Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên môn hóa Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TP.HCM), trong những giờ học sáng tạo - Ảnh: NVCC
Dạy học online là cơ hội để thầy sáng tạo hơn nữa trong mỗi bài giảng, qua đó thể hiện tâm huyết của thầy giáo trẻ.
Sân khấu hóa tiết học
Thầy Thanh chia sẻ: "Tôi thường hỏi vui học sinh: Các em thích xem một bộ phim tình cảm, nghe một bản nhạc trẻ sôi động hơn việc ngồi vào màn hình xem thầy dạy online trong 40 - 45 phút đúng không? Tất nhiên học sinh không dám trả lời "dạ đúng" vì các em sợ bị trừ điểm, bị đánh giá là không thích học... Nhưng tôi hiểu tâm lý của các em. Bắt học sinh làm điều các em không thích, không mang lại hứng thú thì sự hợp tác sẽ miễn cưỡng, không hiệu quả".
Chính vì điều đó, thầy Thanh nghĩ ra cách thiết kế bài dạy học online là những màn sân khấu hóa trực tuyến với các thể loại "game show", "talk show", tương tác giữa các diễn viên chính là toàn bộ học sinh trong lớp.
"Để rà kiến thức của từng em trong nhóm, tôi thiết kế game show với những trò chơi: Nhanh như chớp, Đoán hình bắt chữ, Rung chuông vàng, Đường đua hóa học... ở tiết học trực tuyến. Tiết này các em học sinh sẽ được chơi trò chơi tương tác, thảo luận cùng đồng đội, tương tác cùng tôi" - thầy dẫn giải thêm.
Chẳng hạn khi dạy online bài về cacbohidrat ở lớp 12, thầy tổ chức buổi "talk show" về chủ đề dinh dưỡng và căn bệnh đái tháo đường. Học sinh phân nhóm, đóng vai bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng rồi ghi hình, video và tiến hành trao đổi.
Hay với tiết hợp chất của cacbon ở lớp 11, học sinh đóng vai làm đội đặc nhiệm phòng cháy chữa cháy để tìm hiểu về hợp chất cacbon CO2 dập tắt đám cháy, thiết kế bình cứu hỏa mini bằng dụng cụ có sẵn ở nhà...
Chốt lại bài học, thầy còn thiết kế video phim hoạt hình tóm tắt toàn bộ nội dung bài để học trò nắm bài một cách nhanh nhất.
Sinh động, hấp dẫn
Sinh ra ở tỉnh Tây Ninh, thầy giáo trẻ 9X đã mê nghề giáo từ nhỏ. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thầy Thanh bắt đầu đứng trên bục giảng như mơ ước của mình.
Trước dịch COVID-19, dạy học online với thầy không hề xa lạ bởi mỗi tiết dạy học thầy Thanh đều thiết kế với mô hình kết hợp. Thầy cho biết: "Tôi dạy cả online lẫn offline với phương pháp lớp học đảo ngược, tăng tính tích cực, chủ động và sáng tạo ở học trò.
Nếu tiết học offline truyền thống có sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò, trò và trò thì dạy học online với ứng dụng nền tảng ICT, game show, công cụ đồ họa, video clip... sẽ làm bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh tăng tính hứng thú. Vì thế từ lâu tôi đã kết hợp cả hai".
Dẫn chứng cho điều này, trước mỗi tiết học thầy thường chuẩn bị sẵn học liệu video tóm tắt ngắn gọn nội dung trọng tâm kiến thức gửi đến học trò và kèm link Google form để học sinh điền vào bộ câu hỏi KWL (K= Know: những điều đã biết về bài học, W = Want: những điều cần giáo viên giải đáp và L = Learn: những điều đã nắm qua bài học).
"Từ những câu trả lời này, tôi sẽ xây dựng kịch bản dạy phù hợp cho từng lớp và từng đối tượng học sinh. Ở tiết học trực tiếp, thầy trò giải mã những điều chưa biết qua các hoạt động do tôi thiết kế như trò chơi tập thể, học tập kết nối, tương tác..." - thầy Thanh giải thích.
Môn hóa là môn khoa học của thực nghiệm, gắn liền với thực hành thí nghiệm. Bình thường học sinh được trực tiếp đến phòng thí nghiệm, hoạt động nhóm, làm thí nghiệm. Thế nhưng học online là một bài toán khó buộc thầy Thanh phải tìm lối ra.
Thầy trăn trở: "Tôi quyết tìm những công cụ đồ họa để thiết kế thí nghiệm ảo, thiết kế bảng tuần hoàn thông minh có gắn kết thí nghiệm kết hợp với những trang web lab trực tuyến từ nước ngoài, trên YouTube, diễn đàn giáo dục mà nhiều thầy cô trong và ngoài nước chia sẻ. Ở đây có những công cụ, website hay của các nước tiên tiến như trang phet.colorado.edu, acs.org... sử dụng miễn phí để học sinh trực tiếp thực hành online hoặc quan sát mô phỏng vẫn có thể hiểu được bài học thông qua các thí nghiệm này".
Thầy Hoàng Lương Hạo - tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Lê Thánh Tôn - cho hay thầy Thanh rất giỏi trong việc lên chuyên đề, những phần liên hệ với thực tế đời sống, miệt mài sáng tạo trong phương pháp dạy học.
Liên hệ... bài hát "Diễm xưa"
Em Nguyễn Thị Ánh, lớp 12 chuyên văn Trường THPT Lê Thánh Tôn, chia sẻ kỷ niệm khi học về sự hình thành thạch nhũ trong các hang động núi đá vôi ở bài Hợp chất của canxi.
"Em có hỏi thầy ngoài việc bám vào kiến thức hóa học để giảng về cơ sở khoa học này thì còn gì khác hay hơn không, thầy viết phản ứng thuận nghịch rồi giải thích, xong liên hệ nguyên lý tảng băng trôi. Sau đó thầy liên hệ bài hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đại ý là bia đá cũng biết "đau". Thầy lại chỉ ra các hợp chất canxi có trong sỏi đá khi mùa mưa liên tục tác động và sự có mặt của CO2 thì sỏi đá bị xâm thực, bị mòn và "đau"... Cả lớp vỗ tay rần rần, cười vui đầy sảng khoái. Học tiết của thầy em rất hào hứng dù là online".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận