04/08/2015 09:05 GMT+7

Dạy con từ những bài báo

NGHĨA ĐỊNH (TP.HCM)
NGHĨA ĐỊNH (TP.HCM)

TT - Vợ chồng tôi dạy con không phải bằng lý thuyết giáo điều, không bằng sự áp đặt mà chính từ những câu chuyện cuộc sống, những con người hào hiệp, trượng nghĩa được báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Con gái của tác giả, sinh viên Nguyễn Thị Hằng Nga (người đeo kính), đang tham gia “Tiếp sức mùa thi” 2015 tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Đội “Tiếp sức mùa thi” Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cung cấp

Kể từ khi chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ ra đời (năm 1988), tôi bắt đầu chú ý đến những loạt bài nói về gương vượt khó, nghị lực chiến thắng nghịch cảnh của bao học sinh nghèo, có hoàn cảnh éo le.

Tôi đọc bằng tất cả sự khâm phục và cảm động. Thế là "mưa dầm thấm lâu", tôi yêu quý những bài viết ấy và "yêu" luôn Tuổi Trẻ. Đến khi lập gia đình, tôi lại góp phần trong việc truyền đam mê này cho vợ tôi.

Mong con thành “nhân”

Khi con gái tôi đi học, tôi bắt đầu cho cháu tiếp xúc những bài báo ca ngợi tấm gương vượt lên số phận, những mảnh đời bất hạnh hay tấm lòng vàng trên Tuổi Trẻ. Tôi và vợ cũng tập cho con thói quen là sau khi đọc xong, kể lại ba mẹ nghe đồng thời phát biểu cảm nghĩ, rút ra bài học cùng với hướng giúp đỡ của bản thân trong khả năng mình có.

Ban đầu cháu chưa quen nên nhận xét còn thiếu, nhưng chúng tôi đã kiên nhẫn giải thích và gợi ý thêm để con cảm nhận tốt hơn.

Những cuộc "trả lời phỏng vấn" đó đã giúp cháu nhận thức và thực hành đúng đắn về lòng nhân ái ngay từ lúc còn nhỏ. Ở lớp bạn nào có hoàn cảnh khó khăn, cháu liền chủ động báo thầy cô để tìm cách hỗ trợ.

Từ lúc học tiểu học, cháu đã biết giữ gìn sách giáo khoa cẩn thận để năm sau tặng lại các em không có tiền mua. Cháu không bao giờ xin tiền ăn quà vặt, nhưng luôn nhớ và nhắc ba mẹ cho tiền đóng góp vào các quỹ từ thiện do trường vận động.

Tôi còn nhớ khi học lớp 5, cháu đã xin tôi 20.000 đồng ủng hộ chương trình "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" của báo Tuổi Trẻ. Tôi chở cháu ra bưu điện và để cháu tự viết giấy gửi tiền. Do cháu lấy địa chỉ là trường học chứ không phải nhà riêng nên ban tổ chức chương trình đã gửi thư cảm ơn về trường cháu. Ban giám hiệu trường biết được việc này đã biểu dương cháu trong buổi chào cờ đầu tuần. Vợ chồng tôi nghe con kể lại mà cảm thấy hạnh phúc hơn cả lúc cháu được nhận danh hiệu học sinh xuất sắc. Bởi chúng tôi luôn mong muốn con mình thành "nhân" trước khi thành "tài".

Báo chí gieo “hạt giống tâm hồn”

Năm 2013, có hai câu chuyện đăng trên Tuổi Trẻ khiến con tôi đang tuổi học phổ thông rất cảm phục. Đó là tân sinh viên Lâm Văn Vũ (quê Quảng Ngãi) khi biết trúng tuyển vào đại học đã phải vội vã vô Sài Gòn phụ bán cà phê để kiếm tiền ăn học.

Nhờ báo đăng nên có rất nhiều nhà hảo tâm gửi tiền cho Vũ. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, khi thấy đã đủ tiền đóng học phí, Vũ liền chủ động từ chối các khoản giúp đỡ tiếp theo để nhường cho những bạn khác cũng đang gian nan trên con đường nhập học. Trong lúc khốn khó, chàng trai này vẫn kịp nhớ đến những người cùng cảnh ngộ.

Còn "Chuyện của Tèo" (Tuổi Trẻ 24-10-2013) cũng là trái tim nhân hậu của cậu học sinh lớp 12: mặc dù gia đình khá giả, bố mẹ muốn đưa đón bằng ôtô song Tèo vẫn tự đến trường bằng xe đạp.

Trong suốt thời gian học trung học phổ thông, em luôn dành thời gian giúp bà cụ "quang gánh tảo tần" trước cổng trường. Những hôm hàng rong của bà ế ẩm, em đã mua hết để giúp cụ rồi mang cho các bạn trong trường.

Vợ chồng tôi vui vì "thần tượng" của con không phải các ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh Hàn Quốc nổi tiếng mà chính là những thanh niên Việt Nam dù còn trẻ nhưng đã có tấm lòng "bồ tát".

Đối với Vũ và Tèo, tôi chưa biết mai kia hai em có thành đạt hay không, song tôi dám chắc chắn một điều nhất định các em luôn là người có ích cho xã hội. Chúng tôi cảm ơn Vũ, Tèo một nhưng phải cảm ơn những người phát hiện, đưa tin đến mười lần vì đã góp phần gieo "hạt giống tâm hồn" trong con tôi.

Từ nhận thức đến hành động cũng thật là gần. Có lần vào buổi trưa đi học về, xe đạp của con tôi bị lủng bánh. Trong lúc tìm nơi vá xe cháu nhìn thấy một người khuyết tật ngồi xe lăn bán vé số. Vậy là cháu liền vét hết 10.000 đồng còn lại để mua ủng hộ một tờ rồi dắt bộ xe về nhà.

Tháng 6 vừa qua khi hoàn thành xong kỳ thi cuối năm thứ nhất đại học, cháu liền có mặt trong đội sinh viên tình nguyện "Tiếp sức mùa thi" của trường. Mới đây, ở quận tôi có đợt hiến máu nhân đạo, chính cháu là người động viên tôi tham gia...

Tôi đúc kết một điều rằng trong việc dạy con, trách nhiệm chính đương nhiên thuộc về cha mẹ, nhưng vai trò của báo chí đối với giáo dục nhân cách con người cũng rất quan trọng.

Hộp thư

Đến chiều 3-8, báo Tuổi Trẻ đã nhận được 29 bài viết tham gia “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” của các tác giả: Đinh Thành Trung (Hà Nội), Nguyễn Thị Thu Hương, Đỗ Minh Hội, Nguyễn Ngọc Hà, Mai Đức Dũng, Quang Kiệt, Tấn Khôi, Thái Hoàng, Thế Phiệt, Trần Văn Tám, Phạm Nguyễn (2 bài), Nghĩa Định, Lê Phương Trí (TP.HCM), Nguyễn Thanh Hùng Hai (Long An), Võ Văn Dần (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Lê Ngọc Tân (Phú Yên), Lê Quang Huy (Tiền Giang), Phạm Văn Trung, Nguyễn Văn Thuấn (Cần Thơ), Triệu Ngọc Diệp, Thanh Vân (Trà Vinh), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu, 3 bài), Lê Tấn Thời (An Giang), Đỗ Thành Đông.

Tòa soạn báo Tuổi Trẻ mong nhận được thêm nhiều bài viết của bạn đọc chia sẻ những câu chuyện kỷ niệm cùng Tuổi Trẻ với chủ đề “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi”.

Bài viết vui lòng gửi qua đường bưu điện đến: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ghi rõ: Tham gia "Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi") hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Thời gian nhận bài từ ngày 1-8-2015 đến 22-8-2015.

Mời xem thể lệ  chi tiết .

TÒA SOẠN

NGHĨA ĐỊNH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên