Người dân phân loại rác bỏ vào thùng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Xuân Hưng
Đọc bài "Học văn hóa đổ rác của người Hàn", tôi chạnh lòng, làm hiệu trưởng nhiều năm rồi mà mình chưa có bài học nào cho trường về phân loại rác.
Chỉ mới hướng dẫn, nhắc nhở học sinh bỏ rác đúng nơi quy định, nhưng có lúc chưa làm được. "Trông người, ngẫm mình", thấy thật xấu hổ!
Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, tại một hội nghị giao ban gần đây, đã thẳng thắn chỉ ra một số trường học chưa vệ sinh.
Cần nhận thức rằng chính những quy định về bỏ rác đúng nơi quy định và hướng dẫn phân loại rác là thiết thực với mọi người, giúp cho mọi người có thêm cơ hội làm những việc tử tế."
Nguyễn Hoàng Chương
Lâu nay có không ít trường học chỉ lo giữ trường mình sạch, rác từ trong trường tất tật cho vào thùng, đưa ra xe rác công cộng, thế là xong. Người thu gom rác vất vả như thế nào, thầy trò dường như không quan tâm.
Trường dạy thực hành phân loại rác, bỏ rác vào đúng nơi quy định là rất cần. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó sẽ chưa đủ. Cần lắm sự chung tay của gia đình, sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, của chính quyền - đoàn thể.
Chính quyền cơ sở đừng ngại khó, không kêu than vì có quá nhiều việc phải làm. Xây dựng "văn hóa đổ rác" là việc cần thiết làm, ưu tiên làm.
Giữ gìn nhà trường, xóm làng, đường phố, nhà ở... sạch sẽ là một lẽ, việc phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định còn thể hiện tính nhân văn khi chung tay với công nhân vệ sinh, giúp họ bớt đi sự vất vả.
Một xã hội mà nhiều người làm điều tốt, biết sống vì nhau, biết cho đi sự cảm thông thì đó là nền tảng của xã hội phát triển bền vững.
Thật đáng buồn với những người vẫn vô tư vứt rác, vứt đâu cũng được, miễn rác không ở trên xe mình - trong nhà mình là được! Năm nào cũng thế, tại những tụ điểm tổ chức lễ hội - vui chơi - giải trí, lúc tàn cuộc, sân bãi thường ngập rác.
Công nhân vệ sinh phải cặm cụi thu dọn dưới tiết trời mưa, lạnh; lúc sắp giao thừa vẫn phải lầm lũi trong đêm với chổi, xe rác... quần quật làm để ngày mai bà con vui tết trên phố phường xanh, sạch. Những hình ảnh ấy thật làm nhói lòng người!
Hãy xây dựng thói quen phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Khi có sự chung tay và làm đồng bộ ở gia đình, nhà trường, xã hội; khi mỗi người dân có ý thức kiểm soát hành vi của mình để không xả rác; chắc rằng nước mình có văn hóa đổ rác như người Hàn sẽ không xa lắm.
Hãy mang rác về nhà!
Sau khi ăn kem, cô bé tự bỏ rác vào thùng rác - Ảnh: H.L.
Tôi cảm thấy thú vị khi nhìn thấy cô bé chừng hơn 4 tuổi được mẹ đưa đi chơi vào chiều 8-1 tại công viên trung tâm TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Cô bé tỏ ra thích thú khi thấy những thùng đựng rác mới tinh có hình dáng như một chú cá heo.
Sau khi ngồi ghế đá ăn kem xong, cô bé đã chạy đến bỏ vỏ hộp vào một "chú cá heo" rồi đứng tạo dáng ngay bên cạnh đòi mẹ... chụp hình. Mẹ bé mở điện thoại chụp vài kiểu hình cho con rồi dạy bé đọc dòng chữ trên thùng rác, bé hào hứng đọc theo rõ to từng chữ: "Xin - cho - tôi - rác".
Tôi hỏi bé: "Nếu trong công viên không có thùng đựng rác, ăn kem xong con sẽ bỏ vỏ hộp ở đâu?". Chẳng cần nghĩ ngợi, bé nhanh nhảu trả lời: "Thì con sẽ mang về bỏ thùng rác ở nhà. Mẹ con dạy như vậy mà. Với lại, cô giáo con cũng dạy phải bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ". Quả thật là một cô bé ngoan, được dạy dỗ tốt từ gia đình và nhà trường.
Những phần thức ăn, thức uống khi mang đi thì nặng chứ mang về chỉ có vỏ nhẹ tênh. Tôi cũng có thói quen mỗi khi cần bỏ vỏ chai nước, vỏ bánh, nếu không tìm thấy chỗ bỏ rác thì cho luôn vào balô, túi xách, túi áo, túi quần hoặc cầm trên tay, treo trên xe mang về nhà chứ không tùy tiện quăng xả bừa bãi.
Lại nghĩ, giá đêm giao thừa Tết dương lịch vừa qua, nếu mỗi người góp một tay, tự biết "xử lý" những phần rác của mình bằng cách mang về nhà thì đâu có xảy ra cảnh rác bị ùn ứ ở nhiều điểm vui chơi công cộng, các anh chị lao công cũng bớt được những nhọc nhằn.
Tết cổ truyền lại sắp đến gần. Tôi chia sẻ câu chuyện và hình ảnh cô bé đáng yêu bên chiếc thùng rác xinh xắn như gửi một thông điệp trong những ngày sắp hết năm: Trên đường phố, nếu không tìm thấy thùng đựng rác hoặc những chiếc thùng rác đã quá đầy thì hãy mang rác về nhà.
Đó là cách chúng ta chia sẻ với những người lao công, giúp họ bớt nhọc nhằn để hoàn thành công việc và được trở về vui tết bên gia đình sớm hơn.
Hạnh Lê (Bình Dương)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận