21/11/2012 06:59 GMT+7

Dạy aikido cho người khuyết tật

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Trong bộ võ phục của môn aikido, thỉnh thoảng một vài võ sinh lăn ra sàn nằm lì chờ cô giáo tới năn nỉ... Đó là hình ảnh ở lớp võ thuật miễn phí dành cho người khiếm thị, thiểu năng... của vợ chồng võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan và Đặng Văn Phát.

mNCLznyH.jpgPhóng to
Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan và học trò - Ảnh: Đoan Trân

Ít ai biết rằng cô Nguyễn Thị Thanh Loan là trưởng bộ môn aikido thuộc Hội Võ thuật người khiếm thị TP.HCM, đồng thời là người phụ nữ Việt Nam thứ hai đạt đến đẳng shodan (tức huyền đai quốc tế aikikai). Ngoài đời người ta thường nhắc đến cô như một võ sư của những thân phận kém may mắn bởi cô và chồng là những võ sư đầu tiên dám liều nhận các võ sinh bị thiểu năng trí tuệ, trong đó có những em mắc hội chứng Down.

Nỗi trắc ẩn của nữ võ sư...

Khuôn mặt còn đầm đìa mồ hôi sau giờ dạy, nữ võ sư 66 tuổi nhớ lại: “Lúc đầu tôi cùng các anh em võ sư trong Hội Võ thuật thành phố chỉ dám nhận những em bị khiếm thị, khiếm thính với mong ước giúp các em hòa nhập phần nào với xã hội, tránh được những rủi ro trong cuộc sống vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.

Mọi chuyện bắt đầu vào một chiều mưa năm 2005... Khi tôi đang hướng dẫn những võ sinh khiếm thị thì có một phụ nữ dẫn theo đứa con mắc hội chứng Down thập thò đứng trước cửa. Kiên nhẫn chờ đến cuối giờ học, người mẹ rụt rè trình bày muốn xin cho con vào học võ. Dù thông cảm với người mẹ trẻ đó nhưng tôi cũng đành từ chối vì chưa hề có tiền lệ. Đêm đó về nhà tôi không thể nào chợp mắt được vì hình ảnh đứa trẻ ngây ngô, đôi mắt van lơn rướm lệ của người mẹ cứ ám ảnh tôi nhiều ngày liền. Là một người mẹ, tôi càng hiểu hơn ai hết nỗi thất vọng của những phụ huynh chẳng may sinh ra những đứa con không lành lặn!

Dù lòng muốn nhận các em lắm nhưng trước mắt tôi là hàng loạt câu hỏi, những bài toán khó chưa có lời giải. Hầu hết các em bị hội chứng Down không có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật, cuộc sống còn nhiều lo toan, lấy đâu ra tiền thuê mặt bằng làm nơi luyện võ cho các em”.

Học võ rồi học vẽ, hát

Không chỉ dùng võ thuật để giúp các em tìm lại chính mình, cô Thanh Loan còn thường xuyên tổ chức cho các em học hát, học vẽ rồi đi dã ngoại. Mạnh mẽ trên sân võ là thế, nhưng ngoài đời khi chứng kiến cảnh cô vui đùa cùng các em, ít ai nghĩ nữ võ sư đó đã ngoài 60 tuổi. Sau giờ học, nhiều em ôm chầm lấy cô ríu rít chuyện trò như con và mẹ.

Sân võ rộn tiếng cười, tình thương như được chuyển hóa thành những giọt lệ lăn dài trên khuôn mặt hạnh phúc của những phụ huynh...!

Sau nhiều lần suy nghĩ, lại được chồng là võ sư Đặng Văn Phát và đồng nghiệp ủng hộ nên võ sư Thanh Loan đánh liều nhận một vài em bị thiểu năng vào học thử với điều kiện là các buổi tập phải có phụ huynh đi cùng. Đó là vào cuối năm 2005, khi cô đang dạy một lớp võ thuật cho người khiếm thị ở CLB Thể dục thể thao Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM).

Cô nhớ lại: “Cầm lòng không đặng nên tôi làm liều chứ nói thiệt lúc đó tôi lo lắm. Bởi sau nhiều năm dạy võ cho các em khiếm thị, tôi đã thấm cái khó khăn của nghề rồi, nay với các em thiểu năng thì chắc chắn khó khăn phải thêm bội phần. Nhưng khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ nổi cáu quay lại đánh bố mẹ chúng, tôi tự động viên mình phải dùng võ thuật, dùng tình thương để giúp đỡ, chia sẻ với những gia đình kém may mắn. Mà cũng thật kỳ lạ, chẳng biết từ đâu mà tôi có một niềm tin mãnh liệt là sẽ giúp được các em tìm lại tính người trên một thân thể không bình thường”.

Mỗi học sinh một giáo án

Khi số lượng võ sinh bị thiểu năng, mắc hội chứng Down ngày càng đông, võ sư Thanh Loan và chồng đành phải nhờ đến Hội Võ thuật thành phố xin địa điểm mở một lớp miễn phí riêng cho các đối tượng này tại nhà tập luyện Phú Thọ. Việc dạy võ aikido cho người thiểu năng chưa hề có trong lịch sử của môn phái này, vì thế võ sư Thanh Loan phải tự mày mò soạn giáo án.

Trên bàn làm việc tại nhà riêng, cô vẫn còn lưu hàng xấp dày giáo án được soạn bằng tay đã ngả vàng. Điều đặc biệt, giáo án của cô được soạn riêng theo từng cá nhân võ sinh chứ không phải theo lớp.

Trong mỗi giáo án, cô cẩn thận ghi rõ tên tuổi, bệnh tật, tính tình và sự tiến bộ qua từng ngày của võ sinh. Nhiều người đã bật cười khi đọc trong giáo án của cô có đoạn ghi: “Nguyễn Văn T., 35 tuổi, hay khóc, thích dỗ ngọt. Đã bớt cộc cằn, biết phụ giúp mẹ sau một năm tập luyện”.

Nhiều vị võ sư đến từ quê hương của võ phái aikido (Nhật Bản) khi đến thăm lớp võ đặc biệt của vợ chồng võ sư Thanh Loan đã phải thốt lên: “Đây là chuyện cổ tích có thật mà tôi chưa từng dám tưởng tượng ra. Các bạn - những người Việt Nam - đã làm võ phái của chúng tôi rạng danh hơn nhờ tính nhân văn mà các bạn đang áp dụng!”.

Giọt lệ hạnh phúc

Chia sẻ cùng với võ sư Thanh Loan trên hành trình gieo niềm tin cho những mảnh đời khốn khó là người chồng - võ sư Đặng Văn Phát. Gặp ông trong một buổi chiều chủ nhật sau giờ lên sân võ, ông tâm sự: “Dù đã 66 tuổi nhưng tôi vẫn phải miệt mài làm việc để phụ cùng vợ duy trì lớp võ aikido miễn phí cho các em. Ngoài việc dạy tại các sân võ, thỉnh thoảng tôi còn phải nhận thêm việc lái xe tải thuê để kiếm sống. Những hôm vợ bệnh hay bận công việc nhà thì tôi thay thế. Nhìn sự tiến bộ, dù rất chậm - của các em, tôi và vợ như có thêm niềm tin để tiếp bước. Là một người thầy đứng trên sân võ gần 40 năm, hơn ai hết tôi hiểu những trăn trở của vợ. Chúng tôi cùng thề với nhau là dù cuộc sống có khó khăn đến đâu vẫn đồng hành cùng các em đến hơi thở cuối cùng!”.

Hạt mầm tình thương của thầy cô nay đã nảy mầm. Mới đây, một môn sinh của họ đã tiếp nối con đường của cô thầy, mở thêm một lớp dạy võ cho những người bị thiểu năng tại Thủ Đức với tên gọi: “Aikido - thế giới là yêu thương”.

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên