11/10/2018 10:51 GMT+7

Dạy học bằng cả yêu thương: Dấu chân của một người thầy

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Đêm buông dài xuống núi, sương che khuất dần từng góc làng. Thầy Nguyễn Văn Khánh, phó hiệu trưởng Trường THCS Sơn Dung (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), chuẩn bị cắt rừng vào làng tìm trò.

Dạy học bằng cả yêu thương: Dấu chân của một người thầy - Ảnh 1.

Thầy Khánh (trái) trò chuyện cười nói cùng Uyên, cô bé hứa sẽ ra lớp sau mấy ngày trốn học - Ảnh: TRẦN MAI

20 năm qua, hành trình cắt rừng xuyên đêm của thầy Khánh đã giúp lũ học trò nhỏ Ca Dong đến gần với con chữ.

Không gì hạnh phúc bằng khi nhìn thấy học trò mình áo trắng quần tây đến lớp mỗi ngày. Dù khổ cực nhưng đó là niềm hạnh phúc của người cầm phấn nơi vùng cao chúng tôi

Thầy NGUYỄN VĂN KHÁNH

Xưa vận động cha, giờ đi tìm con

"Đi thôi các bạn", thầy Khánh nói. Một nhóm giáo viên của trường cùng thầy Khánh rời khỏi nhà công vụ tiến vào làng. Chừng 15 phút đi xe máy, cả đoàn dừng lại, để xe bên đường, rồi hướng theo con dốc hun hút, tối thui vào làng Nước Lang. Vài chiếc điện thoại được bật lên lấy ánh sáng dò lối đi. 

Đã vào năm học mà cô học trò nhỏ Đinh Thị Uyên (lớp 7) chưa đến trường. Vừa đi bộ thầy Khánh vừa nói với đồng nghiệp: "Chắc nhà con bé có chuyện gì nên mới nghỉ học".

Đường tối mịt, đầy đá, thi thoảng nghe tiếng thú rừng lao ào vào bụi rậm, thanh âm dáo dác trong đêm. Gần một giờ đi bộ, làng Nước Lang hiện ra. Mọi người đã đi ngủ, chỉ căn nhà Uyên nằm trên quả đồi vẫn sáng đèn. Đã 20h mà Uyên còn vo gạo nấu cơm. Mấy đứa em của Uyên ngồi ngay bậu cửa, mặc chiếc áo cáu bẩn cãi nhau bằng ngôn ngữ của đồng bào mình.

"Uyên!", thầy Khánh gọi khi thấy cô bé vội lao vào nhà đóng cửa. Gắn bó cả đời với giáo dục vùng cao, thầy Khánh hiểu bọn trẻ Ca Dong thật thà, chúng trốn vì biết mình có lỗi. Ánh đèn pin từ điện thoại rọi thẳng qua khe hở nơi cửa sổ, thầy Khánh nói: "Ra đây thầy nói nghe. Không thầy ngồi đây mãi đó".

Uyên mở cửa, trò chuyện một lúc thì anh Đinh Văn Tâm - cha Uyên - bước ra, giọng ngà ngà say: "A, thầy Khánh lại đến nhà à?". Thầy Khánh cười và hỏi chuyện mới biết mấy ngày qua nhà Uyên "gặp chút chuyện". Sự lục đục của cha mẹ khiến Uyên chán đến trường. 

"Buồn thì buồn nhưng phải vì tương lai con mình chứ. Hai vợ chồng lo làm rẫy, động viên cháu đi học. Có cái chữ đỡ thiệt thòi lắm" - thầy Khánh vỗ vai anh Tâm động viên. Đáp lại, anh Tâm gãi đầu nói: "Tôi biết sai rồi, mai con bé Uyên nhà tôi sẽ đến trường thầy ạ".

Thầy Khánh đã đến ngôi nhà này từ 20 năm trước. Đó là những ngày cắt rừng vào vận động anh Tâm cùng trai làng ra lớp học bổ túc văn hóa. Nhờ vậy mà giờ anh Tâm có thể viết được cái đơn dù con chữ còn sấp ngửa. Ngày đó, anh Tâm thấy thầy Khánh là bỏ nhà chạy thẳng lên rẫy trốn biệt. 

Nhưng rồi cũng không "thoát" được khi thầy Khánh "cơm đùm, gạo túi" vào bám làng nhiều ngày. Thậm chí hết gạo, thầy Khánh và đồng nghiệp phải ăn rau rừng vẫn kiên quyết đưa trò ra lớp.

Người thầy dân vận

Ở vùng cao, ban ngày cả làng đi rẫy hết, chỉ có ban đêm mọi người mới tập hợp về làng. Đó là lý do mà đêm xuống, giáo viên ở vùng cao trở thành "cán bộ dân vận". Thầy Khánh đúc kết: "Đi đêm và phải hiểu cái lý, cái tình của người Ca Dong mà tâm tình. Khi họ coi mình như con cháu, anh em thì dễ vận động hơn".

Rời khỏi nhà Uyên, thầy Khánh và đoàn rẽ hướng, sang làng bên cạnh. Em Đinh Thị Huỳnh (lớp 9) đang ê a học bài giữa đêm. Năm học trước Huỳnh từng nghỉ học. Đó là một ngày sau Tết Nguyên đán 2018, Huỳnh "mất tích". Cha mẹ Huỳnh không biết cô bé đi đâu. Thương và lo lắng cho trò, thầy Khánh cùng thầy cô lần mò manh mối từ bạn bè của Huỳnh. 

Hơn một tuần thì biết Huỳnh nghỉ học đi hái cà phê ở Gia Lai. Trường phải nhờ chính quyền can thiệp, điện thoại vào Gia Lai, nhờ địa phương "trục xuất" em về quê. Ở trường, thầy cô lên lịch đón Huỳnh khi vừa về đến Sơn Tây để động viên. Mất 3 đêm thuyết phục, tặng quần áo, bút, vở cuối cùng Huỳnh đi học trở lại.

Bao mùa nắng mưa, thầy Khánh cùng các giáo viên xuyên rừng tìm trò trong đêm. Và công sức của các thầy cô đã cho quả ngọt khi nhiều học trò trước đây thầy cô vất vả đi vận động như em Đinh Văn Dũng, Đinh Văn Bình... nay đã tốt nghiệp cao đẳng nghề, ra trường và đang làm việc tại KKT Dung Quất. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy Khánh.

Ông Bùi Thế Giới, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây, bảo thầy Khánh yêu nghề và tận hiến cả tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng cao. Đó là người truyền lửa nghề, sự nhiệt huyết cho biết bao thế hệ giáo viên bám làng vận động, bám lớp dạy học giữa muôn vàn khó khăn. "Không cần nói quá nhiều về thầy Khánh, chỉ cần nhìn cách lũ trẻ, phụ huynh yêu quý là đủ hiểu rồi" - ông Giới nói.

Người anh, người thầy đáng kính

Thầy giáo trẻ Nguyễn Chí Thành, giáo viên Trường THCS Sơn Dung, chia sẻ: Thầy Khánh là người truyền động lực cho các giáo viên trẻ như tôi. Nhiều giáo viên ở trường khi vào làng cùng thầy Khánh đã thôi than vãn cực khổ. Thầy Khánh luôn nhắc nhở anh em, đó là trách nhiệm phải làm khi chọn nghề dạy chữ nơi vùng cao. Thật sự rất tuyệt vời.

Vận động cả "phụ huynh cá biệt"

thay khanh tim tro (5) (1) 2(read-only)

Dốc cao, dốc thấp mịt tối, thầy cô dùng đèn pin điện thoại tìm lối đi kiếm học trò - Ảnh: TRẦN MAI

Không chỉ học trò nghỉ học mà cả những "phụ huynh cá biệt" cũng được thầy cô giáo Trường THCS Sơn Dung tới tận nhà hỏi thăm. Ở đây, người Ca Dong coi thầy Khánh như người nhà.

Ngoài vận động học trò ra lớp, thầy Khánh còn vận động cha mẹ các em không phá rừng, đừng tin lời thầy cúng mà mê tín dị đoan.

Đã nhiều lần trong đời, thầy Khánh phải gấp rút vào làng, lôi học trò trong cơn bạo bệnh ra khỏi "bàn tay ma thuật" của thầy cúng.

Thậm chí, hơn 15 năm trước thầy Khánh còn cược mạng sống của mình với gia đình, lôi cậu học trò Đinh Văn Bum xuống viện điều trị bệnh sốt rét.

Già Đinh Văn An chia sẻ: "Thầy Khánh hiền như người Ca Dong, cái bụng tốt lắm. Lúc nào cũng nghĩ cho bọn trẻ hết. Dân thương thầy Khánh. Người Ca Dong có cái chữ cũng mang ơn thầy Khánh".

Dạy học bằng cả yêu thương: Chuyện học ở "ốc đảo" Giồng Bàng

TTO - Khi con nước nhảy khỏi bờ cũng là lúc ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) bị chia cắt hoàn toàn, trở thành "ốc đảo". Giữa mênh mông nước, thầy và trò đi gieo và học chữ.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên