TTCT - Hồi đầu thập niên 1970, khi đất nước còn ly loạn, ca khúc Gia tài của mẹ đã tạo ra nhiều thổn thức. Tuy vậy, cá nhân tôi không hiểu rõ nỗi lòng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong hai câu hát: “Gia tài của mẹ, một bọn lai căng/Gia tài của mẹ, một lũ bội tình”. Minh họa: Lưu Nguyên Sa Lúc đó cũng đang là tuổi “teen” và “xăm xăm” đi vào thế giới hiện đại như nhiều bạn trẻ hiện nay, tôi tuyệt đối tin vào giá trị phương Tây, phớt lờ bản sắc, gọi những gì thuộc về truyền thống là xưa cũ, “âm lịch”… Nhưng hai chữ “lai căng” vẫn vướng víu và buộc tôi phải tự hỏi ý nghĩa của nó? Theo nhiều định nghĩa, “lai căng là pha tạp những yếu tố ngoại lai sống sượng, trở nên lố lăng; là bắt chước một cách nhẹ dạ và mù quáng, ngược lại với truyền thống và văn hóa dân tộc. Là bắt chước phương Tây một cách vụng về…, là vọng ngoại”. Lai căng gặp nhiều trong văn hóa, lối sống, nhưng sợ nhất là lai căng trong nhận thức (nhân sinh quan), lai căng trong cách nhìn thế giới (thế giới quan). Chúng ta là sản phẩm của thời đang sống Chúng ta sống trong thời đại mà các nhà sử học gọi là “The age of Western Supremacy”, thời thống soái của phương Tây. Không trách được, vì mở mắt ra trong cuộc đời này tôi đã mặc âu phục, đọc viết bằng chữ Latin, sống theo nhịp của dương lịch, ăn uống theo kiểu mới, đọc sách Mỹ, Tây, xem phim từ Alain Delon đến Liz Taylor...; nghe nhạc theo thang âm phương Tây... Nên suốt thời thành niên của mình, từ cuối thập niên 1970 đến 1980, tôi chỉ thấy “giá trị phương Tây” là hoàn hảo. Tôi đã bị lai căng hóa trong nhân sinh quan lẫn thế giới quan của mình. Mà lúc ấy vẫn chưa phải là thời cực thịnh được “toàn cầu hóa” của văn minh phương Tây như bây giờ. Ngày nay, dưới áp lực khủng khiếp từ sức mạnh mềm và cứng của văn minh phương Tây, thế hệ trẻ còn khó đứng vững hơn nhiều và các biểu hiện của lai căng xuất hiện nhan nhản trong đời sống, văn hóa và thấm sâu vào thế giới quan của nhiều người. Người ta than khóc cho 120 nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố Paris mà không nhớ gì đến 240 người Nga vừa chết vì khủng bố trước đó, hay nhiều chục nạn nhân chết vì máy bay Mỹ ném bom “nhầm” tại một bệnh viện của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới ở Afghanistan hay hàng trăm nạn nhân chết trong các cuộc tấn công ở Mali, ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Nigeria và hàng triệu người chết từ các cuộc chiến ở Iraq, Syria... Người ta tôn sùng sự minh bạch và liêm chính của nền kinh tế Mỹ, giới kinh doanh Mỹ mà quên mất chính những chiêu trò thổi bong bóng của giới này góp phần chính trong cuộc sụp đổ kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay cũng chưa thoát ra được. Người ta cho rằng nước Mỹ là mẫu hình chuẩn của dân chủ, của xóa nhòa giai cấp... và dường như phương Tây có lời giải cho mọi vấn đề của nhân loại. Chúng ta thử xem có đúng? Những giá trị đang khủng hoảng Cuối tháng 10, dân biểu Paul Ryan được bầu làm chủ tịch Quốc hội Mỹ. Ông chỉ mới 45 tuổi và từng là ứng viên phó tổng thống cho cuộc tranh cử hồi năm 2012. Bài phát biểu nhận chức vụ của ông đã nói thẳng “The House is broken” (Quốc hội đang gãy đổ, tê liệt). Nhân dân Mỹ nhìn vào DC (chỉ thủ đô Mỹ) chỉ thấy toàn là “chaos” (lộn xộn, xáo trộn). Chúng ta phải thay đổi, phải làm đúng để tạo cảm hứng mới cho nhân dân. Ai theo dõi chính trị Mỹ đều biết rõ thực trạng này, lưỡng đảng của Mỹ ngày càng “partisan” (tính đảng phái quá nặng, đối kháng làm tê liệt nhau). Người ta nói rằng thể chế Mỹ đã không còn “work” (không còn hoạt động được nữa). Tổng thống Mỹ lúc này được gọi là “lame duck” (chú vịt què) vì thường ở vài năm cuối của nhiệm kỳ ông ta hoàn toàn bất lực, ai cũng biết ông sẽ ra đi và những gì ông làm sẽ chẳng bao giờ thành tựu. Tất cả ứng viên tổng thống Cộng hòa trong đợt tranh cử hiện nay đều dọa rằng sẽ xét lại và xóa bỏ nhiều thành tựu của ông Obama ngay ngày đầu tiên ngồi vào tòa Nhà Trắng, kể cả Obamacare... Còn nói về một xã hội hài hòa phi giai cấp, ta cần chú ý đến hai gương mặt lớn của cánh tả đang chi phối chính trị Anh và Mỹ - cái nôi của văn minh phương Tây. Tại Anh, thắng lợi vang dội của nghị sĩ Jeremy Corby vào chức chủ tịch Đảng Lao động, chính thức trở thành lãnh đạo đối lập tại nghị viện Anh đã chỉ ra vấn đề giai cấp tiếp tục ngự trị xã hội Anh. Ông này là một nhà xã hội dân chủ (Democracy Socialist) luôn đấu tranh chống bất bình đẳng và đói nghèo tại Anh, ủng hộ tái quốc hữu hóa các dịch vụ công và ngành đường sắt, bãi bỏ học phí đại học, chống giới nhà giàu lách thuế, chống can thiệp vũ trang vào Iraq và Trung Đông, ủng hộ nhân dân Palestine... Ông ta đi làm ở nghị viện bằng xe đạp và không hát quốc ca “God save the queen”... Còn ở Mỹ, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đứng thứ hai trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của Đảng Dân chủ, đang rất được mến mộ. Ông cũng là một nhà xã hội dân chủ luôn đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội. Trong những cuộc tranh luận giữa các ứng viên tổng thống, ông kêu gọi thẳng “...phải giành lại chính quyền từ tay nhà giàu”. Trong phát biểu loan báo tham dự cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông nói: “Tôi không tin rằng người Mỹ đã chiến đấu nhằm tạo ra nền dân chủ Mỹ là để các tỉ phú nắm hết tiến trình chính trị như hiện nay”. Ông than rằng đây là đất nước có tù nhân nhiều nhất thế giới, rất nhiều người không có bảo hiểm y tế, nhiều gia đình không thể đưa con vào đại học, một định chế phân biệt chủng tộc... Như vậy, xem ra người dân ở cái rốn của phương Tây ít thần tượng họ hơn là chúng ta! Từ chối lệ thuộc lối sống để có tự chủ Từ đầu năm 2015, sân khấu thế giới nổi lên một vị thủ tướng ở tuổi 40, phong cách giản dị, dễ mến, đó là Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras. Hãy xem xuất thân của con người này: tham gia tổ chức những người cộng sản trẻ từ năm 1980, sau đó thành lãnh đạo cánh tả Hi Lạp. Đặc điểm nổi bật là ông từ chối không đeo cà vạt ngay cả trong các hội nghị thượng đỉnh châu Âu. Có nhiều lý do giải thích việc này, nhưng lý giải từ nội các của ông nói thái độ đó vì họ chỉ là những chính khách bất đắc dĩ, họ không muốn rơi vào lề thói của chính trị hiện nay, cố gắng giữ lấy chất xã hội cánh tả của mình. Từ thái độ này, ta nhớ đến Mahatma Gandhi - luật sư từng học ở Anh, từ bỏ Âu phục, lối sống phương Tây để quay về truyền thống, tự dệt vải và mặc quốc phục của mình. Từ năm 1920, Gandhi đạt đến đỉnh cao của cuộc đấu tranh vươn đến trạng thái tự chủ (svaraj), rồi mở rộng thành cuộc đấu tranh bất bạo động với chính sách “bản quốc” (svadeshi), tẩy chay những sản phẩm ngoại lai, đặc biệt từ Anh. Quay lại với truyền thống, ủng hộ việc dệt vải để mặc (khadi)... Tẩy chay các cơ quan giáo dục và pháp tòa Anh, hủy bỏ những danh hiệu, huy chương Anh. Tinh thần từ chối lối sống phương Tây để tránh bị ảnh hưởng và giữ được thái độ tự chủ tiếp tục được thể hiện và tuyên dương đến ngày nay, khi biểu tượng bánh xe quay chỉ dệt vải này được đưa vào lá cờ của quốc dân đại hội, sau đó thành quốc kỳ của Ấn Độ (dù bánh xe chỉ Chakra được thay bằng Ashoka Chakra hàm nghĩa guồng quay vĩnh cửu của luật lệ). Hội nhập một cách tự trọng Chúng ta không phải và không thể chống hội nhập, càng không phải hoài cổ bởi thế giới quan của chúng ta đã sâu đậm những giá trị toàn cầu, và hội nhập là thành tựu của một xã hội văn minh. Nhưng bằng chính thế giới quan hội nhập đó, một cách tỉnh táo và được thông tin đầy đủ, khi soi rọi lại lịch sử của mình chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi có rất nhiều chất hiện đại và sáng tạo trong dòng lịch sử Việt Nam. Tôi vẫn luôn say mê cuộc mở cõi vào Nam của họ Nguyễn cách nay 500 năm, vì đó là cuộc đột phá lớn mang đến một luồng của cải chưa từng thấy cho dân tộc này so với thời còn khu trú ở phía Bắc sông Gianh. Chính từ đây mà 200 năm trước nước Việt có một kinh đô Huế lộng lẫy và được quy hoạch đàng hoàng, một Gia Định thành sung túc, một Thăng Long thành quy củ. Đúng là một đất nước toàn cõi có văn hiến bền lâu. Nhưng tôi cũng ngạc nhiên không kém về một thể chế chính trị khá sáng tạo của Đàng Ngoài: vừa có vua Lê, vừa có chúa Trịnh! Có thể không so sánh được với một nền quân chủ lập hiến đương đại, nhưng mô hình một vương triều mang tính đại diện và một phủ chúa điều hành đất nước - dù còn nhiều khập khiễng - cũng cho thấy một cách tìm tòi để đạt được một thể chế giúp Đàng Ngoài tồn tại và vận hành hơn 300 năm. Hơn thế nữa, việc một dòng họ xuất phát từ Nguyễn Kim rồi tìm kế phân chia làm hai: anh rể ở lại Bắc, em vợ đi vào Nam phải chăng - dù vô tình hay cố ý - cũng là một kế sách an toàn để tránh một sự quá tải nếu chỉ một bộ máy vừa bảo toàn miền Bắc vừa phiêu lưu vào Nam? Ngoài chính trị, trong cuộc rong chơi ở thế gian này, giới trẻ thường khâm phục những phong cách lãng tử. Tôi cũng thế và thật lòng đi nhiều, đọc nhiều, tôi yêu thích nhất cách lãng tử, “cao bồi” của cụ Nguyễn Công Trứ với khẩu khí: Chơi cho lịch mới là chơi. Chơi cho đài các cho đời biết tay hay phong cách hảo hớn: Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc. Nợ tang bồng vay trả trả vay. Chí làm trai nam bắc đông tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể. Cụ vừa chơi giỏi, vừa phong lưu, tao nhã, vừa là nhà quản lý đất nước giỏi, vừa khí phách liêm chính, vừa làm kinh tế giỏi khi khai phá vùng đất Kim Sơn, Tiền Hải... Và nếu ngày nay giới trẻ bảo vệ thiên nhiên, thích sống hài hòa với trời đất, du lãng đến tận Hi Mã Lạp Sơn để học những vị ẩn tu, thì năm trăm năm trước cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống và dạy những điều tương tự: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp. Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. Đó chỉ là những đơn cử nhỏ cho một dòng văn hiến lớn. Cho nên phải chăng chúng ta khi tham dự toàn cầu hóa phải chống lại những cám dỗ quá mức, phải chọn lọc trong tiếp thu, phải quan tâm đến sự khác biệt vì không chỉ có văn minh phương Tây là ưu việt, và cần nhớ rằng đừng nhìn mọi thứ trên thế gian này bằng con mắt của phương Tây dù hiện chúng ta đã “ăn Tây, mặc Tây, đọc Tây, đi Tây”, để cho Gia tài của mẹ không “lai căng, vọng ngoại”, không “bội tình” với đất nước, với lịch sử.■ (*): Lời của ca khúc Gia tài của mẹ Tags: LƯU VĨ LÂNGia tài của mẹDạy con tiếng nói thật thàGiá trị khủng hoảng
Phó bí thư thường trực Nguyễn Thanh Nghị: Sẽ chung sức để TP.HCM ngày càng phát triển TIẾN LONG 25/01/2025 Ngay sau khi được trao quyết định, tân Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu nhận nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.