03/08/2022 13:12 GMT+7

Đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc... lại được đưa vào Đại hội thể thao toàn quốc 2022

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Nhiều môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, đá cầu, vật dân tộc, võ cổ truyền... có tên trong chương trình thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022.

Đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc... lại được đưa vào Đại hội thể thao toàn quốc 2022 - Ảnh 1.

Vật dân tộc là một trong những môn có trong chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc 2022 - Ảnh: TDTT

Ngày 2-8, ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - đã phê duyệt đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022.

Theo đó, Đại hội thể thao toàn quốc 2022 được tổ chức tại Quảng Ninh (địa điểm chính) và một loạt tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa. 

Đại hội diễn ra vào trung tuần tháng 12-2022. Kinh phí tổ chức được lấy từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn thu hợp pháp khác.

Theo đề án, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 tổ chức đến 43 môn thi gồm: điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, đua thuyền, bóng đá, vật (vật tự do, vật cổ điển, vật dân tộc), bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karatedo, wushu, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, silat, muay, thể hình, khiêu vũ thể thao, jujitsu, bowling, ba môn phối hợp, lặn, lân sư rồng, đá cầu, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co.

Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần và là đại hội thể thao lớn nhất cả nước. Chu kỳ tổ chức đại hội giúp đánh giá tổng thể quá trình phát triển thể thao của các tỉnh, thành, ngành trên cả nước.

Qua đó, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ có đánh giá, định hướng cho sự phát triển của thể thao Việt Nam trong tương lai. Đại hội thể thao toàn quốc cũng là cơ hội để phát hiện, đào tạo những vận động viên xuất sắc chuẩn bị cho các mục tiêu ở Asiad, Olympic.

Hơn một thập kỷ qua, tranh cãi về số lượng và các môn thi của Đại hội thể thao toàn quốc là đề tài chưa bao giờ chấm dứt trong ngành thể thao và quần chúng nhân dân. Sở dĩ vậy bởi Đại hội thể thao toàn quốc được coi là đấu trường của các môn thể thao thành tích cao nhưng nhiều năm qua, các môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, bắn nỏ, bắn ná... thường xuyên được đưa vào chương trình thi đấu của đại hội. 

Nhiều địa phương ít quan tâm, đầu tư cho thể thao nhưng qua việc mua bán, chuyển nhượng vận động viên lại có huy chương ở những môn thể thao này để làm thành tích báo cáo. Trong khi đó, các môn thể thao dân tộc này không có trong chương trình thi đấu của các đại hội thể thao quốc tế như SEA Games, Asiad, Olympic. 

Nhiều ý kiến cho rằng nên để cho xã hội đầu tư, vận hành và phát triển các môn thể thao dân tộc, không nhất thiết phải đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc. 

Khi đưa các môn thể thao phong trào vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc - nơi vốn dành cho các môn thành tích cao, sẽ tạo nên những thành tích ảo, không đánh giá đúng sự đầu tư, phát triển của các địa phương cho thể thao sau mỗi chu kỳ 4 năm. 

Xem môn thể thao đẩy gậy Xem môn thể thao đẩy gậy

TTO - Ngày 1-10, nhiều bạn trẻ TPHCM đã có mặt tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Q.11, TPHCM) để cổ vũ cuồng nhiệt cho các VĐV thi đấu ở Giải vô địch đẩy gậy toàn quốc lần thứ 7 – năm 2013.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên