14/12/2008 06:29 GMT+7

Đau xót nạn bạo hành trẻ em - kỳ cuối: Những vết sẹo cuộc đời

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Vợ chồng gây gổ, con cái phải nghe. Người lớn trong nhà hành hạ, đánh đập nhau, con cái chứng kiến. Nhiều bé còn là nạn nhân của chuyện “giận cá chém thớt”, trút giận oan lên đầu...

Theo các chuyên gia tâm lý, kiểu hành hạ này có thể tác động nghiêm trọng đến tinh thần các em không kém bạo hành trực tiếp, vì nó thường dai dẳng mà nhiều người lớn cũng không ý thức được mình đang hành hạ con trẻ...

0FNS1Rwb.jpgPhóng to

Những đứa trẻ là nạn nhân của bạo hành gia đình được đưa về “ngôi nhà bình yên” ở Hà Nội - Ảnh: Q.Việt

Bài 1: Đòn roi và chửi mắng

Nạn nhân dễ trở thành người bạo hành

Tám năm tiếp xúc nhiều hoàn cảnh bạo hành gia đình, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Ngọc Bích nhận định: không phải trực tiếp bị đánh đập, chửi mắng, mà các em nhỏ chỉ cần thường xuyên phải chứng kiến cảnh đó cũng đã là nạn nhân nặng nề. Những em phải vào “ngôi nhà bình yên” đều có biểu hiện lầm lì, trầm cảm hoặc quá hiếu động, không nghe lời người lớn.

Thậm chí bé mới 3-4 tuổi đã dám đánh luôn cả người lớn. Việc chữa trị thể xác, phục hồi tâm lý cho các em bị bạo hành gia đình thường phức tạp và mất thời gian. Nhưng theo bà Bích, quan trọng là các em phải được sống trong môi trường thương yêu, giáo dục đúng đắn, nhất là không tái diễn bạo hành.

Giận cá chém thớt

Lấy chồng đến nay đã gần 15 năm nhưng chị V.T.X., một nông dân ngoại thành Huế, hiếm khi nở nụ cười. Người chồng nghiện rượu mãn tính, mỗi ngày đều trút lên đầu chị và các con những trận đòn tàn bạo.

Nhà đã nghèo lại càng khổ khi không còn thứ gì lành lặn, kể cả chén ăn cơm, vì người chồng mỗi khi say xỉn lại lên cơn đập phá. Nuốt nước mắt vào lòng, chị X. tâm sự với những người chia sẻ, giúp đỡ mình: “Tôi đau một nhưng đau cho con tới ba. Chúng nhỏ quá, có tội tình gì mà phải chịu khổ cùng với mẹ!”.

Chị kể dù chồng đi nhậu nhẹt đến nửa đêm mới về thì mẹ con vẫn phải nhịn đói chờ cơm, nếu không sẽ bị đánh vì “dám coi thường chồng”. Nhiều lần người chồng nổi nóng đập phá, đạp đổ mâm cơm giữa bữa. Ba con mà đứa út mới 4 tuổi, lớn nhất 14 tuổi phải nhịn đói đi ngủ.

Thương con, nhất là lúc chúng phải chứng kiến cảnh mẹ bị cha hành hạ. Đánh vợ, ông ta còn dìm đầu chị vào nồi cám heo. Các con sợ hãi, khóc thét như chính chúng bị hành hạ. Thế là ông ta càng nổi nóng quay sang đánh luôn con và tiếp tục bắt chúng phải nhịn đói.

Gần đây đứa con gái lớn mới 14 tuổi phải vào TP.HCM làm “ôsin” để chạy trốn cha và kiếm tiền giúp mẹ. Chủ nhà ứng trước lương 10 triệu đồng để gửi về nhà. Em mừng khấp khởi, hi vọng có tiền thì nhà đỡ khổ, cha sẽ ít nóng nảy, mẹ và các em sẽ đỡ bị hành hạ. Nào ngờ người cha đã lấy hết tiền mồ hôi nước mắt của con gái đi nhậu và lại tiếp tục trút đòn roi xuống vợ con. Từ TP.HCM, cô bé mới 14 tuổi đã biết gọi điện thoại khóc với mẹ: “Con sợ có ngày mẹ và các em bị đánh chết. Mẹ ly dị cha, con sẽ ở với mẹ!”.

Bắt con uống cả thuốc trừ sâu

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, trường hợp mẹ con chị N.T.S. cũng bi thảm không kém. Người phụ nữ nghèo khó tần tảo làm thuê đủ thứ việc nuôi chồng con. Nhưng người chồng lại nghiện rượu nặng suốt ngày đánh vợ, chửi con vì bất cứ lý do gì. Nhiều đêm anh ta bắt các con nhỏ quỳ gối đến tận 2 giờ sáng trong cái rét cắt da thịt gió mùa đông bắc. Lúc bình thường người cha này cũng có biểu hiện thương con, nhưng mỗi khi lên cơn say lại quên tất cả. Có lần anh ta đã rót hai ly thuốc trừ sâu bắt con phải uống. Những đứa trẻ sợ hãi khóc khản tiếng, may người mẹ về, phát hiện và hất đi được. Thế là những trận đòn lại tiếp tục đổ xuống lưng mẹ con...

Cận cảnh trẻ bị bạo hành

Chuyện bạo hành không chỉ diễn ra ở vùng quê, gia đình nghèo khó. Một bé gái mới 6 tuổi xinh xắn ngây thơ ở Tây Ninh - con một gia đình công chức - bị mù mắt oan uổng vì cha ném chén cơm vào mẹ lại trúng mắt con. Bé trai khác ở Hà Tây thường xuyên bị cha đánh đuổi “vì có mẹ không đàng hoàng”. Thậm chí có bé đang tuổi bú cũng đêm đêm bị đòn của cha vì... tội quấy khóc và mẹ không biết dỗ!

Ở “ngôi nhà bình yên” tại Hà Nội, nhìn các bé đang nô đùa trong lớp mẫu giáo, khó ai nghĩ các em là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của bạo hành. Cô giáo Đặng Kim Huệ nói: “Lúc vui tươi các em tạm quên chuyện buồn gia đình. Nhưng nhiều em vẫn bị ám ảnh và có những biểu hiện khác trẻ bình thường”.

Ở góc phòng, bé Đ. (con một phụ nữ từng bị chồng đánh đập, nhốt vào chuồng chó) sau hồi vui đùa, lại lầm lì ngồi vẽ một mình. Bé hay vẽ mẹ, nhưng ít khi vẽ bố. Mới 4 tuổi nhưng bé Đ. đã gây “ấn tượng” với các cô ở trung tâm khi nhiều lần mắng bạn: “Ông đem lửa đến đốt nhà mày”. Cô Huệ tìm hiểu mới biết đó là lời cha bé khi gây gổ. Góc tường bên kia, em H. dù đã lớn tuổi, được trị liệu tâm lý khá dài nhưng vẫn có dấu hiệu bất ổn tinh thần. Tôi hỏi gì em cũng lắc hoặc gật. Trong hồ sơ tư vấn tâm lý, em là nạn nhân gián tiếp bạo hành gia đình khi cha giận mẹ, đánh đuổi con.

Anh Tạ Ngọc Vân, người nhiều năm giúp đỡ trẻ cơ nhỡ ở Trung tâm nhân đạo Rồng Xanh, kể nhiều trường hợp rất thương tâm. Hầu hết các em bỏ nhà đi bụi, phạm pháp đều có tuổi thơ trực tiếp hoặc gián tiếp bị bạo hành gia đình. Một số em có cha mẹ nghiện ngập, bị bỏ đói, bỏ rơi, phải lăn ra đường kiếm ăn. Nhiều em vì không chịu nổi đòn roi của cha mẹ nên phải bỏ trốn khỏi gia đình. Việc tiếp cận, giúp đỡ các em rất khó khăn, vì các em đã mất niềm tin, thậm chí nhiều em còn có hành vi bạo hành.

____________________

Trẻ chưa được bảo vệ tốt

XbECi2rg.jpgPhóng to
Học viên Trung tâm Giáo dục - dạy nghề thiếu niên TP.HCM học nghề may thời trang. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng, giáo dục và dạy nghề cho 282 học viên là trẻ mồ côi, bị gia đình bỏ rơi, lang thang tuổi từ 5-15 - Ảnh: Thanh Đạm

Tại sao ngày càng xuất hiện nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng trong gia đình? Làm cách nào ngăn chặn hoặc giảm tình trạng này? PV Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc Phương - phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

* Thưa bà, tại sao gần đây xuất hiện nhiều trẻ bị bạo hành nghiêm trọng trong gia đình?

- Nói số trẻ bị bạo hành trong gia đình tăng mạnh thì chưa có cơ sở, nhưng thực tế đã xảy ra những vụ bạo hành trẻ em rất nghiêm trọng ở một số nơi. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nhận thức, hiểu biết về quyền trẻ em của nhiều bậc cha mẹ còn hạn chế, kể cả ở một số cán bộ, cơ quan chính quyền địa phương. Ngoài ra, các biện pháp nghiêm cấm, trừng trị hành vi bạo hành trẻ em cũng chưa đủ tính răn đe. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới phát hiện, báo cáo, phối hợp phòng chống, ngăn chặn nạn bạo hành trẻ ở cấp cơ sở còn nhiều lỗ hổng, yếu kém.

* Khi nạn bạo hành trẻ em xảy ra, ai sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên?

- Người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, sau đó sẽ phân cấp đến các cơ quan khác. Ngay sau khi phát hiện các vụ bạo hành trẻ nghiêm trọng ở Bình Phước, Gia Lai..., Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã gửi công văn đến lãnh đạo các địa phương đề nghị phải giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên phải nhìn nhận gần đây nhiều vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, xử lý cũng thể hiện người dân, báo chí và chính quyền các địa phương đã nhận thức và quan tâm đến vấn đề này.

* Nhưng thực tế vẫn chưa thấy một cán bộ, cơ quan nào bị khiển trách hay kỷ luật khi địa phương xảy ra bạo hành trẻ em?

- Chúng tôi đang thực hiện dự thảo trình Chính phủ về tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nội dung quy định rõ hơn trách nhiệm các cơ quan, các cấp và sự phối hợp giữa các bên liên quan. Một năm qua, mạng lưới cộng tác viên, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương bị thiếu hụt, xáo động do bộ máy này bị tách khỏi ủy ban dân số, gia đình và trẻ em.

* Theo bà, phải làm gì để bảo vệ hiệu quả trẻ khỏi bị bạo hành?

- Quan trọng nhất là nhận thức và các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ tại gia đình, cộng đồng. Phải nâng cao năng lực hệ thống bảo vệ trẻ bằng việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm các cấp chính quyền, và xây dựng được mạng lưới dự phòng, ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành trẻ em tại địa phương.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên