23/06/2005 13:02 GMT+7

Đầu tư xây dựng trường học: Nơi nào cũng sai phạm

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Chính phủ, ngành giáo dục đang nỗ lực thực hiện chủ trương xóa phòng học 3 ca và tranh, tre, nứa, lá, từng bước kiên cố hóa trường lớp, nhằm góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội.

ZOn5H5pu.jpgPhóng to
Trường CĐSP Bình Phước được xây xong chưa bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng như thế này

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đầu tư xây dựng trường học ở các tỉnh thành trên cả nước, cho thấy, rất nhiều công trình xảy ra sai phạm…

Sai từ... trên giấy!

Theo Thanh tra Chính phủ, chỉ mới kiểm tra 120 dự án xây dựng trường học ở 36 tỉnh, thành trực thuộc trung ương (có tổng vốn dự toán đầu tư gần 684,7 tỉ đồng) đã phát hiện tổng giá trị sai phạm lên đến 11 tỉ đồng. Sai phạm ban đầu là công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán chỉ được làm chiếu lệ, thiếu kiểm tra thực tế khiến hàng loạt công trình phải điều chỉnh thiết kế khi thi công.

Nhiều công trình trong số 58 dự án được kiểm tra tại TP.HCM đã thiếu… định hướng ngay từ khi lập dự án. Điển hình như trường Nguyễn Hữu Thọ là cấp 3 nhưng thiết kế lại dành cho học sinh… cấp 2; còn trường cấp 1 Lý Nhơn, quận 4 lại nằm sát vách với xưởng… sản xuất thuốc lá. Trường Tiểu học Bình Trị (quận Bình Tân, TP.HCM), diện tích sân không đủ cho học sinh sinh hoạt.

Các công trình xây dựng ở miền núi hầu hết đều phải thay đổi tiết diện sắt, gia cố thêm móng do khảo sát không kỹ, thiếu chú ý độ nghiêng của mặt bằng, mà điển hình là các trường tiểu học Tam Bố, Tân Thượng, Tân Sơn ở Lâm Đồng. Một số công trình do Viện Nghiên cứu thiết kế Bộ GD-ĐT ký hợp đồng làm tư vấn còn xảy ra tình trạng ăn gian khối lượng công trình ngay trên… bản vẽ; lập dự toán theo kiểu tự ra giá mà không căn cứ vào đơn giá vật tư, nhân công của địa phương, khảo sát thiết kế không đúng thực tế.

Những sai sót này, không được đơn vị thẩm định dự toán phát hiện dẫn đến hậu quả cấp có thẩm quyền cứ lấy mức dự toán “trời ơi” này làm căn cứ xét thầu, nên làm tăng giá trị dự toán công trình.

Mặc sức gian lận

Công tác đấu thầu, thi công cũng có nhiều sai phạm. Tình trạng chỉ định thầu không đúng quy định, việc thương thảo hợp đồng thực hiện theo hướng có lợi cho nhà thầu, khá phổ biến. Theo quy định, đối với những gói thầu nhỏ hơn 500 triệu đồng thì được chọn thầu nhưng phải có ít nhất 3 nhà thầu chào giá, tuy nhiên, chủ đầu tư “chỉ thích” chọn phương án chỉ định thầu theo giá thẩm định của Sở Xây dựng. Tại Nam Định còn xảy ra hiện tượng lập hồ sơ mời thầu với tiên lượng cao hơn so với dự toán được duyệt.

Hầu hết các công trình đều sử dụng không đúng chủng loại vật tư; thi công sai thiết kế, thiếu khối lượng. Tại Lâm Đồng, trong số 20 công trình được kiểm tra thì có đến phân nửa thi công không đúng thiết kế… Tại công trình Trường THCS Tân Thạnh - Long An, cơ quan chức năng phát hiện, các loại ghế gỗ đều không đúng thiết kế; nền, tường công trình đều bị lún sụt do nhà thầu cố tình bỏ qua công đoạn đầm nén.

Tại Đồng Tháp, Công ty Trang trí nội thất thương mại và dịch vụ Yến Hoa trúng thầu cung cấp thiết bị bàn ghế cho Sở GD-ĐT trị giá 1,5 tỉ đồng, mặc dù còn trong thời hạn bảo hành vẫn có 57,9% ghế bị hỏng nhưng không có trách nhiệm khắc phục hậu quả…

Nguyên nhân: Thiếu trách nhiệm

Những sai phạm trên là do công tác giám sát bị buông lỏng. Một số chủ đầu tư là Phòng GD các quận, huyện, hiệu trưởng nhà trường không có chuyên môn về quản lý xây dựng cơ bản. Trong khi phần lớn đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thiếu trách nhiệm, thì cơ quan chức năng và chủ đầu tư vẫn không có biện pháp chế tài nào để buộc các đơn vị này phải bồi hoàn thiệt hại…

Chưa kể việc ban hành thiết kế mẫu cho chương trình kiên cố hóa trường học không phù hợp với các địa phương phía Nam, suất đầu tư thấp (chỉ có 80 triệu đồng/phòng học) làm cho dự án phải điều chỉnh nên không giải ngân kịp. Thậm chí, công trình không tính đến hiệu quả khai thác, sử dụng, gây lãng phí.

Chẳng hạn tại công trình Trường tiểu học cấp 2, 3 của huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), tổng mức đầu tư trên 10 tỉ đồng, phải phê duyệt điều chỉnh tới 4 lần, thiết kế và xây dựng với quy mô quá lớn (trên 24.000m2), trong khi dân số của toàn huyện chỉ có 22.000 người. Năm học 2003-2004, trường chỉ sử dụng hết 8 phòng/14 phòng học. Còn khu hành chánh – thí nghiệm – thực hành cũng chỉ sử dụng hết 7/25 phòng.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên