07/07/2020 09:25 GMT+7

Dạy con bằng sự khích lệ

LÂM BÌNH (Bà Rịa - Vũng Tàu)
LÂM BÌNH (Bà Rịa - Vũng Tàu)

TTO - Ai đã đọc cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm đều nhớ quy tắc của Dale Carnegie: 'Muốn cải thiện một người mà không làm cho người đó giận dữ, hãy bắt đầu bằng cách tặng vài lời khen thành thật'.

Dạy con bằng sự khích lệ - Ảnh 1.

Sự khích lệ của cha mẹ, thầy cô sẽ khiến trẻ mạnh dạn khám phá thế giới xung quanh - Ảnh: M.K.

Điều đó cho thấy con người từ cổ chí kim đều thích được khen ngợi. Người lớn thích khen, trẻ con lại càng thích. Nắm được bí quyết này, các ông bố bà mẹ sẽ có trong tay công cụ hữu hiệu để "cảm hóa" con cái mình.

Bị chê cả trong mơ

Nửa đêm, tôi giật mình vì tiếng ngủ mê ú ớ, nức nở của con: "Con không muốn đi học đâu, ai cũng chê chữ con xấu". Mới lớp 1 mà con tôi đã bị áp lực học hành đè nặng cả vào giấc mơ vậy sao?! Cả đêm ấy tôi không ngủ được, vừa xót con, vừa giận mình. 

Chữ của con tôi xấu thật, chữ sau dính rịt vào chữ trước, chữ đầu thì cao, chữ sau lại thấp, nét ngắn nét dài, nhìn nhấp nhổm như giun quậy. Biết thế nhưng tôi vẫn tặc lưỡi: "Thời buổi này chủ yếu gõ máy tính chứ mấy ai cần viết tay nữa".

Đó là sai lầm mà tôi phải mất rất nhiều thời gian để sửa sai. Và tôi bắt đầu hành trình sửa sai bằng việc cuống cuồng tìm kiếm và thử nghiệm bất cứ giải pháp nào mà bạn bè tư vấn. 

Khi thấy con quá sợ đi học vì bị chê chữ xấu, tôi lập tức lao đi tìm cho con lớp rèn chữ ở trung tâm. Một thời gian sau, thấy tình hình vẫn không cải thiện, tôi chuyển con về học lớp tại gia của cô giáo gần nhà.

Chữ con xấu vẫn hoàn xấu. Nghĩ con sợ lớp học, tôi quyết tâm tự mình rèn cho con vào tất cả các tối trong tuần. Ban ngày đi làm áp lực đủ thứ, tối về cơm nước vội vàng rồi hai mẹ con lôi nhau ra đánh vật với chữ nghĩa. 

Tôi stress đến phát điên, mắng con sa sả, thậm chí có lần không kiềm chế được, ném cả bút, vở của con đi. Hình ảnh thằng bé co rúm người, mắt ầng ậc nước trước mỗi cơn thịnh nộ của mẹ vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Những ngày ác mộng của hai mẹ con có lẽ vẫn chưa chấm dứt nếu không nhờ những ngày nghỉ dịch COVID-19, tôi tình cờ phát hiện một chiến thuật cực kỳ đơn giản, hiệu quả, lại chẳng tốn bất cứ xu nào.

Chiến thuật "lời khen"

Thời gian nghỉ học này, tôi quyết tâm kéo con dậy bằng được để đi tắm biển. Những ngày đầu, con không thể dậy được từ 5h sáng, hoặc có đi thì cũng mắt nhắm mắt mở. 

Hôm ấy trên bãi biển, bỗng một bác lớn tuổi nhìn con thốt lên: "Thằng bé giỏi quá, sớm vậy mà cũng dậy đi tắm được, cả biển chỉ có mỗi nó là con nít".

Tôi nhìn khắp biển, đúng vậy, xung quanh toàn người lớn. Thằng bé được khen, cười toét miệng sung sướng. 

Sáng hôm sau tôi chỉ cần gọi đến câu thứ 3 là con tự động bật dậy. Bơi quen dần, con bỏ phao, một mình bơi lội, quẫy đạp tung tăng. Cả biển lại xúm vào khen, thằng bé giỏi thế, bé thế này mà đã bơi không cần phao. 

Cứ thế, những lời khen của cư dân biển khiến con thay đổi 180 độ. Bây giờ, con lại là người dậy sớm hơn để đánh thức mẹ.

Thấy vậy, tôi áp dụng chuyện bơi vào chuyện học và rèn chữ. Thay vì vừa học vừa cáu giận, mắng mỏ, tôi khích lệ con bằng những câu nói và cử chỉ yêu thương. 

Khi thấy chữ con nắn nót hơn, tôi lập tức khen ngợi: "Mẹ thấy hôm nay chữ con rất tiến bộ, sắp xứng đáng làm vua Simba rồi đấy". Thấy mẹ khen, con lập tức thơm mẹ một cái rất tình cảm. Tôi và bà ngoại còn thống nhất không dùng từ "chữ xấu" trước mặt con, mà đổi thành "chữ con hơi đẹp rồi, gần đẹp rồi đấy, sắp đẹp rồi, cố thêm tí nữa là đẹp".

Thỉnh thoảng, tôi lại khen chữ con đã đẹp hơn bạn Bin, bạn Na trong xóm. Cứ thế, mỗi ngày một lời khen, lại thêm được mẹ trao thưởng khi tích đủ điểm thưởng trong tuần, con như được tiếp thêm sức mạnh vô hình, kiên trì luyện chữ, làm toán.

Cảm giác được thừa nhận

Trẻ con có xu hướng lặp lại hành vi, khi cha mẹ khen ngợi một hành động của con, con sẽ thích thú lặp lại hành vi đó.

Thầy cô giáo là những nhân vật quan trọng trong mắt trẻ, vì vậy khi được thầy cô khen trước lớp, dù chỉ là một tiến bộ rất nhỏ, trẻ cũng sẽ thay đổi thái độ rõ rệt, vì chúng có cảm giác mình được thừa nhận.

Người lớn chúng ta khi ra ngoài thì không tiếc lời khen ngợi con người khác, nhưng về nhà lại kiệm lời khen cho con cái mình. Hãy thay đổi chiến thuật, dùng lời khen để "cảm hóa" những đứa trẻ, đừng để chúng bị chê bai ngay cả trong giấc mơ!

Sức mạnh rõ rệt

Thấy lời khen có sức mạnh rõ rệt, tôi lập tức trao đổi với cô giáo trên lớp, nhờ cô tìm cách khích lệ con khi đi học lại. Kết quả thật tuyệt vời. Từ một đứa trẻ sợ trường học cả trong giấc mơ, giờ thì sáng sáng con vui vẻ tới trường.

Mỗi lần đón con về, tôi lại được tận hưởng một niềm vui không gì tả xiết. Hôm thì con khoe: "Mẹ ơi, con được cô thưởng kẹo vì tích cực phát biểu", hôm thì: "Mẹ ơi, con được tuyên dương trước lớp vì làm đủ và đúng hết bài tập"…

Và hạnh phúc thật sự vỡ òa khi một ngày tôi nhận được kết quả học tập cùng tin nhắn của cô giáo: "Con có sự tiến bộ vượt trội về mọi mặt. Con thật sự rất đáng khen ngợi mẹ à.

Cảm ơn mẹ đã đồng hành cùng cô!".

Mạnh hơn đòn roi

dad2 (3)444 1(read-only)

Đòn roi với đứa trẻ đương nhiên không có nhà giáo dục nào khuyến khích. Nhưng nhiều người đành sử dụng giải pháp này khi đã bất lực với tất cả các phương pháp. Khi đó, người ta sẽ dùng giáo dục bằng kỷ luật.

Điều này không khuyến khích. Nhưng nếu trong trường hợp nhất định cũng phải la con một cái, đánh vào mông con một cái để con nhớ thì cũng tốt.

Trong sư phạm có phương pháp gọi là bùng nổ sư phạm. Có nghĩa là dù cha mẹ có hết sức nhẹ nhàng, có giáo dục lành mạnh thì có khi cũng phải có hành động gì đó mang tính cảnh báo cho đứa nhỏ, chẳng hạn như đánh, thậm chí tát. Tuy nhiên, đòn roi có tác dụng nhất thời nhưng ảnh hưởng tâm lý trẻ về sau.

Do đó, người ta vẫn khuyến khích bằng sự khích lệ, động viên con, đi cùng, đồng hành với con.

Giáo dục bằng sự động viên, dành thời gian cho con, chỉ cần ở bên nhau chơi những trò đơn giản cũng được chứ không nhất thiết cứ phải làm những việc to tát, dạy dỗ nặng nhọc gì.

Như vậy, sự quan tâm khích lệ có sức mạnh hơn đòn roi, có sức mạnh hơn cả những lời sáo rỗng.

Cha mẹ nên chọn việc dạy con thông qua những cử chỉ, nhẹ nhàng giải thích, trò chuyện với con, khuyến khích. Tự nhiên con sẽ học được với phụ huynh nhiều thứ, kể cả hành vi, lời nói lẫn cảm xúc tình cảm.

Cha mẹ gần gũi với con không có nghĩa chỉ là gần về mặt địa lý, mà gần cả về cảm xúc, tình cảm, nhu cầu, hành vi…

Một khi con được lắng nghe, được động viên, được khích lệ, con sẽ có nền tảng cảm xúc tích cực, từ đó con sẽ có nhiều tiến bộ trong suy nghĩ, hành động, cả trong việc học lẫn cuộc sống.

ThS tâm lý Lê Minh Huân (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
- THẢO THƯƠNG ghi

Hai nữ nhà văn Hai nữ nhà văn 'cắt nghĩa' chuyện dạy con

TTO - Không hẹn mà cả hai nhà văn nữ cùng đồng thời ra mắt hai tập sách kể chuyện dạy con: Chuyện mẹ, chuyện con (Lê Minh Hà) và Cùng con vượt “bão” tuổi teen (Phong Điệp), với những chia sẻ bổ ích.

LÂM BÌNH (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên