01/04/2020 13:37 GMT+7

Dạy - học trực tuyến: Phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu

TRẦN HUỲNH ghi
TRẦN HUỲNH ghi

TTO - Dạy học trực tuyến đang là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hình thức này cũng bộc lộ nhiều vấn đề mà các chuyên gia cho rằng cần phải giải quyết để có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Dạy - học trực tuyến: Phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu - Ảnh 1.

Cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, giảng bài môn văn trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG

Để dạy và học trực tuyến hiệu quả, theo TS Phạm Công Hiệp - giảng viên cấp cao khoa kinh doanh và quản trị ĐH RMIT Việt Nam, người dạy và người học cần phát huy ưu điểm của hình thức này, đồng thời hạn chế những nhược điểm.

Ưu điểm lớn nhất của học trực tuyến chính là nhờ việc tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra đều được lưu trữ trên nền tảng trực tuyến, người học có thể dễ dàng truy cập những nội dung này vào bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ đâu. Bài giảng sẽ được phát trực tiếp để người học tham gia ngay tại thời điểm đó, đồng thời cũng được ghi hình lại làm tài liệu hỗ trợ để sử dụng khi cần.

Tuy nhiên, học trực tuyến cũng có một số nhược điểm, nổi bật nhất là trong môi trường học trực tuyến, người học sẽ không được ai nhắc nhở cũng như không có thời gian biểu cụ thể để tuân theo. 

Điều này có thể khiến người học mất tập trung nếu bản thân họ chưa biết tự kỷ luật cũng như chưa có khả năng sắp xếp thời lượng học tập. Ngoài ra, còn một số rào cản khác như thiết bị, đường truyền, tương tác giữa người học và người dạy...

TS Phạm Công Hiệp: 

Chuẩn bị tốt

Dạy - học trực tuyến: Phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu - Ảnh 2.

Người dạy cần chuẩn bị chi tiết các hoạt động, tài liệu hỗ trợ trước và sau bài giảng trực tuyến nhằm giúp người học nắm được chủ đề trước khi tham gia buổi học và ôn tập lại kiến thức sau đó. Kiểm tra, sử dụng các thiết bị giảng dạy và tài liệu buổi học xem có tương thích với phần mềm giảng dạy trực tuyến không. 

Tương tự, người học cũng phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ việc học như máy tính, các phần mềm cần thiết, thiết bị ghi hình, thiết bị hội thoại để tham gia lớp học trực tuyến. Bên cạnh đó, cần chú ý các nguyên tắc lịch sự trực tuyến như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận, phản hồi khi được yêu cầu trả lời, chủ động tham gia thảo luận trong phòng thoại khi được nêu tên, thông báo với những người đang cùng tham gia khi bản thân phải dừng buổi học sớm.

ThS Văn Chí Nam (phó trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):

3 yếu tố cần khắc phục

Dạy - học trực tuyến: Phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu - Ảnh 3.

Đối với giáo viên, vấn đề lớn nhất trong dạy online là chưa quen công nghệ. Thứ nhất, hiện nay nền tảng Zoom nhà trường đang triển khai gần như có đầy đủ tất cả, giống như lớp học truyền thống từ việc quản lý lớp, chia sẻ bài giảng, trao đổi trực tiếp với sinh viên, sửa bài cho sinh viên... nhưng không phải giáo viên nào cũng sử dụng thành thạo ứng dụng. 

Thứ hai, mặc dù công cụ trực tuyến hỗ trợ được mọi thứ người dạy mong muốn nhưng với giáo viên, cảm xúc đứng lớp rất quan trọng. Tức là khi nhìn vào học trò, giáo viên cảm thấy tự tin và có cảm hứng hơn, yếu tố này với dạy trực tuyến không có. Do vậy, giáo viên cần vài buổi làm quen với việc dạy trực tuyến. 

Thứ ba, với dạy trực tuyến, tiết học sẽ rất nặng nề nếu thầy cô không chủ động chuẩn bị trước các hoạt động khi dạy. Khi dạy trực tuyến, giáo viên cần hiểu rằng đã đổi môi trường, không được áp nguyên xi như lớp học truyền thống. Nếu khắc phục được ba yếu tố trên thì việc dạy online sẽ hiệu quả.

ThS Nguyễn Bích Thủy (giảng viên Trường ĐH Văn Lang):

Người học cần hỗ trợ liên tục

Dạy - học trực tuyến: Phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu - Ảnh 4.

Khó khăn chủ yếu hiện nay là học sinh, sinh viên vẫn chưa quen cách học online, thiếu tập trung và tốc độ đường truyền kém thì bài giảng cũng bị gián đoạn. Tâm lý chung trong gần hai tháng học online và qua khảo sát cho thấy các bạn vẫn chưa quen và có phần lo lắng về kết quả giữa kỳ và cuối kỳ (sợ rớt môn, do tiếp thu bài giảng qua online thấp hơn, hiệu quả kém hơn học trực tiếp). 

Một số thầy cô giọng nói khó nghe, chưa quen dạy online, thiết kế bài giảng online hoặc giảng nói liên tục 2-3 giờ liền gây nhàm chán, nên người học không tập trung lâu được. Do vậy, đối với học online, người học cần thầy cô hỗ trợ liên tục. 

Tôi chọn giải pháp là mỗi tuần soạn, gửi bài giảng trước qua group email và kết hợp tạo nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ thêm bài giảng, clip, nhắc nhở để hỗ trợ thêm cho chương trình học online trên MS TEAM của trường.

Dạy trực tuyến cho tiểu học: không dễ đâu! Dạy trực tuyến cho tiểu học: không dễ đâu!

TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa yêu cầu các trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đối với những môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ (khối lớp 1, 2, 3). Riêng khối lớp 4, 5 thêm môn khoa học, lịch sử và địa lý.


TRẦN HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên