Các bạn trẻ tham gia đợt tuyển chọn giọng hát cho dự án “” - Ảnh: T.B.
Dự án cũng đào tạo lớp khán giả mới am hiểu, nghe được, cảm thụ được để cùng giữ gìn, tiếp nối, lan tỏa loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo có 100 năm tuổi này.
Muốn được yêu thích và tiếp tục phát triển, cải lương phải nói lên tiếng nói của thời đại và nhất là tiếng nói của các bạn trẻ.
Tiến sĩ ĐÀO LÊ NA
Người thực hiện chương trình là tiến sĩ Đào Lê Na (33 tuổi) - trưởng bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, khoa văn học ĐH KHXH&NV TP.HCM và người bạn là Bùi Thiên Huân (26 tuổi), giảng viên dạy biên kịch.
Đào tạo cải lương chuyên nghiệp
TS Đào Lê Na kể cách đây ba năm, chị đã có ý tưởng làm dự án Cải lương và bạn trẻ. Thời điểm đó chưa có kinh phí, nên biên soạn xong chị đành tạm gác lại. Mới đây, "thiên thời địa lợi nhân hòa" khi Hội đồng Anh cũng làm dự án liên quan đến âm nhạc truyền thống, chị đã xin được tài trợ.
Anh Bùi Thiên Huân cho biết dự án gồm hai lớp Trải nghiệm cải lương, và Thưởng thức cải lương. Trong đó, lớp Trải nghiệm cải lương có 20 bạn trẻ trong độ tuổi từ 9-19 có chất giọng phù hợp với cải lương được đào tạo.
"Dự án tuyển chọn giọng hát có tố chất để đào tạo bài bản về mặt ca và diễn trong 45 buổi học. Trong đó 2/3 số buổi dạy về đàn, về ca, các làn điệu, các bài ca cổ... 1/3 thời lượng được dạy diễn, dàn dựng vở diễn và diễn tại sân khấu như một người nghệ sĩ thực thụ" - anh Huân giải thích thêm.
Tại lớp Thưởng thức cải lương, các bạn trẻ có độ tuổi dưới 22 có thể tham gia, được học các kiến thức để hiểu hơn về cải lương. Hiện đã có hơn 60 bạn trẻ đăng ký lớp học này.
Trong dự án, NSND - TS Bạch Tuyết là cố vấn, đạo diễn Trương Văn Trí và nhạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải - trưởng khoa âm nhạc Nhạc viện TP.HCM - trực tiếp giảng dạy.
Tạo lớp nghệ sĩ, khán giả mới cho cải lương
TS Đào Lê Na và bạn Bùi Thiên Huân cho biết lý do họ quyết tâm thực hiện dự án này là vì cần mang cái hay của cải lương lan tỏa đến nhiều người trẻ hơn.
"Hồi đó "bị" ông bà bắt nghe cải lương, mình kêu trời ơi sao mà ê a chán, mệt. Sau này làm về sân khấu, mình mới thấy cải lương rất hay, có những câu thoại viết ra được là không hề đơn giản" - anh Huân cười.
"Muốn được yêu thích và tiếp tục phát triển, cải lương phải nói lên tiếng nói của thời đại và nhất là tiếng nói của các bạn trẻ. Các cô chú từng là một thời huy hoàng của cải lương nay đã lớn tuổi, và mình cần xây dựng một đội ngũ kế thừa, và để có đội ngũ đó thì phải tìm. Ví dụ về giọng hát phải tìm các bạn từ khi còn bé, từ lúc 9 tuổi" - chị Na trăn trở.
Có người diễn thì phải có người nghe. "Khán giả chính là bộ phận quan trọng để gìn giữ cải lương. Nếu muốn hiểu về một loại hình nghệ thuật phải có kiến thức cơ bản và hiểu được ngôn ngữ, hiểu được văn hóa. Mình hiểu được thì sẽ thấy được hết cái hay, cái đẹp của cải lương và yêu bộ môn này nhiều hơn. Do đó cần bồi dưỡng để tạo ra một lớp khán giả thực sự hiểu cải lương là gì, quan tâm yêu thích rồi họ lan tỏa đến cộng đồng" - chị Na chia sẻ.
Là một người rất mê nhạc kịch nước ngoài, anh Bùi Thiên Huân cho rằng cải lương của dân tộc Việt Nam có tầm vóc không thua kém. "Khi hiểu về cải lương, tôi kiếm các tuồng như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga và những tuồng sau này như Đời cô Lựu, Bên cầu dệt lụa..., tôi thấy tầm vóc của cải lương lớn và hiểu được vì sao cải lương được khán giả yêu quý" - anh Huân nhấn mạnh.
Cuối tháng 2 này, dự án Tiếp bước trăm năm đi vào hoạt động. Anh Huân hi vọng khóa đào tạo được các bạn trẻ quan tâm yêu mến nhiều, các nguồn lực xã hội tiếp tục tài trợ để duy trì, lưu giữ loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận