21/04/2015 12:26 GMT+7

Dạy con tự chủ trước đám đông huyên náo

NGUYỄN HOÀNG
NGUYỄN HOÀNG

TTO - Có nhiều em bé chừng cấp I, cấp II cũng trèo qua rào đầy cọc nhọn để tràn vào hồ bơi ở công viên nước Hồ Tây! Hình ảnh vừa buồn cười, vừa đáng sợ cho các em.

Ẵm con nít trèo qua rào đầy cọc nhọn để vào hồ bơi công viên nước Hồ Tây - Ảnh: NHẤT NAM

Tôi tin (chứ chưa hỏi chuyện các em về động cơ) có em trong số đó bị rơi vào trường hợp làm theo đám đông hỗn loạn. Cha mẹ có thể tập cho con tính tự chủ, thoát khỏi hiện tượng đó.

Ai cũng biết hiện tượng “tâm lý đám đông” có thể cuốn hút ngay cả người lớn hành động theo đám đông. Trẻ em có trí một chút như các em trong video, chừng tiểu học và trung học, cũng thế.

Hồi nhỏ cấp 1, ở quê cả đám kéo nhau vào cái hồ dưới gốc đa. Tất cả chúng nó bơi, đập, la hét, đùa giỡn dưới nước ầm ĩ vui vẻ. “Tự nhiên” tôi cũng nhảy xuống cái ùm. Rồi chìm, sặc, vùng vẫy. Thế đấy, trẻ con trước đám đông “không ai bị làm sao cả”, sẽ có rất nhiều tự nhiên hành động.

Vì vậy, trẻ em cần được chỉ dẫn để có được thái độ tự chủ trước sức hút của đám đông. Và cha mẹ, có rất nhiều cơ hội hằng ngày, xung quanh, trong cuộc sống để cùng con trẻ hình thành khả năng này.

Thái độ là những cảm xúc như thích, ghét, bàng quan, quan tâm, phản đối, ủng hộ… Đó là một sự lựa chọn. Do đó, trẻ em cần được tập kỹ năng ra quyết định/lựa chọn. Tập mãi thì có được tự chủ.

Để lựa chọn hiệu quả, trẻ cần nhiều hơn một phương án để chọn. Chúng cần cha mẹ cung cấp về tính hai mặt của một vấn đề: có hại và có lợi, sự đánh đổi (ngầm hiểu: chứ không theo số đông hay số ít). Cha mẹ có thể dùng mẫu câu các em tiểu học đã quen thuộc: nếu…thì.

  • Nếu rác bị cuốn vào bồn rửa chén sẽ bị tắc. Nếu bỏ rác vào sọt rác thì bồn rửa chén có bị tắc nữa không?
  • Vào siêu thị, đi cầu thang, nếu chúng ta đi bên trái sẽ gặp điều gì? Có vài người đi bên trái, hãy xem điều gì đang xảy ra?
  • Vào thang máy có nhiều người lạ, nếu chúng ta nói chuyện to quá thì những người lạ kia trông họ như thế nào? Có vài người lạ cười đùa trong thang máy, những người còn lại phản ứng ra sao?
  • Đi xe trên đường có rất đông người quẹo sai làn đường, hãy xem chính họ có gặp nguy hiểm không? Hãy xem gương mặt của bác tài vừa thắng gấp trông như thế nào?
  • Món hàng này có rất đông người mua, độ bền kém gấp ba so với món hàng kia nhưng giá lại rẻ hơn một nửa. Chúng ta cần suy nghĩ một lúc nhé? (Đừng sợ bé bị “chậm chân” so với đám đông vì khi đã quen cân nhắc, lớn lên nó sẽ quyết định rất nhanh mà hiệu quả cao hơn. Ngầm hiểu: không phải cứ thấy đông người mua thì mình hùa theo, về đến nhà mới thấy hớ).
  • Có rất nhiều bạn không đội mũ bảo hiểm, ta có nên bắt chước không? Nếu chẳng may bị ngã thì người đội mũ và không đội mũ, ai được bảo vệ tốt hơn?
  • Xem kìa, rất nhiều người lớn qua đường mà không bật đèn báo làm người đi sau suýt đâm vào. Có rất nhiều người lớn khác bật đèn cẩn thận và ai cũng an toàn. Ta nên bắt chước người lớn nào trong số họ?
  • Xem video này nếu phải té ngã từ độ cao 2m thì điều gì xảy ra với em bé này? Gãy chân so với được bơi miễn phí, có đáng để đổi không? OK, con có chịu đổi 10 viên kẹo để lấy một viên kẹo không?
  • Một vé bơi 20.000 đồng. Bị cây thép kia đâm thủng ruột trong khi cố trèo qua, phải cấp cứu mất một số tiền gấp 1.000 lần vé bơi. Ta chọn cái nào thì hơn?
  • Xem hình leo tường này, cô này chú này là người lớn, nếu họ té ngã thì họ ít bị nguy hiểm hơn cậu bé này đúng không? Vậy trong trường hợp này, trẻ con không nên bắt chước người lớn đúng không?

Có rất nhiều câu hỏi trong đời sống mà cha mẹ có thể dùng để nói chuyện với con về thói quen ra quyết định, dựa trên nhận thức từ những dữ liệu có thật hằng ngày.

Vì sao các chuyên gia huấn luyện kỹ năng sống cho trẻ (không hẳn hiệu quả cho người lớn) thích dùng câu hỏi để giúp trẻ? Vì họ kỳ vọng vào quá trình trẻ tự suy nghĩ, tự làm cho bộ não trẻ “động đậy” thì hiệu quả hơn (nhớ lâu và ấn tượng mạnh hơn) so với câu kết luận cho trẻ “thuộc” thụ động.

Khi rơi vào tình huống bị đám đông huyên náo lôi cuốn mà không có bố mẹ, thói quen đặt vài ba câu hỏi cũng có thể có tác dụng “câu giờ” giúp đứa bé có cơ may làm chủ cảm xúc, đề kháng lại tác động từ bên ngoài.

Vì sao chuyên gia khuyến cáo cha mẹ tận dụng những tình huống có thật trong cuộc sống hằng ngày để giúp trẻ hình thành kỹ năng sống? Vì đó là điều đã, đang và sẽ xảy ra với chúng, trẻ có nhu cầu học điều đó để sử dụng vào đời sống ở mức độ của chúng như ăn và tắm. Trong môi trường chuyên nghiệp (lớp học), các nhà giáo dục chuyên nghiệp có thể dùng cách khác.

Mặt khác, trẻ chỉ hình thành kỹ năng sống khi có cơ hội lặp đi lặp lại nhiều lần, loại cơ hội “đời thực” này cha mẹ có nhiều hơn so với giáo viên ở trường.

NGUYỄN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên