Việc trẻ tự tìm hiểu và sử dụng mạng Internet có nhiều lợi ích giúp trẻ mở mang kiến thức. Tuy nhiên việc này cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định mà người lớn cần quan tâm và có biện pháp hướng dẫn trẻ phòng ngừa để đạt được an toàn trên mạng.
Giáo dục bản thân và con cái về an toàn trên mạng
Các chuyên gia công nghệ khuyến cáo phụ huynh dành thời gian để đọc các xu hướng, trò chơi và kênh mới nổi để hiểu cách chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động trực tuyến của con.
Ngoài ra, hãy thảo luận về công nghệ và những mối nguy hiểm tiềm tàng với con, ngay cả khi bạn phải giả ngơ và yêu cầu con giúp bạn thiết lập một tài khoản mạng xã hội.
Bằng cách thể hiện rằng bạn tin tưởng con với tư cách là một"giáo viên", điều đó càng tạo dựng được sự tin tưởng lẫn nhau. Giáo dục con về những điều bạn đang nghe hoặc thấy về các mối đe dọa trên mạng hoặc vi phạm an ninh.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy tập xây dựng bầu không khí cởi mở, thoải mái với con mình thay vì kiểu nói chuyện "bề trên ra lệnh".
Một tình huống lý tưởng là các bậc phụ huynh có khả năng nhận biết được nếu có bất cứ điều gì khiến con cảm thấy khó chịu, bị đe dọa hoặc không vui.
Hãy đối phó với bắt nạt trên không gian mạng, như vấn nạn bắt nạt ngoài đời thực bằng cách khuyến khích con cởi mở và nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy (tốt nhất là phụ huynh) nếu con nhận được bất kỳ tin nhắn đe dọa hoặc không phù hợp nào.
Đặc biệt, cha mẹ nên thiết lập các quy tắc cơ bản rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi của con về những gì được làm và không được phép làm trên mạng.
Đồng thời, hãy giải thích lý do các quy tắc này được áp dụng và giúp con nhận thức được hậu quả của những việc không nên làm. Chẳng hạn như thời điểm mà con không nên sử dụng công nghệ hoặc truy cập đến một địa chỉ cụ thể, hay những vấn đề liên quan đến việc chia sẻ một bức ảnh trực tuyến sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet ,và có khả năng tác động đến cuộc sống cũng như nghề nghiệp trong tương lai của con.
Khi con dần lớn hơn, các bậc cha mẹ nên chủ động hơn trong việc thiết lập các hành động tiềm năng cũng như dạy cho con biết về những hậu quả tiềm ẩn.
Hướng dẫn con tự bảo vệ mình bằng chính các tính năng an toàn của các nền tảng nội dung
Trong Tiêu chuẩn Cộng đồng vừa được cập nhật ngày 17-5, nền tảng TikTok đã tăng cường sự chủ động của người dùng đối với xử lý các nội dung vi phạm cũng như bổ sung chi tiết cách kiểm duyệt các tính năng tìm kiếm, TikTok LIVE và trang "Dành cho bạn". Các bậc cha mẹ có thể chủ động tìm hiểu và hướng dẫn con mình cách sử dụng hiệu quả.
Chẳng hạn, người dùng có thể chủ động báo cáo các nội dung không phù hợp hoặc nghi ngờ vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng. Các nội dung, dù đăng tải ở chế độ công khai hay riêng tư, khi được phát hiện vi phạm các quy tắc của TikTok đề ra sẽ được gỡ bỏ khỏi nền tảng.
Đội ngũ kiểm duyệt sẽ tăng cường làm việc sát sao để đảm bảo người dùng nhỏ tuổi được tiếp cận với các nội dung phù hợp, cũng như giới hạn độ tuổi với nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên.
Theo Báo cáo thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok tháng 10 tới 12-2023, Việt Nam là nước có lượng người kiểm duyệt có ngôn ngữ chính là tiếng Việt cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Indonesia.
Người dùng còn có thể chủ động loại trừ những nội dung không đáp ứng tiêu chuẩn đề xuất khỏi trang "Dành cho bạn" trên TikTok. Các nội dung xuất hiện trên trang "Dành cho bạn" phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dùng và dựa trên sự đa dạng của cộng đồng cùng các chuẩn mực văn hóa.
Quy tắc mới cũng trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng bằng các thông tin, công cụ, tài nguyên về an toàn. Theo đó, nền tảng cung cấp cho người dùng bộ công cụ để quản lý trải nghiệm cá nhân và đăng tải nguồn tài nguyên này trên trung tâm an toàn.
Một vài tính năng nổi bật được nền tảng trang bị có thể kể đến như: vô hiệu hoá tin nhắn, kiểm soát tin nhắn, kiểm soát nội dung, kiểm soát bình luận, bộ lọc bình luận hoặc báo cáo…
Khảo sát của Google cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi.
Còn theo số liệu từ tổng đài bảo vệ trẻ em 111 và Cục an ninh mạng, Bộ Công An, 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet. Hơn 70% trẻ em đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet, gần 70% trẻ em khi gặp các vấn đề, sự cố trên không gian mạng thường dấu kín, không chia sẻ cho người lớn, thầy, cô…
Gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận