gia. “Ở trường tôi, đến thời điểm này mới chỉ có hơn 50% HS các khối lớp đăng ký học trực tuyến. Một số em có đăng ký, có online để học với GV nhưng các em không hiểu bài hoặc không nghe giảng bài thì cũng không thể kiểm soát được” - cô Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, chia sẻ. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), theo dõi các tiết học tại phòng làm việc trong ngày đầu tiên triển khai phương thức dạy học trực tuyến. Ảnh: Vĩnh Hà Bài học từ những ngôi trường “không nghỉ” Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) sau 1 tuần đầu tiên loay hoay với việc “giải đáp kiến thức” và cung cấp video bài giảng sẵn không hiệu quả đã chuyển sang “dạy trực tuyến” ngay tuần thứ 2 HS không đến trường vì dịch. Đây không phải trường có thế mạnh đầu tư nền tảng công nghệ thông tin, GV nhiều người xa lạ với công nghệ dạy học hiện đại. Nhưng trường có một kế hoạch triển khai chi tiết, bài bản. Vài ngày trước khi triển khai, GV tập huấn, dạy thử cho nhau, rút kinh nghiệm từ sáng đến đêm. Trường cũng đề ra một giải pháp kiểm soát cả người dạy (kể cả khi đang dạy), người học và các minh chứng lưu lại về tiết học. GV chủ nhiệm, ngoài công việc dạy học theo bộ môn của mình phải vất vả gấp 3-4 lần bình thường khi kiểm soát, liên lạc HS, cha mẹ HS để giải quyết những sự vụ nhỏ nhất như HS hỏng micro không tương tác được, HS ngủ dậy muộn chưa vào học, nhà HS mất mạng Internet... Những bài tập, bài kiểm tra của HS chụp gửi cho GV bộ môn được cả GV chủ nhiệm cùng ngồi dò từng bài, chấm điểm, update điểm... “Mục đích lớn hơn kiến thức là thầy trò của trường tôi hiểu được cần vượt khó, trong mọi hoàn cảnh không buông tay” - cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng trường, chia sẻ.■ ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh (cố vấn chương trình dạy online miễn phí Apax Story Time): Cơ hội rèn luyện khả năng thích nghi cho trẻ Để việc giảng dạy qua mạng đạt hiệu quả, phụ huynh HS nên xem đây là cơ hội rèn luyện khả năng thích nghi cho trẻ. Mùa dịch, trẻ nghỉ dài ngày ở nhà, các phụ huynh nên lập thời gian biểu cho con. Ví dụ 8h sáng mở máy để học thì đúng 8h HS phải ngồi vào bàn học chứ không để trẻ xem tivi, chơi game đến mệt nhoài rồi mới hò hét HS ngồi vào bàn học. Về phía GV cần kết hợp cả kỹ thuật và nghệ thuật sư phạm. HS càng nhỏ tuổi thì việc dạy online phải chú trọng đến sự hứng thú của các em nhiều hơn. GV phải cân nhắc lúc nào thì đưa đồ họa vào, lúc nào đưa những đoạn phim ngắn cho HS xem, lúc nào nên dừng lại đặt câu hỏi để HS trả lời… Ngoài ra, GV cần giao nhiệm vụ cho HS làm bài, kiểm tra trẻ tiếp thu bài đến đâu… Tags: Dịch COVID-19Bộ GD-ĐTHọc onlineDạy học trực tuyến
Báo Mỹ: Ông Trump vươn lên 230 phiếu đại cử tri, bà Harris 187 phiếu TRẦN PHƯƠNG 06/11/2024 Theo cập nhật mới của New York Times, số phiếu đại cử tri của ông Trump là 230, trong khi số phiếu của bà Harris lên 187.
Trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ 06/11/2024 Câu hỏi ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đang thường trực trong đầu không chỉ những người ở Mỹ mà còn nhiều nơi khác. Ai sẽ chiến thắng? Cùng Tuổi Trẻ Online xem trực tiếp: Số liệu 'đếm phiếu' bầu cử Tổng thống Mỹ.
7 bang chiến trường: Ông Trump thắng North Carolina, giành lợi thế tại 5 bang khác THANH HIỀN 06/11/2024 Cập nhật lúc 11h20 giờ Việt Nam, ông Trump thắng tại North Carolina và giành lợi thế tại 5 bang chiến trường khác gồm Arizona, Georgia, Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.
Điều động, chỉ định Bí thư thường trực Trung ương Đoàn làm phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai TẤN LỰC 06/11/2024 Ông Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn - được Ban Bí thư điều động, chỉ định giữ chức vụ phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.