
Một phần lòng đường Lê Lai (đoạn từ Phạm Hồng Thái đến Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1) diện tích 348m² đang tổ chức đậu xe có thu phí - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Theo báo cáo mới đây của Sở Giao thông công chánh TP.HCM gửi Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam, có tổng cộng 21 điểm trông giữ xe trên đường bộ đã được giao cho sở quản lý và đều đã được cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Cụ thể vẫn còn tình trạng xe 2 bánh đậu trong các ô đậu xe có thu phí của ô tô, nhưng chưa được địa phương quan tâm xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, tình trạng ô tô đậu trong các ô thu phí nhưng không nộp phí cũng chưa có biện pháp chế tài. Sở kiến nghị bổ sung chế tài để xử lý, chẳng hạn như hạn chế đăng kiểm đối với phương tiện vi phạm.
Theo Sở Giao thông công chánh TP, hiện nay việc trông giữ xe trên các tuyến đường thuộc nghị quyết 01 cần được điều chỉnh để phù hợp với nghị quyết 15 của HĐND TP. Đồng thời cần điều chỉnh quyết định 32 của UBND TP để phù hợp với nghị định 165 của Chính phủ.
Ngoài ra các vị trí trông giữ xe trên vỉa hè, như vị trí trên đường Tú Xương (quận 3), cần được theo dõi và có biện pháp ngăn cách để đảm bảo lối đi cho người đi bộ.
Nghị quyết 01 của HĐND TP ban hành năm 2018, quy định mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ô tô tại TP.HCM. Theo đó các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường để đậu ô tô phải nộp phí theo mức quy định.
Thực hiện nghị quyết này, từ năm 2020 Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã tổ chức trông giữ ô tô có thu phí trên 20 tuyến đường, gồm 12 tuyến tại quận 1, 3 tuyến tại quận 5 và 5 tuyến tại quận 10.
Trong đó 3 tuyến đường Hai Bà Trưng, Lê Lai và Phạm Hữu Chí đã áp dụng công nghệ RFID để thu phí từ ngày 1-1-2025.
Từ tháng 12-2020 đến tháng 10-2024, tổng số phí thu được từ việc đậu ô tô dưới lòng đường đạt hơn 22 tỉ đồng. Tuy nhiên chi phí cho hoạt động này lại vượt số thu khoảng 2,2 tỉ đồng, dẫn đến tình trạng lỗ.
TP.HCM chấn chỉnh hệ thống biển báo giao thông, còn 36 điểm chờ xử lý
Cũng theo báo cáo của Sở Giao thông công chánh, trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025 thành phố đã xử lý được 150 trường hợp vi phạm, hoặc hư hỏng liên quan đến hệ thống báo hiệu đường bộ.
Hiện vẫn còn 36 trường hợp đang được tổng hợp và dự kiến xử lý trong quý 2-2025, bao gồm việc bổ sung biển hướng dẫn và điều chỉnh giảm số lượng thông tin trên mỗi biển báo để người dân dễ dàng nhận biết hơn.
Báo cáo của Sở Giao thông công chánh TP.HCM cũng chỉ ra nhiều bất cập trong hệ thống báo hiệu giao thông, như cây xanh che khuất biển báo vào mùa mưa, mái hiên, bảng quảng cáo và băng rôn làm hạn chế tầm nhìn.
Ngoài ra, các vụ va chạm giao thông cũng gây hư hỏng biển báo. Tại một số tuyến đường đã bàn giao cho chủ đầu tư, việc khắc phục sự cố báo hiệu còn chậm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, điển hình như đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) và đường song hành Võ Trần Chí (quận Bình Tân).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận