29/09/2013 12:23 GMT+7

Dạy bằng công nghệ hiện đại kiểu nào hiệu quả?

LÊ NGỌC ĐIỆP  (Nguyên Trưởng phòng GD Tiểu học TP.HCM)
LÊ NGỌC ĐIỆP  (Nguyên Trưởng phòng GD Tiểu học TP.HCM)

TTO - Sử dụng CNTT vào chương trình đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên còn nhiều bất cập là không tránh khỏi như báo Tuổi Trẻ đã nêu ra. Nhưng chúng ta cũng có quyền tin rằng những điều thấy được sẽ ngày càng tươi sáng hơn.

Đó là ý kiến của một số cán bộ quản lý giáo dục mà Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu.

4qadtkgm.jpgPhóng to
1 góc lớp học trường tiểu hoc TP Lund - Thuỵ Điển - Ảnh: Lê Ngọc Diệp

1. Một thời, người ta tranh luận khi giảng bài Thúy Kiều, Thúy Vân trong Truyện Kiều với nét đẹp ”mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” thì có nên vẽ tranh minh họa để học sinh có thể hình dung được cụ thể nét đẹp không có chỗ nào chê mà cụ Nguyễn Du miêu tả.

Nhiều ý kiến e ngại là các em sẽ thất vọng vì tranh vẽ sẽ làm mất cảm xúc và tưởng tượng bay bổng , lãng mạn mà các em hình dung và so sánh với những người đẹp mà các em ngưỡng mộ, yêu mến rất riêng của chính mình như người mẹ, người chị, một cô gái hàng xóm hay người bạn gái trong trường…

Khó có thể dùng bức tranh hay hình ảnh thay thế cho lời giảng và giọng đọc của thầy cô trong nhiều bài học văn chương bậc học phổ thông và trong các môn học khác nữa. Điều này, là lớp người của thế kỷ trước, tôi luôn bảo thủ và cho rằng các phương tiện kỹ thuật đã bị lạm dụng .

2. Khi có dịp được đi học tập, tham quan nước ngoài, tôi có cơ hội nhìn thấy các trang thiết bị dạy học rất tân tiến, phong phú. Các thế hệ máy móc liên tiếp được giới thiệu; chức năng, phương tiện với cái mới hay hơn cái đang sử dụng.

Một giờ dạy ở Singapore bài Quan sát, miêu tả, thầy và trò ngồi trước màn hình, tư thế rất thoải mái (không phải trên bàn học) các em quan sát, ghi nhận và thảo luận. Trên màn hình một con hà mã từ dưới biển bước lên bờ, bước đi từ từ… và học sinh nói những điều mình vừa quan sát theo hướng dẫn của giáo viên …

Trong lớp học THCS ở San Francisco thì máy chiếu đặt giữa phòng học. Học sinh ngồi theo từng nhóm…Ở Hàn Quốc, màn hình đặt giữa tấm bảng lùa có ba lớp, lúc không sử dụng màn hình được lớp bảng ngoài che khuất.

3. Chúng tôi và các giáo viên dự lớp tập huấn, lần đầu có sử dụng máy chiếu thật thích thú và hứng khởi. Báo cáo viên không còn nói huyên thuyên, rồi phát tài liệu về đọc.

Trên màn hình, nội dung xuất hiện power point tóm tắt, rồi sau đó có minh họa thật dễ hiểu. Nhà trường có được may chiếu là mơ ước một thời của giáo viên và học sinh.

Ngành Giáo dục Đào tạo TP.HCM phổ cập tin học cho giáo viên trình độ tối thiểu sử dụng được máy tính và các trang thiết bị kỹ thuật. Máy chiếu phải tốn nhiều tiền nên các trường vận động màn hình tivi kết nối với máy tính.

Đây là mặt tích cực năng động trong đổi mới phương pháp dạy học, bước đầu hội nhập với thế giới trong điều kiện kinh tế còn khó khăn mà công nghệ thông tin đang mỗi ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1) xây dựng Phòng học tiếng Anh trang bị bảng tương tác, học sinh học rất thích thú và cha mẹ các em rất đồng tình ủng hộ.

Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) được tặng bảng tương tác đã tổ chức tiết dạy, mời tất cả cha mẹ học sinh từng lớp dự giờ, cùng ngồi học với các con .

4. Sử dụng trang thiết bị hiện đại để hội nhập là một yêu cầu của giáo dục và cho trẻ em hôm nay được hưởng thụ các phương tiện kỹ thuật trong học tập như các bạn cùng lớp tuổi trên thế giới. Có thể chưa bằng được các bạn ở các nước giàu nhưng ít ra các em cũng nhận được sự quan tâm và bước đầu có tầm nhìn và mơ ước, khát vọng cho ngày mai. Đây là mặt rất tích cực đáng để trân trọng và khuyến khích.

Mặt còn lại là ở quản lý , tổ chức vận động. Ở những nơi làm theo phong trào, áp đặt trong khi cha me các em chưa hiểu chưa được giải thích, hay ở những nơi làm để đếm số lượng mà không biết tác dụng và hiệu quả thì thật đáng lên án.

Về quản lý các cấp chưa định hướng theo mục tiêu giáo dục nên còn tự phát và đôi chỗ tràn lan, lạm dụng. Chúng ta đang hiện đại hóa giáo dục, và tất cả đều đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên còn nhiều bất cập là không tránh khỏi như báo Tuổi Trẻ đã nêu ra.

Nhưng chúng ta cũng có quyền tin rằng những điều thấy được sẽ ngày càng tươi sáng hơn.

Ứng dụng công nghệ phải "đắt"

Phải khẳng định rằng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) không đồng nhất với đổi mới phương pháp dạy học (PPDH). CNTT chỉ là phương tiện tạo thuận lợi nhằm triển khai PPDH tích cực, chứ không phải là điều kiện đủ của PPDH này.

Để một giờ học có ứng dụng CNTT là một giờ học phát huy tính tích cực của học sinh, thì điều kiện tiên quyết là việc khai thác CNTT phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Ý tưởng sư phạm khi thiết kế bài giảng phải đặt lên hàng đầu

Một giờ dạy hay, dạy tốt, dạy hiệu quả trước hết phải là KỊCH BẢN SƯ PHẠM của người thầy làm sao để học sinh hứng thú, tích cực chủ động trong học tập. Sau đó, các phương tiện, thiết bị hay CNTT chỉ là những CÔNG CỤ HỔ TRỢ để thể hiện tốt nhất kịch bản đó mà thôi.

+ Sử dụng CNTT phải “đắt”

Hãy nghĩ đến CNTT khi các phương tiện, công cụ khác không thực hiện được hay thực hiện với hiệu quả KHÔNG CAO, KHÔNG tạo ra sự khác biệt về chất và lượng.

+ Thời gian sử dụng hợp lí, không được lạm dụng cái ảo do CNTT tạo ra

Cần có kết hợp biện chứng giữa CÁI ẢO (do CNTT tạo ra ) và CÁI THỰC trong quá trình dạy học. Không nên quá cầu kỳ về mặt HÌNH THỨC của sản phẩm CNTT hỗ trợ dạy học, tránh phân tán sự tập trung chú ý vào nội dung bài học.

CNTT nên được sử dụng theo hướng tạo ra những THÁCH THỨC VỪA PHẢI với học sinh, không quá khó và cũng không quá dễ.

+ Tham khảo thông tin cần có sự thẩm định, khuyến khích học sinh sử dụng CNTT trong học tập

Cần đảm bảo SỰ PHÙ HỢP của tài nguyên với mục tiêu, nội dung, phương pháp sử dụng trong giờ dạy. Giáo viên phải là người có năng lực TÌM KIẾM, THẨM ĐỊNH thông tin có liên quan trên Internet trước khi định hướng cho học sinh. .

Người viết rất thích thú khi dự giờ tiết ngữ văn bài “Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ” khi cô giáo đã sử dụng công nghệ như phương tiện hỗ trợ bài học: chỉ chiếu hình ảnh, đoạn phim... làm ngữ liệu nhưng học sinh rất say mê và hứng thú bởi cô giáo đã sử dụng công cụ trình bày bài giảng sinh động như: tô sáng, tô màu tạo điểm nhấn... .

Tôi hỏi cô giáo: Sao cô không thiết kế bài giảng để trình chiếu?

Cô giáo chia sẻ: “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn. Học sinh có nhiều đối tượng nên ý tưởng sư phạm của người thầy phụ thuộc vào đôi mắt của học trò để xử lý tình huống. CNTT không thể làm được việc đó mà phấn trắng bảng đen chính là sự tương tác giàu cảm xúc nhất giữa thầy - trò. Bởi vậy người ta bảo nhà giáo là kỹ sư tâm hồn là ở chỗ đó”

Công nghệ chỉ là công cụ, việc sử dụng công cụ có hiệu quả hay không tùy thuộc vào kiến thức của chúng ta.

Mời xem thêm:

LÊ NGỌC ĐIỆP  (Nguyên Trưởng phòng GD Tiểu học TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên