Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, chỉ trong 3 ngày, từ 16 đến 19-8, báo chí và mạng xã hội dậy sóng vì hai vụ việc "Người lớn hành hung trẻ em".
Cả hai việc đều có cùng nguyên nhân: trẻ con chơi với nhau, mâu thuẫn và người lớn ra tay.
Sau bài viết Những bố mẹ 'hung thần', bênh con mình, bạo lực với con người khác, nhiều bạn đọc tiếp tục chia sẻ về vấn đề này và cho rằng thời gian gần đây "căn bệnh" này có chiều hướng lây lan.
Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Mạnh Quang.
"Đạp mạnh nó đi con, có mẹ ở đây, ai dám ăn hiếp con!"
Trong chung cư thang máy, hai đứa trẻ con tầm 4-5 tuổi đứng cạnh nhau. Người đông nên không gian cho mỗi người cũng vì thế mà chật hơn. Rồi bất chợt một đứa bé gái la lên: "Mẹ ơi, nhỏ này đạp lên chân con!".
Mẹ của em bé gái còn lại vội vàng xin lỗi, mong thông cảm vì đang đông người, con chị đứng nép sát vào nên vô ý giẫm lên chân bé còn lại.
Tưởng như thế là xong, nào ngờ mẹ của bé gái bị giẫm lên chân cau mày, rồi nhìn con mình quát lớn: "Đạp mạnh chân nó đi con, có mẹ ở đây, ai dám ăn hiếp con!".
Đứa bé co người không dám thì bị mẹ quát tiếp: "Bị đạp lên chân mà không dám đạp lại hả!".
Mọi người trong thang máy sững sờ, im lặng. Rồi sau đó những người lớn khác đều nhỏ nhẹ nói là mẹ của đứa bé kia đã xin lỗi, chuyện cũng nhỏ mà, không cần phải quát nạt như vậy.
Đáp lại, người mẹ vẫn tỏ ý hậm hực và càu nhàu con mình. Bước ra khỏi thang máy, chị vẫn không quên ném những cái nhìn thiếu thiện cảm về phía những người còn lại ở bên trong.
Lần khác, trong lúc cùng đồng nghiệp rôm rả chuyện trò trong giờ ăn trưa, một anh đồng nghiệp kể con anh năm nay học lớp 11 và trước đây là nạn nhân của bạo lực học đường, thường bị một nhóm học sinh khác chặn đường, bắt nộp tiền tiêu vặt.
Tại sao lại là trước đây? Anh hào hứng khoe rằng sau khi phát hiện ra chuyện này vào giữa năm lớp 10, anh đã "đón lõng" đứa đứng đầu nhóm bắt nạt, và "dạy" cho nó "bài học".
Không rõ anh đã "dạy" bằng cách nào, con anh không bị bắt nạt nữa, mà mấy đứa khác trong trường nghe tên anh là cũng sợ "xanh mặt".
Trẻ con học từ người lớn
Chúng ta thường nghĩ, trẻ đánh nhau, gây ra các vụ bạo lực học đường là do tiêm nhiễm thói xấu học được trên mạng xã hội. Hoặc do tính cách ương bướng, muốn thể hiện, đặc biệt là trong giai đoạn tuổi dậy thì rất dễ nổi loạn.
Nhưng gia đình các em, cha mẹ các em có hoàn toàn vô can? Phải chăng chính các em cũng học được từ người lớn.
Ai cũng bênh con mình, bảo: "Cháu nó ở nhà ngoan lắm!", nhưng hở cái là "cổ vũ" con theo kiểu "Đánh nó đi, có ba mẹ bảo kê", hay hùng hổ tìm đứa kiếm chuyện với con mình để "xử" thì sao làm gương cho con?
Cha mẹ có tính cách "gấu" như vừa chia sẻ ở trên thì sao mong con mình nhìn vào mà ngoan được?
Trở lại câu chuyện "Những bố mẹ "hung thần", bênh con mình, bạo lực với con người khác" tạo ra không ít tranh cãi trên mạng xã hội, tôi cho rằng việc "ăn miếng trả miếng" như thế này thật sự chẳng phải là hiếm trong cuộc sống.
Đó là hành vi ích kỷ đáng phê phán. Họ lúc nào cũng nghĩ con mình là vàng, con thiên hạ là "rơm rác" nên khi xảy ra chuyện thì luôn bênh con mình và cư xử thô bạo với con người khác.
Suy nghĩ ở một góc độ rộng hơn, phải chăng những hành động trả đũa qua lại này chính là mầm mống, là nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực học đường vẫn nhan nhản xuất hiện, với nhiều vụ mà mức độ của nó khiến người lờn cũng phải giật mình lo sợ.
Và xa hơn nữa, hậu quả mỗi lần xảy ra cãi vã, va chạm là chỉ chực chờ lao vào đánh nhau, thay vì tìm cách giảng hòa thì lại hậm hực kéo đồng bọn, kéo gia đình đến "chiến" tiếp?
Kiên nhẫn giải thích với con trẻ, như "mưa dầm thấm lâu"
Chuẩn bị vào năm học mới, cháu tôi hỏi câu khó:
- Ngày xưa ông đi học có bị "đầu gấu" bắt nạt không? Ba con có bị ai trấn lột hay bị đánh không?
- Có chứ!
Tôi trả lời.
- Vậy ông làm thế nào?
Cháu tôi hỏi tiếp.
- Với ông thì ông tự bảo vệ mình. Vì bố mẹ ông ở xa. Còn với ba của con, ông đến trường gặp bạn đã bắt nạt. Ông ngồi nói chuyện phải quấy và xin lỗi họ nếu ba của con làm gì sai, để bạn phải tức giận. Vài bữa, ông thấy ba con nói không bị bạn bắt nạt nữa, mà còn thân nhau.
Tôi lần lượt giải thích.
- Sao ông không "uýnh" họ?
Cháu tôi tiếp tục hỏi.
- Nếu người lớn mà dọa nạt, đánh trẻ em là phạm tội. Vì trẻ em được pháp luật bảo vệ. Trẻ em sai trái thì phải bảo ban, giáo dục họ. Cùng lắm thì báo nhà trường, ba mẹ hay pháp luật. Ông chọn cách gặp trực tiếp, tìm hiểu tại sao họ bắt nạt ba con, nói chuyện nhẹ nhàng, vậy là họ nghe ra.
Tôi hướng dẫn cháu.
- Vậy, con bị bắt nạt, ông có bênh con không?
Cháu tôi tiếp tục câu chuyện.
- Con phải nói cho ông biết ngay, tùy theo nguyên nhân xảy ra, ông sẽ có cách ứng xử phù hợp.
- Tôi kiên nhẫn hướng dẫn.
Có vẻ hài lòng, cháu tôi chốt lại:
- Vậy nha ông!
Kể lại câu chuyện có thật của ông cháu tôi để mọi người cùng thấy: người lớn cần bình tĩnh và tỉnh táo khi con, cháu mình bị bạo lực!
Nhẹ nhàng, nói chuyện có lý, có tình, mọi sự sẽ an lành.
Bạn đọc tài khoản thie****@gmail.com
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận