14/11/2024 10:30 GMT+7

Đấu võ taekwondo với võ sĩ ảo

Hôm nay (14-11), đội tuyển taekwondo Việt Nam sẽ sang Singapore thi đấu Giải taekwondo thực tế ảo thế giới 2024 diễn ra trong hai ngày 16 và 17-11.

Đấu võ taekwondo với võ sĩ ảo - Ảnh 1.

Bốn võ sĩ taekwondo Việt Nam tập luyện với máy thực tế ảo trước khi lên đường - Ảnh: N.K.

Đây là lần đầu tiên taekwondo thế giới có sân chơi mới với thể thao điện tử hứa hẹn nhiều trải nghiệm lẫn thách thức. Nói vậy bởi không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước đã lập tức đầu tư nhằm tìm kiếm thành tích khi môn taekwondo sắp được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic thể thao điện tử.

Giải đấu hấp dẫn

Không như các môn thể thao điện tử khác ngồi thi đấu trên máy tính và vận dụng trí tuệ lẫn sự nhanh tay, taekwondo thực tế ảo thi đấu như…thật. Các võ sĩ sẽ bước ra thảm đấu bình thường và thi đấu với nhau. Chỉ khác ở chỗ họ sẽ đeo lên đầu kính thực tế ảo, mang thiết bị cảm ứng trên người, cầm hai tay cầm thi đấu. Và họ không thể đá chạm vào người đối thủ do kính thực tế ảo cho ra hình ảnh khác với bên ngoài.

Các võ sĩ sẽ dùng tay cầm bấm nút chọn nhân vật, chọn phòng thi đấu và dùng để đấm, đỡ đòn đá của đối thủ. Họ đấu 3 hiệp (mỗi hiệp 1 phút), ai thắng 2 hiệp là thắng chug cuộc. Đòn đá trúng người (trên máy) đối thủ sẽ bị mất máu thay vì tính điểm như khi thi đấu bình thường. Nếu võ sĩ nào di chuyển ra khỏi vòng tròn sẽ bị trừ điểm. Ai hết máu trước sẽ thua cuộc.

Đấu võ taekwondo với võ sĩ ảo - Ảnh 2.

Lê Thị Ngọc Phương đang thi đấu "ảo" cùng đồng đội trong buổi tập - Ảnh: N.KHÔI

Nếu hết giờ vẫn chưa ai hết máu thì ai còn ít máu hơn sẽ thua. Điều đáng nói là dù đấu thực tế ảo nhưng các võ sĩ sẽ phải tính toán chiến thuật, di chuyển hợp lý, đá trúng khu vực quy định có điểm không khác gì một trận đấu thật ngoài đời để có thể giành chiến thắng.

Thậm chí thể lực của võ sĩ còn phải tốt hơn khi đấu thật ngoài đời, vì ngoài đời các võ sĩ di chuyển và đá không liên tục như đấu thực tế ảo nên mất rất nhiều sức. Đó là lý do 4 VĐV Nguyễn Quang Phúc, Nông Thạch Khiêm, Nguyễn Thanh Hiền Linh và Lê Thị Ngọc Phương ngoài việc liên tục tập làm quen với kính thực tế ảo trong cả tháng qua còn phải dành thời gian tập thể lực.

"Thi đấu bình thường thì đòn đá sẽ có điểm dừng khi trúng giáp đối thủ. Chúng tôi không phải đá liên tục mà chỉ tung đòn khi thấy đối phương sơ hở. Nhưng thi đấu thực tế ảo, chúng tôi phải đá liên tục vào không khí, do không có thời gian nghỉ nên sẽ mất nhiều sức hơn", Lê Thị Ngọc Phương - võ sĩ vô địch quốc gia hạng cân 44 kg - chia sẻ.

Với VĐV đối kháng đã thế, VĐV chuyên biểu diễn quyền như Quang Phúc, Thạch Khiêm, Hiền Linh lại càng khó khăn hơn. Dù vậy, các VĐV này cũng tỏ ra rất hào hứng khi lần đầu tranh tài đối kháng thực tế ảo.

Hiền Linh chia sẻ: "Dù mất không ít thời gian để làm quen thiết bị cũng như cách thi đấu thực tế ảo, nhưng chúng tôi rất hứng thú vì trải nghiệm mới mẻ này cũng như được lần đầu tiên thi đấu đối kháng. Chúng tôi sẽ cố gắng thi đấu và trải nghiệm ở giải thực tế ảo thế giới và hy vọng có thể có thành tích cho taekwondo Việt Nam".

Taekwondo Việt Nam đón đầu xu thế

Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) cho biết Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) thời gian qua đã đẩy mạnh thể thao điện tử taekwondo và rất kỳ vọng vào Giải taekwondo thực tế ảo thế giới 2024.

"Trong kế hoạch thi đấu của WTF, mỗi thứ chỉ nói có một dòng. Nhưng riêng giải thực tế ảo, họ để nguyên trang giới thiệu. Mà quả thật, giải đấu này rất đáng chờ đợi. Bởi các VĐV sẽ được trải nghiệm trận đấu như một trò chơi, nhưng hấp dẫn hơn nhiều vì thi đấu thật sự", ông Nguyễn Thanh Huy - phó chủ tịch VTF - chia sẻ.

Đấu võ taekwondo với võ sĩ ảo - Ảnh 3.

Hai võ sĩ thi đấu thực tế ảo và được chiếu trên màn hình lớn cho khán giả xem - Ảnh: WTF

Nhận thấy tiềm năng của môn mới này, VTF đã quyết định đầu tư để đón đầu xu thế và hy vọng có thể đưa taekwondo Việt Nam có thêm thành tích ở đấu trường thế giới lẫn Olympic. Nhận được đề nghị chuyển giao công nghệ và thiết bị từ Singapore từ cuối năm 2023, nhưng VTF phải tính toán và đến tháng 4 năm nay mới quyết định nhập thiết bị về với tổng chi phí đầu tư hơn 500 triệu đồng.

Theo đó, gần 400 triệu đồng mua 3 bộ thiết bị và phần mềm được vận động từ nguồn xã hội hóa - thông qua công ty cổ phần trang thiết bị thể thao Kwon Việt Nam, và gần 150 triệu đồng còn lại để mua tivi, máy tính, router… do Liên đoàn Taekwondo TP.HCM bỏ ra.

Các thiết bị này đã được nhập về từ lâu, nhưng cần công ty ở Singapore sang đào tạo. Ngoài ra, các VĐV lại đi thi đấu giải thường xuyên nên việc tập luyện chỉ mới bắt đầu khoảng 1 tháng nay. Mặc dù giải đấu chưa được Cục TDTT hay các tỉnh công nhận thành tích (nếu có) để khen thưởng, nhưng các VĐV đều tập luyện rất hăng say.

Nếu mở đường thành công, đây cũng hứa hẹn là nơi khai thác huy chương khi taekwondo được đưa vào Olympic thể thao điện tử.

Cái nhìn mới về tương lai taekwondo

Giải taekwondo thực tế ảo thế giới 2024 có 5 nội dung thi đấu: hỗn hợp nam nữ trẻ (16 đến 35 tuổi), cá nhân nam (16 đến 35 tuổi), cá nhân nữ (16 đến 35 tuổi), hỗn hợp nam nữ thanh niên (16 đến 35 tuổi) và hỗn hợp nam nữ trung niên (trên 35 tuổi). Sự cạnh tranh là rất cao khi mỗi một nội dung có đến 36 VĐV đăng ký tham dự. Nghĩa là muốn có huy chương thì phải trải qua rất nhiều trận đấu và mất nhiều sức.

Nói về giải đấu, ông Choue Chungwon - chủ tịch WTF - chia sẻ: "Giải sẽ là cái nhìn mới về tương lai của taekwondo. Tôi hy vọng rằng taekwondo thực tế ảo sẽ được thêm vào chương trình thi đấu của thể thao điện tử Olympic, qua đó thể hiện rõ hơn sự đổi mới, đa dạng và tính toàn diện của môn thể thao của chúng ta".

Đấu võ taekwondo với võ sĩ ảo - Ảnh 2.Bộ Công an đăng cai tổ chức Giải Taekwondo cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024

Chiều 29-10, Bộ Công an tổ chức lễ công bố và thông tin Giải Taekwondo cảnh sát các nước châu Á mở rộng năm 2024 được tổ chức tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên